Cùng bàn luận

Đi tìm nguyên nhân bạo lực học đường

Thứ Hai, 04/04/2022 | 17:21

Liên tiếp gần đây có khá nhiều vụ học sinh đánh nhau - hay còn gọi là “bạo lực học đường” (BLHĐ), rồi quay clip đưa lên mạng.

Có thể liệt kê ra các vụ như: Ngày 13/3/2022 vụ “nữ sinh Huế lao vào đánh nhau để phân định thắng thua”. Trước đó, ngày 30/10/2021: “Nam sinh lớp 12 ở huyện Quảng Trạch - Quảng Bình bị đánh trước cổng trường”, người gây ra bạo lực cũng ở tuổi thanh niên. Trước đó một chút nữa: Nữ sinh lớp 7 bị “đàn chị” đánh, lột quần áo trên cầu ở huyện Thăng Bình - Quảng Nam. Nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre bị xé áo dài, đánh hội đồng vào ngày 29/9/2020; Ở Trường THCS Mường Cang (tỉnh Lai Châu), thầy giáo thể dục đánh hàng loạt học sinh ở trường này... là những điển hình đáng lo!

Nguyên nhân nào lại có nhiều vụ bạo lực đáng lên án và phẫn nộ đến vậy? Mấy dòng suy ngẫm này xin được cùng “đi tìm” nguồn cội của những hành vi ấy!

Nếu quan sát một cách bao quát thì “hiện trường” xảy ra các vụ đánh nhau thường là nơi ngoài khuôn viên trường học - nơi thiếu sự giám sát của môi trường giáo dục. Nhưng những nơi ấy lại là “điểm hẹn” của những vụ ẩu đả giải quyết mâu thuẫn!

Quan sát “tổng quát về nguyên nhân”, có thể thấy phần lớn các vụ BLHĐ bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống như: Nói xấu, chỉ trích, châm biếm nhau (cả ngoài đời, cả trên mạng xã hội) hoặc bị kích động xấu từ bạn bè…, thế là hẹn nhau “giải quyết”!

Quan sát dưới góc độ tâm lý học thì: BLHĐ là biểu hiện cụ thể của hành vi “hung tính” - hành vi này có thể hiểu như là hành vi mang tính “thù địch”. Nó liên quan đến cảm giác tuyệt vọng, hẫng hụt được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói (như đe dọa, chỉ trích, vu khống), hành vi lăng nhục, đánh đập và thái độ (qua ánh mắt thù địch, thiếu thiện cảm…).

Một thực tế xót xa là tình trạng BLHĐ đã và đang xảy ra ngày một gia tăng về tính chất, mức độ. Đáng lưu ý là BLHĐ không chỉ giữa cá nhân với cá nhân mà còn là một nhóm đối với nhóm. BLHĐ không chỉ có ở học sinh nam mà còn có khá nhiều đối với học sinh nữ (như những vụ kể trên).

Một điều đáng nói (đáng ngạc nhiên) là nhiều học sinh chứng kiến cảnh bạo lực gần như “vô cảm”, không can ngăn mà còn hô hào, cổ xúy kích động rồi quay clip đưa lên mạng (dù đó là bạn học mình)?!

Vì sao các em vô cảm và phản cảm đến vậy? Hiện tượng này gần như rất hiếm đối với các thế hệ 5X, 6X trước đây!

Theo các nhà tâm lý, xét về mặt chủ quan, thì đây là quá trình phát triển tâm sinh lý của tuổi mới lớn. Trong giai đoạn của tuổi dậy thì có sự thay đổi nhanh, mạnh về mặt thể chất nhưng không cân đối. Từ đó, trong tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc bốc đồng, không kiểm soát được hành vi bản thân. Chính cái “nhược” này nên các em dễ bị lôi kéo, kích động… trong khi bản thân không kiểm soát được cảm xúc, nên chuyện gì đến sẽ đến!

Về mặt khách quan, có thể nhìn nhận ở nhiều góc độ trong phạm vi gia đình - nhà trường - xã hội đều có những “khoảng trống” trong việc quan tâm, chăm sóc các em. Các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ mà ngược lại còn chịu những áp lực đặt ra từ cha mẹ. Hay các em bị “tấn công” bởi những lời nói, hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình; thường xuyên bị người lớn la mắng, đánh đập hoặc chứng kiến những hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình… Đây đều là những tác nhân trực tiếp tác động tiêu cực và thúc đẩy gia tăng hành vi hung tính đến các em…

BLHĐ còn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, môi trường xã hội. Có một đúc kết thế này: Thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nhiều tệ nạn xã hội… thì thường đẩy các em đến chỗ “gần mực thì đen”!

Với môi trường nhà trường - đây là môi trường lành mạnh nhất, nhưng trong thực tế, phần lớn các trường luôn nặng “trang bị” kiến thức mà thiếu các bài trải nghiệm, thiếu các hoạt động có tính chia sẻ, gắn kết các em lại với nhau. Phần lớn các trường thiếu trung tâm tư vấn tâm lý để các em giãi bày về tất cả những vấn đề của tuổi mới lớn. Đây cũng là một “khoảng trống” để những hành vi BLHĐ… lấy chỗ?! Có thể thấy hàng loạt vụ BLHĐ diễn ra trong thời gian qua đã chứng minh cho điều đó. Và BLHĐ cũng đã để lại cho gia đình - nhà trường - xã hội và trực tiếp là các em những hậu quả nặng nề cả về thể chất, tâm lý, sang chấn tinh thần… Và ngay cả các em gây ra bao lực hay chứng kiến vụ việc, lúc đầu thì chưa nghĩ được hậu quả, hành vi của mình gây ra, nhưng khi nhận ra hậu quả, các em cũng sống trong lo âu, sợ hãi, sợ bị kỷ luật, sợ bị pháp luật can thiệp, rồi phải đền bù vật chất, tổn hại tinh thần… Những việc này ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển, tư duy cũng như hình thành tính cách của các em sau này.

Việc hình thành, phát triển nhân cách gắn liền với những thay đổi lớn trong tâm sinh lý. Vì vậy, gia đình - nhà trường - xã hội phải chung tay, cộng đồng trách nhiệm một cách sâu sát, chặt chẽ. Cần đặc biệt lưu ý, tuổi trung học là lứa tuổi “nổi loạn” nhiều nhất. Vì vậy, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc “để mắt”, theo sát quá trình hình thành, phát triển nhân cách của con em mình. Quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với các em. Nắm bắt cho được đặc điểm phát triển tâm sinh lý để xây dựng môi trường giáo dục gia đình với tình thương yêu sâu sắc.

Với nhà trường, chú ý trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là “kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn”, tạo cho các em nhiều sân chơi lành mạnh, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi.

Nhà trường và gia đình cũng cần thiết lập nhiều kênh thông tin để thường xuyên liên lạc, trao đổi nắm bắt các trạng thái biểu hiện tâm sinh lý để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Nếu để tình trạng BLHĐ tiếp tục gia tăng như đã qua sẽ kéo theo một hệ lụy, cản trở đến quá trình phát triển nhân cách của các em, gây lo lắng cho toàn xã hội…

Đã đến lúc gia đình - nhà trường - xã hội phải đồng lòng “ra tay” ngăn chặn những hành vi sống lệch, gây ra BLHĐ, nhưng đồng thời cũng dang rộng vòng tay yêu thương cho sự lầm lỗi; “mở” các cánh cửa cuộc đời để các em có điều kiện… “chạy lại”!

Những người lớn chúng ta càng quan tâm, càng trách nhiệm, càng nghiêm khắc thì nạn BLHĐ sẽ được đẩy lùi. Câu ngạn ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” sẽ được hiện thực hóa trong môi trường sống của các em!

N.N.K

(bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.