Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 10/03/2023 | 18:22

Năm 2023 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo các cấp, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện cho kỳ được chỉ tiêu giảm nghèo của năm, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn đa chiều bền vững, chống tái nghèo, phát sinh mới. Và để công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tốt nhất, bền vững nhất, Bạc Liêu cũng đã xác định phải huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp vừa hỗ trợ vừa động viên, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam trao bằng khen của UBND tỉnh cho các hộ thoát nghèo tiêu biểu năm 2022.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHỦ TRƯƠNG ĐỠ ĐẦU HỘ NGHÈO

Cách đây hơn 10 năm, Bạc Liêu đứng trước thực tế vô cùng khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo (gần 16%), hộ cận nghèo (trên 8%) ở mức cao của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai chủ trương “đỡ đầu” hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hằng năm UBND tỉnh đã ban hành văn bản phân công các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và giao trách nhiệm cho các địa phương nhận và giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Tùy theo khả năng về nguồn lực tài chính, con người, mỗi đơn vị, địa phương có nơi đỡ đầu từ 3 - 5 hộ, có đơn vị nhận hỗ trợ từ 10 hộ trở lên. Từ địa chỉ hộ nghèo được giao, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của đơn vị sẽ trực tiếp đến thăm hỏi tình hình, tìm hiểu nhu cầu, khả năng của từng hộ, thậm chí là từng thành viên trong gia đình hộ nghèo để đề xuất với cơ quan, đơn vị có hướng hỗ trợ thiết thực nhất.

Từ việc ban đầu chỉ hỗ trợ vốn để hộ nghèo “muốn làm gì thì làm”, với kinh nghiệm được tích lũy theo thời gian, các đơn vị, cơ quan đã sâu sát, gần gũi hơn để cùng với người dân tìm ra giải pháp nâng cao thu nhập, có việc làm hoặc nuôi trồng, sản xuất - kinh doanh ổn định. Thậm chí sau khi xét thấy nhu cầu của hộ nghèo là hợp lý trong mở rộng mô hình chăn nuôi, sản xuất hay mạnh dạn kinh doanh mua bán phù hợp thì đơn vị đó sẽ vận động hỗ trợ tăng thêm nguồn vốn. Chẳng hạn như đơn vị Công an tỉnh và nhiều cơ quan, đơn vị khác không chỉ hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất mà còn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình, thậm chí hỗ trợ đột xuất khi có hữu sự, ốm đau. Hay Hội LHPN tỉnh cũng đã từng vận động nhanh mạnh thường quân hỗ trợ hộ nghèo cất lại nhà bị cháy; Hội Nông dân tỉnh thì bên cạnh việc hỗ trợ cây, con giống còn hỗ trợ đắc lực về kỹ thuật cùng đầu ra tiêu thụ…

Trong quá trình thực hiện chủ trương, ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo của các cơ quan, đơn vị, dần sau này còn có thêm sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh mà đơn vị, địa phương vận động thuyết phục được. Với sự nỗ lực trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo của tỉnh 10 năm qua với việc nhận hỗ trợ, giúp đỡ trên 41.600 lượt hộ nghèo, tổng kinh phí trên 137 tỷ đồng, qua đó có trên 41.050 lượt hộ thoát nghèo.

Xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) trao con giống cho hộ nghèo. Ảnh: H.T

KHÔNG CHẠY THEO THÀNH TÍCH, XÓA TƯ TƯỞNG TRÔNG CHỜ, Ỷ LẠI

Chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023 của Bạc Liêu là hỗ trợ cho khoảng 2.270 hộ thoát nghèo (tương đương tỷ lệ 1%), đồng thời cũng giảm 1% tỷ lệ hộ cận nghèo. Mặc dù chỉ tiêu giảm so với các năm trước là không cao, nhưng để thực hiện đạt và vượt kế hoạch thì cũng không dễ. Bởi theo tiêu chuẩn giảm nghèo đa chiều mới thì ngoài việc đảm bảo tiêu chí thu nhập, việc làm (đã được điều chỉnh tăng lên), các hộ thoát nghèo cũng phải đảm bảo vượt qua các tiêu chí tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, về chiều thiếu hụt y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin… Trong khi đó, hiện nay hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh hầu hết đều vướng vào 5 tiêu chí thiếu hụt khá cao gồm: bảo hiểm y tế, việc làm, sử dụng dịch vụ viễn thông, nhà tiêu hợp vệ sinh, chất lượng nhà ở.

Khi xác định được những vướng mắc trên, BCĐ giảm nghèo các cấp đã đồng thời xây dựng giải pháp tập trung “lấp đầy” các tiêu chí thiếu hụt. Đơn cử như việc xây dựng kế hoạch nhằm hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo mới thoát nghèo; hỗ trợ đầy đủ, kịp thời tiền điện thắp sáng cho 100% hộ nghèo theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động nghèo. Phấn đấu đào tạo nghề cho 14.000 lao động; giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh cho 18.500 lao động, đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Tại hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh: các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể cần xác định công tác giảm nghèo là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Do đó, khi thực hiện các giải pháp phải hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Một trong những hạn chế của công tác giảm nghèo thời gian qua là vẫn còn hộ tái nghèo, rõ ràng việc thực hiện có tư tưởng chạy theo thành tích nên tính bền vững chưa cao. Hạn chế này cần được khắc phục ngay, đề nghị HĐND các cấp, Mặt trận các cấp tăng cường công tác giám sát về việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, việc khảo sát hộ nghèo, cận nghèo và xét công nhận hộ thoát nghèo để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, tháo gỡ vướng mắc.

Đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng tất cả các chính sách của Trung ương, địa phương cho mục tiêu giảm nghèo, quan tâm hơn đến công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt cần chú ý đến các hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng gặp khó khăn; bên cạnh việc giúp đỡ hộ nghèo thì cần đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không trông chờ, ỷ lại mà có ý thức vươn lên, có thể nêu điển hình các hộ tự nguyện xin rút sổ hộ nghèo vừa được tỉnh tuyên dương để hộ nghèo trong tỉnh noi theo; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phải phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có thể tăng chỉ tiêu xuất khẩu lao động hàng năm lên vì số lượng 300 vẫn là khá khiêm tốn, trong khi đây là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững nhất; đề nghị BCĐ các cấp phải có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nhất là tập trung giải quyết 5 tiêu chí đang ở mức thiếu hụt cao…

HOÀNG UYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.