Xây dựng nền hành chính phục vụ nhìn từ chỉ số PAPI và PCI của Bạc Liêu

Thứ Sáu, 24/05/2024 | 08:55

>> Bài 1: Nghịch lý sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Bài 2: Đâu là phần gốc?

Nhìn một cách khách quan, thời gian qua Bạc Liêu luôn quan tâm nâng cao cả chỉ số PAPI và chỉ số PCI thông qua nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo với các giải pháp ngắn hạn lẫn lâu dài. Tuy nhiên, như đã nói, nếu chỉ số PAPI có sự cải thiện tích cực và nhảy vọt trên bảng xếp hạng thì chỉ số PCI lại chưa thể thoát khỏi điểm số thấp. Có phải những giải pháp được đưa ra chưa khả thi hay chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề?

Hài lòng với chính quyền gần dân, sát dân

Thường xuyên tham gia các đoàn giám sát về cơ sở, bà Phạm Thị Mỹ Linh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhận thấy rõ sự thay đổi tích cực từ bộ máy hành chính cơ sở trong quá trình tương tác với người dân. “Người dân được tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, bày tỏ ý kiến một cách dân chủ. Nhiều kênh tiếp xúc mới được thiết lập, đặc biệt là các nhóm Zalo giúp người dân và chính quyền gần gũi nhau hơn, việc phản ánh và tiếp thu kiến nghị của nhân dân cũng nhanh, hiệu quả hơn”, bà Phạm Thị Mỹ Linh nhận xét. Bên cạnh đó, việc đối thoại thường xuyên, công khai một cách kịp thời những thông tin quản lý, điều hành đã giúp bộ máy hành chính ở cơ sở ghi điểm ngày càng tốt hơn với người dân.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động của bộ máy công vụ, nhất là cấp cơ sở như: sự tham gia của người dân ở cơ sở vào các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin về chính sách pháp luật từ chính quyền địa phương chưa được thường xuyên. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính qua nền tảng công nghệ thông tin của các cấp chính quyền chưa thật sự tốt. Hiệu quả tương tác của tương tác của các cấp chính quyền chưa cao, chính quyền một số địa phương chưa thường xuyên tiếp xúc với người dân, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải trình những kiến nghị của chính quyền đối với người dân chưa được kịp thời. Tuy nhiên, phải nhìn nhận sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cơ sở ngày càng cao, dân chủ cơ sở cũng vì thế mà được thực thi tốt hơn. Một nền hành chính phục vụ ở cấp này ngày càng được hoàn thiện với những đặc trưng cơ bản: cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm; sự linh hoạt trong hoạt động và thuận tiện cho người dân; công khai, minh bạch về thông tin và trong hoạt động quản lý, điều hành…

Cán bộ ấp 13 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) cùng người dân giám sát chất lượng tuyến đường giao thông trên địa bàn. Ảnh: H.T

Tinh thần trách nhiệm là mấu chốt vấn đề

Một doanh nghiệp ngoài tỉnh trúng thầu công trình tại Bạc Liêu với thời gian thi công dự kiến khoảng 2 năm. Tuy nhiên, những khó khăn phát sinh từ thực tế đã khiến công trình kéo dài gấp đôi thời gian mà vẫn chưa thấy điểm kết thúc. Đại diện doanh nghiệp cho biết “những khó khăn từ thực tế chúng tôi luôn nỗ lực để giải quyết, tuy nhiên những vấn đề thuộc về hồ sơ thủ tục mà cơ quan chức năng yêu cầu thì lại quá rắc rối, nhiêu khê”. Theo doanh nghiệp, dường như cái khó đang bị đẩy về doanh nghiệp thay vì sự hỗ trợ, đồng hành như các địa phương khác.

Cũng theo một doanh nghiệp từ nơi khác về mở cơ sở kinh doanh, dù đã hoàn thành các thiết kế theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng đúng ngày khai trương đã phải sửa lại vì yêu cầu cũng đến từ cơ quan đó. Đã thực hiện theo yêu cầu nhưng sự hăng hái ban đầu khi về làm ăn tại Bạc Liêu đã tắt, không bao lâu sau doanh nghiệp cũng ngưng hoạt động kinh doanh ở tỉnh.

Cách đây tròn 1 năm, sau khi tiếp tục nhận kết quả điểm số PCI thấp, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và bàn các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI năm 2023 cùng những năm tiếp theo. Việc tăng, giảm điểm của các chỉ số thành phần được phân tích khá sâu, và nguyên nhân Chỉ số PCI của tỉnh đạt thấp được chỉ ra là do việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần chưa đồng bộ, nhất là đơn vị phụ trách chưa thật sự chủ động đề xuất và quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ số PCI. Chưa có sự phối hợp, chung tay giữa các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Dù đã có nỗ lực từ phía các cơ quan công quyền nhưng doanh nghiệp chưa đánh giá cao việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; tình trạng nhũng nhiễu khi thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực còn khá phổ biến. Việc tiếp cận đất đai còn nhiều trở ngại cần cải thiện, cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục hành chính rườm rà…

Để gỡ những điểm nghẽn này, nhiều giải pháp trước mắt lẫn dài hạn được đề ra, trong đó tập trung nâng cao chất lượng các mặt công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như công tác tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu lao động của doanh nghiệp… Tuy nhiên có một nguyên nhân thuộc về “phần gốc” chính là vấn đề tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Bởi trong một nền công vụ trách nhiệm, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật nhưng phải đạt kết quả tốt nhất, với chi phí thấp nhất, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. Theo những phản ánh và chấm điểm của doanh nghiệp thì trách nhiệm của công chức vẫn chỉ dừng lại ở mức “thực hiện đúng quy định pháp luật” mà không mang lại sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Và sự kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh khi chỉ đạo “việc khó dành cho chính quyền, việc dễ dành cho doanh nghiệp” vẫn chưa được quán triệt thực hiện một cách hiệu quả trong toàn bộ máy hành chính của tỉnh. Đặc biệt là một nền công vụ năng động với những cán bộ, công chức, viên chức dáo nghĩ, dám làm, năng động, làm việc một cách nhiệt huyết… vẫn chưa được nhận dạng rõ nét trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

Phục vụ của nền hành chính phục vụ đối với công dân phải là một sự phục vụ chất lượng cao, thật sự đáp ứng được nhu cầu của công dân. Nếu sự phục vụ của cơ quan hành chính không đảm bảo sự hài lòng của công dân thì vẫn chưa thể nói là một nền hành chính thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Thanh Lâm

Đối với một nền công vụ hiện đại, tinh thần trách nhiệm là đòi hỏi quan trọng hàng đầu. Yêu cầu đối với các chính quyền trong thế kỷ 21 là phải học cách để phục vụ công chúng tốt hơn và có trách nhiệm hơn. Trách nhiệm được coi là một trong “bốn trụ cột” của hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: trách nhiệm, tính minh bạch, tính dự đoán được và sự tham gia; trong bốn trụ cột đó, trách nhiệm được coi là vấn đề then chốt. Đặc biệt, với sự mở rộng của các giá trị dân chủ trong công vụ, các cơ quan nhà nước ngày càng phải thực hiện các chức năng của mình với tinh thần trách nhiệm cao hơn, bởi càng dân chủ bao nhiêu thì người ta lại càng biết đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý bấy nhiêu.

(Trích chuyên đề “Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài” của Học viện Hành chính Quốc gia)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.