Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021: Chung tay hành động với quyết tâm chính trị cao

Thứ Tư, 02/06/2021 | 14:30

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12 về tập trung nâng cao chỉ số PCI và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, mục tiêu đề ra của nghị quyết vẫn chưa thành hiện thực, thậm chí tình trạng ngày càng khó khăn hơn.

Ngành chức năng trả lời các thắc mắc cho doanh nghiệp tại mô hình Cà phê doanh nhân năm 2020.

CHƯA HOÀN THÀNH MỤC TIÊU ĐỀ RA

Với sự ra đời của Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc tích cực lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chỉ số PCI. Bởi việc nâng cao chỉ số PCI không chỉ thể hiện sự quyết tâm của cả Đảng bộ trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, mà còn là tạo dựng hình ảnh về một Bạc Liêu năng động, luôn đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, Bạc Liêu vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu đưa chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2020 nằm trong tốp 20 địa phương tốt nhất cả nước và duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo.

Nhìn lại bảng xếp hạng chỉ số PCI trong những năm qua cho thấy, Bạc Liêu liên tiếp bị tụt hạng và đây thật sự trở thành vấn đề đáng trăn trở khi tỉnh được ví như “điểm sáng” về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Cụ thể, chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh bị giảm sâu so với năm 2019 và đây là năm thứ 8 liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh bị tụt hạng, xếp ở vị trí 63/63 tỉnh, thành. Thống kê các chỉ số thành phần năm 2020 cho thấy, chỉ có 3 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2019 là: Chỉ số gia nhập thị trường với 8,70 điểm, xếp hạng thứ 5/63 (tăng 1,05 điểm, tăng 18 bậc so với năm 2019); Chỉ số tiếp cận đất đai được 7,80 điểm, xếp hạng 2/63 (tăng 0,36 điểm, tăng 9 bậc so với năm 2019); Chỉ số chi phí thời gian được 7,89 điểm, xếp hạng thứ 29/63 (chỉ số này tuy tăng 0,82 điểm nhưng lại giảm 3 bậc so với  năm 2019).

Riêng 7 chỉ số thành phần còn lại giảm điểm khá sâu so với năm 2019 như: Chỉ số tính minh bạch được 4,81 điểm, xếp hạng 63/63 (giảm 1,55 điểm, giảm 7 bậc so với năm 2019); Chỉ số đào tạo lao động được 5,56 điểm, xếp hạng 56/63 (giảm 0,7 điểm, giảm 9 bậc so với năm 2019); Chỉ số cạnh tranh bình đẳng được 6,56 điểm, xếp hạng 33/63 (giảm 0,46 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2019); Chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh được 5,83 điểm, xếp hạng 48/63 (giảm 0,42 điểm, giảm 15 bậc so với năm 2019); Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được 6,23 điểm, xếp hạng 51/63 (giảm 0,29 điểm, giảm 18 bậc so với năm 2019); Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được 5,69 điểm, xếp hạng 39/63 (giảm 0,08 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2019); Chỉ số chi phí không chính thức được 5,98 điểm, xếp hạng 51/63 (giảm 0,05 điểm, giảm 12 bậc so với năm 2019).

Điều đáng nói, với cách xác định trọng số và cách tính PCI cho thấy có 4 chỉ số gồm: Tính minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động đã quyết định đến 70% điểm số PCI (vì các doanh nghiệp quan tâm đến các chỉ số quan trọng này). Trong khi đó,  6 chỉ số còn lại chỉ quyết định 30% điểm số PCI. Do vậy, 4 chỉ số mang yếu tố quyết định có mức điểm và thứ hạng quá thấp là nguyên nhân chính làm cho điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu trong năm 2020.

Đào tạo nghề cho lao động - một trong những chỉ số bị giảm điểm trong năm 2021. Trong ảnh: Đào tạo nghề chăn nuôi thú y ở Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu.

TẬP TRUNG NÂNG CAO CÁC CHỈ SỐ

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư và phát triển, góp phần nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI được nêu phải khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng chỉ tiêu được phân công, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị. Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp, linh hoạt và kiến nghị tỉnh các giải pháp điều hành hiệu quả.

Giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường - một trong những giải pháp để nâng cao chỉ số PCI trong năm 2021. Trong ảnh: Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm phục vụ nuôi tôm năm 2020. Ảnh: L.D

Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ khẩn trương kiện toàn Tổ công tác về nâng cao chỉ số PCI của tỉnh và thành lập Tổ công tác thanh - kiểm tra đột xuất một số đơn vị, nhất là các đơn vị chủ trì các chỉ số có trọng số cao mà chưa cải thiện trong thời gian vừa qua. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, trực tiếp các chỉ số thành phần và các đơn vị được giao phụ trách các chỉ tiêu có báo cáo cụ thể kết quả đã thực hiện. Đối với những chỉ tiêu giảm điểm, giảm thứ hạng phải có báo cáo giải trình cụ thể lý do vì sao chỉ số, chỉ tiêu phụ trách giảm, báo cáo UBND tỉnh xem xét hướng xử lý. Song song đó, tăng cường tổ chức đối thoại hiệu quả với doanh nghiệp, nhà đầu tư, định kỳ ở cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, nhằm gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình Cà phê doanh nhân đến các huyện, thị xã, thành phố… Đặc biệt, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Với mục tiêu cải thiện nhanh chỉ số PCI trong năm 2021 và phấn đấu đứng vào tốp tốt của cả nước là việc rất khó khăn khi Bạc Liêu chỉ còn 6 tháng cuối năm để thực hiện mục tiêu này. Song, với quyết tâm chính trị và chung tay hành động, rất cần sự nỗ lực, thi đua trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

LƯ TRUNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực

Để cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI và PAPI, tôi đề nghị các cấp, các ngành, địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại.

Theo đó, quán triệt việc nâng cao chỉ số PCI và PAPI là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cần cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân. Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm và lấy việc hoàn thành chỉ số PCI và PAPI là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành trách nhiệm của cơ quan, đơn vị. Cũng như đưa nội dung cải thiện chỉ số PCI vào tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của mỗi địa phương, đơn vị và từng cá nhân.

Phải quán triệt sâu sắc quan điểm từ nhận thức đến hành động là “chính quyền phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp; kinh tế tư nhân là động lực cho phát triển và doanh nghiệp có phát triển thì Bạc Liêu mới phát triển”. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện tốt cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Thị Ái Nam: Tập trung giải quyết 6 nguyên nhân cơ bản làm tụt hạng chỉ số PCI

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đánh giá chỉ số PCI và PAPI năm 2020, đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Việc nâng cao chỉ số PCI, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo và ban hành đầy đủ các chủ trương. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được lại thấp và chủ yếu tập trung ở 6 nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành còn thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, có trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy.

Thứ hai, nhiều sở, ban ngành tuy được giao trách nhiệm nhưng lại không chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách, còn tình trạng đổ lỗi cho nhau.

Thứ ba là việc thực hiện còn thiếu kiểm tra, đôn đốc và ngành được giao tổng hợp về chỉ số PCI (Sở KH-ĐT) và chỉ số PAPI (Sở Nội vụ) còn chưa chủ động, chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện. Trong khi đó, sự phối hợp giữa UBND tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn chưa chặt chẽ trong việc hướng dẫn, tập huấn nâng cao các chỉ số thành phần.

Thứ tư là việc phối - kết hợp giữa các sở, ngành và các địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả không cao, nhất là công các tuyên truyền.

Thứ năm là UBND tỉnh chưa quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra nên cần kiện toàn Ban chỉ đạo và kiểm tra trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị được giao trách nhiệm.

Thứ sáu là chưa quan tâm đến hai đối tượng chính trong thực hiện chỉ số PCI (doanh nghiệp) và PAPI (người dân) gắn với công tác tuyên truyền để các đối tượng này hiểu về tầm quan trọng của việc đánh giá các chỉ số có liên quan và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Muốn làm được việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền và phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp.

Đây là 6 nguyên nhân cơ bản cần được tập trung giải quyết và Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số PCI và chỉ số PAPI trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Thực hiện có hiệu quả 10 giải pháp để nâng cao chỉ số PCI

Để nâng cao chỉ số PCI và PAPI, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét cả về nhận thức lẫn về hành động. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thật sự cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng dần thứ hạng chỉ số PCI và PAPI của tỉnh ngay trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Quyết liệt phấn đấu đưa 2 chỉ số này nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Cùng với đó, phải tập trung thực hiện có hiệu quả 10 giải pháp để nâng cao chỉ số PCI mà VCCI đã nghiên cứu và hỗ trợ tư vấn cho Bạc Liêu. Về giải pháp ngắn hạn, gồm 4 giải pháp: Tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp; Đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện; Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức.

Về giải pháp dài hạn, tập trung cho các giải pháp gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; Xây dựng chính quyền điện tử mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DCCI); Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; Tập trung đào tạo lao động và xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả.

L.D (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.