Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân

Thứ Tư, 14/08/2019 | 16:19

Nói đến “ý thức tôn trọng nhân dân” là nói đến cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) - là những người thuộc “công bộc” của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Khi nói đến “xây dựng ý thức” cũng có nghĩa là ý thức của những người “công bộc” của dân - ít nhất là một bộ phận “chưa ý thức”, chưa thấm nhuần, chưa thấy hết trách nhiệm của người CB, ĐV đối với nhân dân?

Từ rất lâu, khi nói về nhân dân, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã tuyệt đối đề cao sức mạnh của nhân dân: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là những tư tưởng lớn gặp nhau khi đánh giá vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân với một tinh thần tôn trọng sâu sắc.

Với chúng ta - những CB, ĐV cần nghiêm túc nhìn nhận rằng: đã từng lúc, từng nơi, từng người một chưa thấm nhuần lời dạy của Bác, chưa thấy hết sức mạnh của nhân dân, buông lơi trách nhiệm của mình… Chính vì vậy mà khi thực hiện Di chúc của Bác, năm 2019 này, Đảng ta chọn chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân” để nhắc nhớ trách nhiệm của CB, ĐV.

Trong mấy dòng suy ngẫm này, tôi không tham vọng học hết những tư tưởng sâu sắc của Bác, tôi chỉ xin được lượm nhặt phần nào của tinh thần ấy nhằm “chỉnh đốn” mình, đồng chí mình để mỗi ngày một hoàn thiện “ý thức tôn trọng nhân dân”…

Nhưng thế nào là “tôn trọng nhân dân”? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôn trọng nhân dân là sự khiêm nhường, giản dị, hòa đồng, chớ ra oai, đặt mình “lên trên” dân chúng. CB, ĐV từ nhân dân mà ra. Nhưng tôn trọng không có nghĩa là theo đuôi quần chúng, thấy sai không dám nói, thấy đúng không dám bảo vệ. Tôn trọng phải có sự hướng dẫn, “định hướng” để mọi người dân “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”…

Thực tế đã qua, việc CB, ĐV cho mình cái quyền “đứng ngoài”, “đứng trên” dân chúng là điều có thật. “Đứng trên, đứng ngoài” là một lề thói của một bộ phận CB, ĐV. Đó là căn bệnh hách dịch, cửa quyền khi “phục vụ nhân dân”, gây bất bình trong dân chúng.

Khi “phục vụ” thì đứng ở “bề trên” nhân dân; khi có thiếu sót, khuyết điểm thì tự cho mình đứng… ngoài cuộc! Đây là “căn bệnh” thường gặp ở những CB, ĐV có liên quan đến công việc giải quyết thủ tục hành chính… Vì vậy có thể nói: chính cái thủ tục hành chính rườm rà “đẻ” ra những cán bộ cửa quyền, hách dịch! Còn người dân thì bị “hành” cũng vì những thủ tục ấy (đúng hơn là vì người nắm quyền điều khiển thủ tục).

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.T

Tôi từng chứng kiến, có những thủ tục, chỉ cần một sự ân cần chỉ dẫn của “đầy tớ” là xong xuôi. Nhưng không, “ngâm” đó, hẹn lần sau. Khi người dân trở lại, lại “tiết kiệm” chỉ ra ít việc cần làm, rồi tiếp tục… hẹn. Cái sự “hẹn”, thực chất là “hành”, là sự sách nhiễu, cửa quyền của “đầy tớ” khi phục vụ nhân dân của một thời chưa xa!

Nhân đây xin kể tiếp câu chuyện của thời hiện tại (trong năm 2019 này): Cơ quan tôi có tổ chức giải báo chí cấp tỉnh và nhiều người đoạt giải. Kế toán cơ quan đến Kho bạc làm thủ tục rút tiền để trao giải. Kế toán lập danh sách (họ, tên) những người đoạt giải để làm chứng từ. Nhân viên Kho bạc bảo về làm lại, vì danh sách chỉ cần “số lượng” người đoạt giải, không cần họ tên! Mùa giải sau, kế toán kê số lượng người đoạt giải để xin rút tiền, thì chính cô nhân viên Kho bạc trước đó với gương mặt “sắc lạnh”: kê số lượng thôi là chưa đủ, phải có họ tên, địa chỉ, “về làm lại”! Kế toán cơ quan bảo: “nhưng lần trước”, “không nhưng gì hết, nếu muốn rút tiền”!

Câu chuyện kế toán cơ quan tôi kể như… chuyện đùa. Đùa mà có thật. Người viết mấy dòng này không biết lý giải ra sao với cung cách “phục vụ… tôn trọng” của “đầy tớ” này. Chỉ biết thông báo tin vui: khi Nhà nước chủ trương cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, nhiều người dân đã thở phào, sung sướng.

Trở lại vấn đề “xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân”, xin được nhắc lại lời Bác dạy: Muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân, đó là quyền dân, sức dân, của dân, tài dân và lòng dân. Tôn trọng dân phải để dân nói, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - đây cũng là cách phát huy dân chủ. Muốn được như vậy thì phải gần dân, hỏi dân, nghe dân, học dân. Bác đúc kết: “có làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. Nhân dân là sức mạnh, được lòng dân là được tất cả.

Đối với tổ chức, Bác dạy: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài; Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Mỗi CB, ĐV trong tổ chức ấy phải làm tròn trọng trách này.

Đã qua và hiện nay, Đảng ta có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống nhân dân, mục tiêu cao nhất là làm cho “đồng bào sung sướng” cũng là vì con người, do con người - trước hết là vì dân, do dân.

Nhân 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập chuyên đề 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân…”, xin được ghi lại vài suy nghĩ đã được nghe thấy trong thực tế; vừa để tự “điều chỉnh” bản thân mình, vừa để thấm nhuần hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho việc phục vụ nhân dân ngày một đàng hoàng, tử tế hơn.

Nguyễn Duy Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.