Tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển: Không thể chậm trễ

Thứ Tư, 09/10/2019 | 15:24

Tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển: Không thể chậm trễ

>> Bài 2: Các trường chuyên nghiệp gỡ nút thắt chất lượng đầu ra

Bài cuối: Lời giải cho tương lai

Hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh phải loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương trong những ngày đầu tiên, đến nay Bạc Liêu đã hướng đến mục tiêu cao hơn: xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) phục vụ cho khát vọng thành trở thành tỉnh khá trong khu vực. Tuy nhiên, để có nguồn NLCLC thì không thể chỉ nói mà cần những chính sách cụ thể, hiệu quả và lâu dài!

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ trái qua) tham quan mô hình nuôi tôm trong bể tròn của thạc sĩ Long Văn Nghĩa (bìa trái).

Những mâu thuẫn phát sinh

Theo UBND tỉnh, từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng dần trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tỉnh cũng đã thực hiện khá tốt chính sách đào tạo và thu hút nguồn NLCLC về phục vụ cho tỉnh. Tính đến thời điểm này, Bạc Liêu đã vận động thu hút được 61 công chức, viên chức và sinh viên về công tác tại tỉnh, trong đó có 1 tiến sĩ, 13 thạc sĩ, 8 bác sĩ chuyên khoa I, 29 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 5 cử nhân điều dưỡng và 1 cử nhân y tế công cộng cam kết tình nguyện về địa phương công tác. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn nhân lực hiện có của Bạc Liêu đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và yêu cầu phát triển 5 trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, việc phát triển một nguồn nhân lực đủ tình độ, kỹ năng, tay nghề đáp ứng các mục tiêu phát triển lại đang phát sinh nhiều mâu thuẫn. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh vẫn còn thiếu và yếu, nhất là thiếu những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học, chuyên viên kỹ thuật và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nguyên nhân được chỉ ra khá rõ ràng. Đó là do quá trình đào tạo chưa cân đối giữa cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và cán bộ quản lý điều hành. Phần lớn tập trung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học - xã hội, chưa chú trọng đến những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu dẫn đến tình trạng thiếu - thừa cục bộ ở một số lĩnh vực. Công tác đào tạo ngoại ngữ, tin học cho cán bộ khoa học và cán bộ nguồn để đủ điều kiện giao lưu hay đi nước ngoài học tập chưa được quan tâm đúng mức.

Việc thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao tại một số cơ quan, đơn vị còn theo hướng bổ sung về số lượng, chưa đặc biệt quan tâm, chú trọng đến hiệu quả, chất lượng dẫn đến việc bố trí công tác không xuất phát từ nhu cầu vị trí việc làm, trình độ chuyên môn được đào tạo của cá nhân hoặc chưa tạo điều kiện để đối tượng thu hút phát huy được trình độ chuyên môn, năng lực của mình. Môi trường làm việc và cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu khoa học vẫn còn thiếu thốn nên việc tiếp nhận các ứng dụng khoa học vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Dù có nhiều chủ trương, chính sách khá hấp dẫn nhưng việc tuyển dụng, thu hút cán bộ lại chưa gắn liền với quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm vào các chức danh phù hợp với năng lực, trình độ và học hàm, học vị, từ đó tạo ra cảnh “heo hút” trên thảm đỏ, nhất là những người có học vị và trình độ cao.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hồng Dân (cầm lúa) hướng dẫn người dân nhận biết từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Ảnh: Chí Linh

Cần những chủ trương hợp thời

Xây dựng nguồn lực con người không phải một sớm một chiều là có thể thu được kết quả. Đến thời điểm này, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đi sâu vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng thì mới tính toán đến việc tìm kiếm một nguồn NLCLC phục vụ cho phát triển là đã quá muộn. Tuy vậy, muộn vẫn còn hơn không, điều cần thiết nhất bây giờ là những chủ trương, chính sách phù hợp, thậm chí là đi tắt đón đầu nhưng phải đảm bảo hiệu quả lâu dài để Bạc Liêu có được nguồn lực đặc biệt quan trọng này.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tốt việc thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đó là chính sách thu hút thỏa đáng đối với người có trình độ cao ở các lĩnh vực mà tỉnh đang cần, trước mắt thu hút ngành nghề nông nghiệp, y tế, giáo dục, dịch vụ, du lịch chất lượng cao, cán bộ khoa học - kỹ thuật… Đồng thời tạo điều kiện tốt về môi trường làm việc và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho nghiên cứu khoa học, tạo sức hấp dẫn thu hút những người có trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ; thực hiện chính sách tuyển dụng, thu hút cán bộ gắn với quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm vào các chức danh phù hợp với năng lực, trình độ và học hàm, học vị. Song song với việc thu hút, tỉnh cũng sẽ tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Để phục vụ cho quá trình hội nhập, tỉnh cũng sẽ có chính sách thu hút đầu tư các trường ngoại ngữ, tin học chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nguồn nhân lực của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ cao ở nước ngoài; tranh thủ các nguồn học bổng từ các tổ chức trong nước và ngoài nước để hình thành được đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, y tế, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ du lịch.

Nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” cũng là Nghị quyết đầu tiên của Đảng ta về cuộc cách mạng 4.0 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội”. Có thể nói, nguồn lực con người chính là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 cũng như đưa địa phương hòa nhập vào dòng chảy phát triển của đất nước. Điều này đã được Bạc Liêu thấy được qua những chính sách định hướng cho thời gian tới. Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách này liệu có phát huy được hiệu quả và mang lại kết quả như mong đợi hay không thì vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm và nhập cuộc đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Cẩm Huyền - Kim Chúc

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.