Cùng bàn luận
Có niềm tin ắt có thành công
Trong cuộc sống ta thường gặp câu hỏi: Tại sao người thì liên tục thành công, người thì hết thất bại này đến thất bại khác. Có phải vì họ tài năng hơn người?
Tất nhiên có, nhưng không hoàn toàn như vậy. Vậy thì là cái gì? Đơn giản là vì họ có niềm tin. Điểm khác biệt của người thành công so với người bình thường khác là ở họ luôn có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào những công việc mà họ đang làm, cho dù họ không ít lần trải qua thất bại.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy mẫu mực, đáng kính của bao thế hệ học trò vừa mới qua đời ở tuổi 76 vào ngày 28/9/2022 là mẫu hình của sự kiên cường, của niềm tin mãnh liệt với cuộc sống và với chính bản thân mình. Khi sinh ra, đôi tay thầy gần như bất động, nhưng với sự ham học, ham đọc, ham viết, đã thôi thúc thầy tập viết bằng chân. Trải qua nhiều gian nan, vất vả tưởng chừng như không thể nào thực hiện được. Nhưng bằng ý chí và niềm tin mãnh liệt là mình sẽ làm được và thầy đã… làm được. Không chỉ thành công cho bản thân mà thầy còn làm thầy dạy cho bao thế hệ học trò bằng con chữ “nở hoa” từ đôi chân chất chứa năng lượng của… niềm tin!
Niềm tin là gì? Là cách mà ta cảm nhận và tin tưởng vào một điều gì đó. Nó có thể đúng, có thể sai… nhưng ta luôn tin tưởng và chắc chắn nó sẽ xảy ra theo hướng mà ta suy nghĩ.
Tuy nhiên cũng nên nhớ rằng: Không có con đường nào là bằng phẳng, không có thành công nào đến với ta một cách dễ dàng. Trên con đường ta đi (đã đi, đang đi và sẽ đi) có vô vàn khó khăn, trắc trở. Chỉ có ý chí đủ lớn, đủ mạnh mới có thể vượt lên nó. Nhờ vào niềm tin để ta vượt qua thử thách, khó khăn. Niềm tin là cảm giác tin tưởng, chắc chắn mà ta “tự hứa” với lòng mình sẽ làm được nhờ vào sự cố gắng học hỏi, nhờ vào môi trường, nhờ vào thành công của người đi trước dạy ta… Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là người có đủ các tố chất ấy!
Mới đây một chương trình “chuyện tử tế” trên VTV đã giới thiệu câu chuyện về nghị lực vượt lên chính mình của các em nhỏ trong Hội Người mù của TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù bẩm sinh, các em đã không thấy, không biết vạn vật xung quanh nhưng bằng ý chí, nghị lực và trí tưởng tượng cùng với niềm tin của bản thân, các em vẫn cảm thụ khá tốt về âm nhạc, nhiều em đã biết chơi đàn, chơi trống… đến điêu luyện đã làm lay động lòng người!
Từ các em, đã chỉ ra một điều là: Phần lớn những người có hoàn cảnh khốn khó thường hay chấp nhận số phận, chấp nhận sự “xếp đặt tự nhiên” theo khuôn khổ đã định, theo “mẫu hình” từ trước, giống như ai sinh ra trong gia đình nghèo thì đương nhiên phải… nghèo! Nhưng các em thì khác, các em “dám” phá bỏ khuôn khổ, dám vượt qua “rào cản có tính truyền thống” và dám đặt ra những câu hỏi: Tại sao chúng ta phải chấp nhận, tại sao không phá bỏ trong khi mình đủ sức mạnh và niềm tin để làm; tại sao người khác làm được mà ta không làm được?... Chỉ cần có câu hỏi trong đầu và có niềm tin để vào cuộc, đã khởi đầu cho sự thành công. Từ niềm tin sẽ chuyển hóa thành hành động - hành động quyết liệt, bên cạnh sự kiên nhẫn bồi đắp kiến thức, kỹ năng… sẽ đạt được kết quả. Và kết quả ban đầu dù nhỏ thôi cũng sẽ củng cố thêm niềm tin của chính mình. Rồi niềm tin lại tạo thêm sức mạnh khơi nguồn năng lượng tích cực trong công việc, trong cuộc sống… giúp ta đạt được mục tiêu mà ta mong muốn!
Lực sĩ Lê Văn Công - lực sĩ cử tạ người khuyết tật Việt Nam cũng là người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng ParaGames, đồng thời lập kỷ lục thế giới trong môn cử tạ dành cho người khuyết tật tại Rio de Janeiro vào năm 2016, là người nắm giữ nhiều huy chương của người khuyết tật nhất Việt Nam.
Khi sinh ra, Lê Văn Công đã mắc chứng teo tóp chân do mẹ bị sốt xuất huyết trong thời gian mang thai. Nhưng bằng nghị lực phi thường, bằng niềm tin và khát vọng, anh đã dành hết nội lực của mình luyện tập môn cử tạ (một môn nặng nhọc nhất trong các môn thể thao - ngay cả người lành lặn cũng kiêng nể) để rồi năm 2016, thành quả đã mỉm cười khi anh là người khuyết tật Việt Nam đầu tiên thành công ở mức tạ 181kg!
Có được kỳ tích ấy, có lẽ không gì hơn ngoài nghị lực phi thường và ý chí “vượt lên số phận”, là niềm tin chiến thắng luôn chảy trong cơ thể khuyết tật mà căng tràn năng lượng!
Cũng từ những tấm gương này cho ta hiểu hơn về lẽ sống - sống là phải có niềm tin. Một khi tin mình có thể làm được (như thầy Ký, như anh Công, như các em khiếm thị…) thì đó là khởi đầu quyết định dẫn đến thành công.
Khi niềm tin của ta chuyển biến tích cực, khi ta tin vào bản thân mình thì năng lượng mà ta tỏa ra sẽ mách bảo cho ta những điều trước đây ta không nhận thấy, nó chỉ cho ta những cơ hội ta đã vô tình bỏ qua. Từ đây có thể có những ý tưởng mới với những cánh cửa mới mở ra, mọi thứ tưởng chừng như không thể trước kia, giờ đây đã hoàn toàn có thể… Đừng quên hoàn cảnh trước mắt chỉ là tạm thời, tiềm năng trong ta sẽ là mãi mãi.
Vì vậy, đừng buông xuôi khi thất bại, đừng nản chí khi chưa hành động. Phải có niềm tin và ý chí để thực hiện những mục tiêu đề ra. Đừng bao giờ yếu mềm hay suy nghĩ tiêu cực làm thay đổi niềm tin mà mình xây dựng, vun đắp.
Thành công nhất định sẽ đến khi ta có ý chí, nghị lực và niềm tin.
N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam