Doanh Nghiệp - Doanh nhân

Thành lập 500 doanh nghiệp năm 2019: Vì sao phải phát triển doanh nghiệp?

Thứ Hai, 25/02/2019 | 16:37

Để thực hiện thắng lợi 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Bạc Liêu xác định phải phát huy và khơi dậy nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó, việc phát triển, thành lập mới doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định cho tăng trưởng. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu khách quan, tất yếu để Bạc Liêu hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương tặng quà đầu xuân cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Nội.

DOANH NGHIỆP LÀ ĐỘNG LỰC

Với mục tiêu và quyết tâm tăng trưởng nhanh, bền vững và đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL và trung bình khá của cả nước, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ phải đạt trên 9% và phải đạt mức tăng trưởng cao hơn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra từ 6,5 - 7%/năm. Và chỉ có tăng trưởng từ 9% trở lên Bạc Liêu mới hoàn thành được mục tiêu và hoàn thành “giấc mơ” vốn đã bị lỗi hẹn qua 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, đây cũng chính là lý do mà Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2019 là 10%.

Để hoàn thành “giấc mơ” và khát vọng này, đưa Bạc Liêu đứng vào tốp 5 của khu vực ĐBSCL thì Bạc Liêu phải thực hiện thắng lợi 5 chỉ tiêu. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo thấp và sản lượng tôm. Và quyết định thành công cho những chỉ tiêu quan trọng này không ai khác ngoài việc phát huy vai trò và sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp. Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định tại hội nghị xúc tiến thành lập 500 doanh nghiệp trong năm 2019: “Doanh nghiệp chính là động lực cho phát triển. Vì vậy, muốn thực hiện thắng lợi 5 trụ cột và phát triển kinh tế nhanh phải tập trung phát triển doanh nghiệp, dù có khó cũng phải quyết tâm làm”.

Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và quyết định đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 8,36%, đây là mức tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ và cũng là lần đầu tiên Bạc Liêu lọt vào tốp 3 của vùng ĐBSCL, và góp phần cho thành tích ấy có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho ngân sách như: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu, Công ty Bia Sài Gòn - Bạc Liêu, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu…

Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp, tại các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương khẳng định: “Bạc Liêu xem sự phát triển và thành công của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là sự phát triển, thành công của tỉnh. Bởi doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là lực lượng nòng cốt, động lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh. Vì vậy, Bạc Liêu cam kết sẽ luôn đồng hành, chia khó với doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho các nhà đầu tư”.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh: L.D

ĐIỂM NGHẼN Ở ĐÂU?

Xác định phát triển doanh nghiệp có vai trò đặc biệt trong phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển 500 doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2018 cả tỉnh Bạc Liêu chỉ thành lập mới được 345 doanh nghiệp, đạt 69% so với kế hoạch. Trong đó, ngoài TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi đạt 100% kế hoạch, các địa phương khác đều thực hiện không hoàn thành. Đáng quan tâm hơn, có những địa phương vốn được coi là giàu nguồn lực để phát triển mới doanh nghiệp nhưng chỉ hoàn thành hơn 30% kế hoạch mà huyện Phước Long là một minh chứng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các hộ sản xuất, kinh doanh chưa “mặn mà” với việc phát triển thành doanh nghiệp chính là tâm lý lo sợ về các thủ tục hành chính, đặc biệt là các chính sách liên quan đến thuế. Cụ thể khi thành lập doanh nghiệp, ngoài thực hiện chế độ báo cáo tài chính, phải thuê thêm nhân viên làm sổ sách, tập hợp hóa đơn, chứng từ, báo cáo thuế hàng quý, hàng năm, còn phải đóng thêm các khoản thuế khác như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… mà từ trước đến nay họ không phải đóng. Thêm vào đó, phải thực hiện giao dịch thanh toán qua tài khoản ngân hàng khi chi phí phát sinh từ 20 triệu đồng trở lên. Cũng như phải đăng ký và nộp đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phải tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh cho người lao động, thậm chí phải thành lập tổ chức công đoàn khi doanh nghiệp phát triển và cả tuân thủ chế độ thanh, kiểm tra từ ngành quản lý…

Ngoài ra, các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã ban hành như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nhiều nghị định khác về hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khởi nghiệp, sáng tạo… nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, nên cũng chưa khuyến khích được các hộ sản xuất, kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp…

Tất cả những bất cập trên được xem là “điểm nghẽn” làm cho các hộ sản xuất, kinh doanh chưa mạnh dạn phát triển thành doanh nghiệp. Trong khi theo thống kê của ngành Thuế, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có trên 29.700 hộ kinh doanh và đến nay có trên 9.520 hộ kinh doanh có đăng ký thuế. Trong đó, có trên 3.000 hộ có mức thuế môn bài mức I và hơn 2.120 hộ có mức thuế môn bài mức II. Với hơn 5.000 hộ sản xuất, kinh doanh này chính là đối tượng có thể vận động phát triển thành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để các hộ sản xuất, kinh doanh này phát triển lên doanh nghiệp không phải là chuyện dễ làm. Cụ thể, cả năm 2018 chỉ có 18 hộ chuyển đổi lên doanh nghiệp và trong 18 hộ này, đến nay đã có 6 hộ nộp đơn xin giải thể!? Qua đó cho thấy, việc thành lập mới doanh nghiệp thiếu bền vững, doanh nghiệp thành lập mới nhanh chóng “quay mặt” với loại hình này mà thích quay về sản xuất với quy mô hộ gia đình. Đây là vấn đề cần được quan tâm và có ngay các giải pháp xử lý, nếu không việc thành lập mới 500 doanh nghiệp trong năm 2019 là bất khả thi.

Một trong những mục tiêu quan trọng được Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển, thành lập mới doanh nghiệp và phấn đấu đến năm2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Do vậy, việc Bạc Liêu tập trung phát triển doanh nghiệp cũng chính là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10-NQ/TW và tạo thêm những động lực, nền tảng quan trọng cho phát triển KT-XH bền vững trong tương lai.

LƯ DŨNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.