Cùng bàn luận

Thích ứng để tránh tụt hậu

Thứ Sáu, 16/04/2021 | 16:04

“Cứ nói muốn cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mà con người 0.4 thì không làm được” - Đó là phát biểu của tân Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội trong một buổi làm việc với Quận ủy Cầu Giấy (Hà Nội) hôm 18/3 vừa rồi về: Xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, phát triển kinh tế số đã nhấn mạnh như vậy.

Nói cách khác, muốn có CMCN 4.0 thì phải có con người thích ứng với cuộc cách mạng ấy (CM 4.0)!

Bài viết này không đủ tầm bao quát về CMCN 4.0. Ở đây chỉ muốn nói đến sự thích ứng bằng thái độ nào khi đón nhận, hòa nhập với cuộc cách mạng ấy để khỏi tụt hậu…

Trong cuộc CMCN lần thứ tư này (CM 4.0), Đảng, Nhà nước ta đã nhận ra tầm quan trọng của việc chủ động đón nhận và ứng dụng vào CMCN 4.0. Tuy nhiên, để thành công trong việc “bắt” được chuyến tàu 4.0 này, cần rất nhiều yếu tố…, nhưng yếu tố quan trọng nhất và trước nhất là thái độ của chính chúng ta trong việc đón nhận. Thái độ sẽ dẫn đến hành động. Thái độ tích cực, lành mạnh, cách mạng sẽ có hành động tương ứng và ngược lại! Trong CMCN 4.0 và sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ (KH-CN) nói chung, đã qua chúng ta đã không ít lần “lỡ hẹn” vì những yếu tố khách quan của lịch sử. Đó là một thiệt thòi cho quốc gia, dân tộc. Vì vậy chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ trước của “người đến sau” để tận dụng “lợi thế của người đến sau” hôm nay. Nói cách khác, là cần biết thích ứng để khỏi tụt hậu. Trong việc thích ứng cũng có biết bao nhiêu vấn đề cần tư thế chủ động. Ở đó có cả sự “chủ động… chấp nhận” để thay đổi, để đối diện, thay vì né tránh. Chúng ta cần khiêm tốn học hỏi, trước hết là để đáp ứng, thích nghi và hòa nhập, để vượt lên… Tận dụng lợi thế người đến sau là sự lựa chọn cái mới, cái tiến bộ, cách mạng và khoa học. “Người đến sau” phải biết chọn lọc cái tinh túy, phải biết đi tắt, đón đầu, biết “đốt cháy giai đoạn” một cách phù hợp, biết tránh “vết xe đổ” của người đi trước…

Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường vấp phải sự cản trở từ sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và cả sự cam chịu, bằng lòng… Đã có nhiều ý kiến so sánh một cách máy móc hoặc thiếu thiện chí về những vấn đề gì đó - nhất là chuyện quốc gia đại sự như so sánh nước ta với nước nào đó, trên lĩnh vực gì đó… thì Việt Nam phải mất 50 năm, 100 năm nữa mới theo kịp họ ở thời điểm… năm 2000!

Sự tụt hậu, thấp kém có thể có ở một số lĩnh vực. Nhưng so sánh theo kiểu… tự ti, chấp nhận số phận tụt hậu và thụ động đến thái quá là điều không nên. Tại sao chúng ta không vận dụng “lợi thế người đến sau” như đã nói. Đó là biết tránh “vết xe đổ” của người đi trước; chọn lấy những nhân tố tích cực và cách mạng cho mình, chứ tội tình gì phải “sao chép nguyên mẫu” một cách rập khuôn, máy móc theo từng bước đi của ai đó để rồi chấp nhận sự tụt hậu đến… 100 năm?! Tại sao không tận dụng KH-CN, tận dụng lợi thế của CMCN 4.0 đã có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực… Có thể nói, đó là một kiểu so sánh thiếu thiện chí; còn về mặt tình cảm là sự vô tâm với quê hương, đất nước!

Tuy nhiên, muốn không tụt hậu, không bị bỏ lại phía sau thì việc thích ứng, đón nhận cuộc CMCN 4.0, rồi vấn đề đổi mới tư duy, nhận thức và ý thức phụ thuộc vào thái độ của chính chúng ta. Thái độ đó là gì? Đó là dám đổi mới. Cần nhớ, cách mạng là đổi mới, là xóa bỏ cái cũ thay bằng cái mới tiến bộ hơn. Cách mạng luôn đi liền với sáng tạo. Sáng tạo luôn đi liền với sự “phá bỏ, dám phá bỏ” cái cũ, lạc hậu, cản trở sự phát triển… Phá bỏ lối sản xuất cũ, cách quản lý cũ, cơ chế cũ, tư duy lỗi thời… Phải có thái độ dám chấp nhận cái mới, cái khác biệt. Đứng trước sự khác biệt (không giống ai), cần có thái độ tôn trọng, đừng vội phán xét, phủ nhận. Bởi cái khác biệt có thể là tài năng, sự tiến bộ và cách mạng…

CMCN 4.0 không có chỗ cho sự cảm tính, chủ nghĩa kinh nghiệm, thiếu tính khoa học…

Nên nhớ, bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào, 3 yếu tố cần có để thực thi là: kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp. Trong đó, thái độ được đánh giá cao nhất. Bởi thái độ chứa đựng sự nhận thức, sự ảnh hưởng và hành vi con người. Thái độ là biểu hiện, bộc lộ nhận thức, hay kiến thức nền ở mỗi con người. Đó là những biểu hiện niềm tin và đánh giá cá nhân vào sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Có thể nói thái độ là những chuẩn mực, là động lực, là đức tin… Suy cho cùng, đó là giá trị con người!

CMCN 4.0 là quy luật của sự phát triển. Cuộc cách mạng ấy đã có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống. Vấn đề còn lại là sự đón nhận của chúng ta bằng thái độ nào - Thái độ lạc quan, tích cực sẽ đem đến suy nghĩ và hành động tích cực, cách mạng.

Càng biết thích ứng càng tránh được tụt hậu.

N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.