Du lịch

Bước đột phá cho ngành “công nghiệp không khói”

Thứ Sáu, 28/11/2014 | 17:33

Hiện nay, thế giới đang chứng kiến sự lên ngôi của ngành “công nghiệp không khói”. Theo xu thế đó, Bạc Liêu ban hành Nghị quyết 02 về “đẩy mạnh phát triển du lịch” với mục tiêu đưa “du lịch - dịch vụ trở thành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương”. Từ đó đã tạo bước phát triển cho du lịch Bạc Liêu trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014, du lịch Bạc Liêu đã đón tiếp 970.000 lượt khách, tăng 28% so với năm 2013…

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Ấn tượng những sản phẩm du lịch độc đáo

Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn tập trung cho phát triển du lịch, Bạc Liêu đang từng bước khẳng định thương hiệu độc đáo riêng. Với 6/21 điểm du lịch được bình chọn, Bạc Liêu là tỉnh có nhiều điểm du lịch nhất ở ĐBSCL. Một trong những điểm du lịch tiêu biểu đó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi). Trong khuôn viên có diện tích 45.000m2, nhiều hạng mục công trình đã tái hiện được những thước phim lịch sử về vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, sự mưu trí, dũng cảm và lòng yêu nước của người dân Châu Thới nói riêng, người Bạc Liêu nói chung. Nhưng đặc biệt nhất là qua đó đã thể hiện được tình cảm của những người con nơi cuối trời Tổ quốc dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Bên cạnh đó, cũng với nét độc đáo “chỉ có thể có ở Bạc Liêu” là điều mà du khách muốn tìm đến đã trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng ĐBSCL. Đó là cụm nhà Công tử Bạc Liêu với những giai thoại nổi tiếng. Sự độc đáo và hấp dẫn của du lịch Bạc Liêu không chỉ được phát huy ở những tiềm năng của thiên nhiên, tiềm năng lịch sử, văn hóa truyền thống mà còn được phát huy từ chính nội lực của địa phương với quyết tâm tạo sức bật cho du lịch tỉnh nhà. Do đó, 3 điểm du lịch được bình chọn là tiêu biểu của khu vực gồm: Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, biển nhân tạo thuộc khu du lịch Nhà Mát và Quảng trường Hùng Vương, tất cả đều là những công trình du lịch rất mới nhưng cũng rất ấn tượng, thu hút rất đông du khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, không cần quảng bá nhiều, ở lĩnh vực du lịch tâm linh, du khách, phật tử, giáo dân gần xa vẫn luôn hành hương về lễ hội vía Bà Nam Hải tổ chức vào ngày 23 tháng 3 (âm lịch) tại khu du lịch Quán âm Phật đài và Nhà thờ Tắc Sậy nổi tiếng vào các dịp nghỉ, Noel…

Đông đảo du khách tham quan khu du lịch biển nhân tạo Nhà Mát. Ảnh: M.Đ

“Chìa khóa” của sự thành công

So với khu vực và cả nước thì du lịch Bạc Liêu còn rất mới mẻ, nhưng ở vị thế của một người “em út dễ thương”, Bạc Liêu đã biết phát huy những lợi thế của riêng mình. Thành công lớn nhất của ngành “công nghiệp không khói” ở Bạc Liêu là doanh thu du lịch tăng đều theo hàng năm. Đặc biệt, năm 2014 này doanh thu ước đạt 857 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước), trong đó có khoảng 300.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú (tăng 30% so với năm trước). Theo khảo sát mới nhất của ngành chức năng, trong 4 tháng gần đây công suất phòng của khách sạn, nhà nghỉ toàn tỉnh đạt đến 80%... Những “con số biết nói” này là minh chứng thuyết phục nhất cho sự thành công của du lịch Bạc Liêu đang trên đường tiến đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để có được thành công trên, ngoài sự đầu tư, xúc tiến cho nhiều dự án trọng điểm như: Đền thờ Bác Hồ, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương, Quán âm Phật đài… thì Bạc Liêu đã có những giải pháp khẳng định thương hiệu, mời gọi và giữ chân du khách. Chẳng hạn như Quảng trường Hùng Vương không chỉ được người dân trong tỉnh và đông đảo du khách yêu thích vì có kiến trúc đẹp, không gian rộng lớn…, mà khi đến với quảng trường, mọi người đều cảm thấy thỏa mãn với điểm du lịch mang nhiều ý nghĩa: chính trị, văn hóa và giải trí. Bởi, rất nhiều sự kiện chính trị, văn hóa được tổ chức tại quảng trường mà hàng ngàn người dân và du khách có thể cùng tham gia. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi ngày Quảng trường Hùng Vương đều đón hàng trăm lượt khách, người dân trong tỉnh, cũng chính nơi giải trí này, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng 2 kỷ lục quốc gia: Nhà hát Cao Văn Lầu (mô hình ba nón lá), cây đờn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam. Và cách đó không xa, du khách cũng như người dân trong tỉnh dễ dàng đến để tỏ lòng thành kính với các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân 1968.

Với lợi thế “Thánh đường của đờn ca tài tử” vừa được UNESCO vinh danh, tỉnh đã tạo hình ảnh du lịch Bạc Liêu như một “Điểm hẹn văn hóa”. Đã có rất nhiều khách du lịch đồng quan điểm với ông Phạm Phước Như - Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: “Bạc Liêu đã có bước phát triển trong lĩnh vực du lịch khá tốt. Cách làm rất hay của Bạc Liêu là đã đưa nghị quyết phát triển du lịch vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tôi cũng rất ấn tượng với Bạc Liêu là đường phố rất sạch đẹp, thiện cảm với người dân Bạc Liêu phóng khoáng, hiếu khách, tiểu thương thì không chèo kéo khách…”. Để có được ấn tượng này, Bạc Liêu đã phát động phong trào “Người người làm du lịch”, nhà nhà làm du lịch”, bởi du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, do đó tính cộng đồng là rất cần thiết. Trong công tác tuyên truyền, ngoài thông tin trên báo, đài, các phường, xã, thị trấn hiện nay thường xuyên vận động, xây dựng con người Bạc Liêu “Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp” nhằm tạo ấn tượng đẹp về cốt cách, tâm hồn của “Tình người, tình đất phương Nam”.

Để có sự phát triển bền vững

Dù đạt được những thành công bước đầu, nhưng phải nhìn nhận một thực tế là du lịch Bạc Liêu vẫn đang là một người “em út dễ thương” cần có thời gian để trưởng thành hơn, thành công hơn nữa thì ngành “công nghiệp không khói” Bạc Liêu mới đạt được mục tiêu kinh tế mũi nhọn của tỉnh một cách bền vững. Du khách đã đến Bạc Liêu ngày càng đông hơn, nhưng làm sao để giữ chân họ ở lại và sử dụng dịch vụ của Bạc Liêu mới là mục tiêu lâu dài. Chỉ có khoảng 300.000/970.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, nhưng thời gian lưu trú cũng không nhiều cho thấy khách chưa sử dụng nhiều dịch vụ của Bạc Liêu. Hiện nay, phần lớn khách du lịch đến với Bạc Liêu thuộc tầng lớp bình dân, ghé thăm Bạc Liêu trong chốc lát. Như lời của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội trong một lần ghé thăm Bạc Liêu thì: “Sự tươi trẻ của du lịch Bạc Liêu như một làn gió mới mời gọi du khách đang thích khám phá, thư giãn. Nhưng với sự đơn điệu, chưa chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện, lễ hội, hay giải pháp giữ chân du khách như hiện nay thì du lịch Bạc Liêu mới chỉ đang “nhặt bạc cắc” thôi. Vấn đề là làm sao để du khách tự nguyện tiêu xài một cách... hào phóng. Làm một phép so sánh đơn giản, doanh thu du lịch Bạc Liêu hiện nay cũng chỉ suýt soát một khách sạn cao cấp của Hà Nội (khách sạn giữ chân nhiều khách quốc tế nhất)…”.

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư hay các nhà đầu tư đã đăng ký từ lâu nhưng vẫn “án binh bất động” như: Dự án khu du lịch Điện gió, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng (Nhà Mát), dự án du lịch sinh thái ven biển… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn thiếu về số lượng và yếu cả về chuyên môn. Các khu du lịch, các khách sạn luôn trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, đội ngũ phục vụ không đúng chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp, phần nhiều là lao động phổ thông, thời vụ….

Chuyện du lịch suy cho cùng cũng là chuyện văn hóa. Văn hóa càng đặc sắc, càng thú vị thì du lịch càng hấp dẫn. Bạc Liêu đang sở hữu nét riêng của các loại hình văn hóa như: văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật… Nhưng làm thế nào để phát huy những tiềm năng trên một cách bền vững vẫn là một thách thức lớn cho du lịch Bạc Liêu.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.