Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023: Giải quyết triệt để 3 “điểm nghẽn”

Thứ Hai, 13/02/2023 | 15:37

Với mục tiêu sử dụng, phát huy có hiệu quả vốn đầu tư công (VĐTC), ngay sau tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là hội nghị chuyên đề đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, cho thấy tầm quan trọng của công tác giải ngân VĐTC và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia.

Ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích và đề xuất các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại hội nghị triển khai Kế hoạch đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng.

GIẢI NGÂN VỐN CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA

Xác định tăng cường đầu tư VĐTC có vai trò quan trọng trong việc khôi phục lại nền kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và tạo nên những sức bật cho nền kinh tế, năm 2022, Chính phủ đã đầu tư nhiều chương trình, dự án sử dụng VĐTC. Năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn VĐTC của tỉnh hơn 3.340 tỷ đồng và tính đến cuối năm 2022 giải ngân đạt gần 90% (tăng hơn 18% so với năm 2021). Trong đó, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước đạt gần 98%, vốn từ xổ số kiến thiết giải ngân trên 92%, vốn từ thu tiền sử dụng đất giải ngân đạt hơn 98%, vốn từ nguồn bội chi ngân sách địa phương giải ngân đạt hơn 43%, vốn hỗ trợ mục tiêu giải ngân đạt 100%, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt hơn 32%, vốn nước ngoài giải ngân đạt hơn 43% kế hoạch.

Năm 2023, Bạc Liêu được giao tổng nguồn VĐTC hơn 3.900 tỷ đồng và tính đến hết tháng 1/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 5,3% kế hoạch.

Nếu so với mục tiêu mà các chủ đầu tư đã cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh là năm 2022 VĐTC phải giải ngân đạt 95% thì kết quả này chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng đây lại là năm có tỷ lệ giải ngân cao trong vòng 5 năm trở lại đây. Qua đó cho thấy, các địa phương, các chủ đầu tư đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác này. Trong đó, các địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao và đáng được tuyên dương như: Huyện Phước Long giải ngân trên 112 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch; huyện Hồng Dân giải ngân trên 143 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch; Ban Quản lý dự án giao thông giải ngân trên 682 tỷ đồng, đạt 99,41% kế hoạch; Ban Dân dụng và Công nghiệp giải ngân trên 171 tỷ đồng, đạt 97,73% kế hoạch…

Bên cạnh các đơn vị này, vẫn còn nhiều chủ đầu tư và địa phương có tỷ lệ giải ngân VĐTC thấp dưới 80%, nhất là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Thi công cầu giao thông nông thôn ở TX. Giá Rai từ vốn đầu tư công.

CẦN GIẢI QUYẾT 3 “ĐIỂM NGHẼN”

Thực tiễn giải ngân VĐTC trong những năm qua và năm 2022 cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp chủ yếu tập trung ở 3 “điểm nghẽn” chính là: công tác GPMB, thủ tục hành chính và năng lực nhà thầu, tư vấn thiết kế.

Đơn cử như địa bàn TP. Bạc Liêu, tuy đã rất tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhưng năm qua có tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp. Nguyên nhân là do vướng công tác GPMB. Có thể kể đến như tuyến đường Lò Rèn (Phường 5) và lộ Bờ Tây. Hay ở dự án tuyến đường kết nối từ đường Trần Phú đến đường Nguyễn Đình Chiểu (Phường 7) cũng do vướng công tác GPMB mà dự án này trong năm qua chỉ giải ngân được 1,8 tỷ đồng/tổng vốn được giao hơn 13 tỷ đồng. Cùng với đó là nhiều dự án khác năm qua cũng vướng công tác GPMB như: Tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu ở huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu…

Về năng lực nhà thầu, nhiều dự án năm qua phải thi công theo “tiến độ rùa” hoặc gặp phải nhà thầu không đủ năng lực dẫn đến việc thi công kéo dài, hay thi công theo kiểu cầm chừng, đối phó, thậm chí nhà thầu “bỏ trốn” mà nhiều dự án xây dựng các cầu giao thông ở tuyến đường từ Ninh Quới A về trung tâm huyện Hồng Dân là một minh chứng.

Nhiều cầu giao thông ở tuyến đường từ xã Ninh Quới A về trung tâm huyện Hồng Dân xây dựng dở dang do năng lực nhà thầu kém. Ảnh: K.T

Thêm vào đó, khả năng dự báo của một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình khảo sát, lập dự án dẫn đến có một số dự án khi triển khai thiết kế bản vẽ thi công phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Cụ thể như: Dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng Nhà khách số 01 Hùng Vương, dự án cải tiến và phát triển Trường đại học Bạc Liêu… dẫn đến phải điều chỉnh nguồn vốn đã bố trí cho các đơn vị khác. Đó là chưa nói đến chuyện những đơn vị tư vấn khi lập dự án không sát với thực tế làm cho dự án không khả thi và phải điều chỉnh, bổ sung gây mất thời gian cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân VĐTC.

Mặt khác, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nhiều và phức tạp cũng tạo thêm áp lực trong giải ngân VĐTC, nhất là phải hoàn thiện và bổ sung thêm các hồ sơ theo quy định. Năm 2022, một số dự án chưa kịp thời hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định làm ảnh hưởng đến giải ngân VĐTC như: Xây dựng Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt đến cuối năm 2022 phương án GPMB và dự án chưa được duyệt; Hệ thống cấp nước sạch ấp 4 (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai) đã thẩm định từ tháng 6/2022 nhưng đến cuối năm 2022 vẫn chưa được phê duyệt nên chưa được thông báo vốn đến các đơn vị… Song song đó, một số chương trình có vốn nhiều nhưng đến cuối năm mới phân bổ vốn. Như Chương trình mục tiêu quốc gia đến tháng 10/2022 mới phân bổ vốn, trong khi các dự án đều trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục nên không có khối lượng để thanh toán…

Từ thực trạng trên cho thấy, muốn giải ngân VĐTC đạt cao và phát huy hiệu quả vốn đầu tư, các ngành, địa phương, các chủ đầu tư cần tập trung giải quyết có hiệu quả 3 “điểm nghẽn” này bằng những cách làm và mô hình mới trên tinh thần tuân thủ pháp luật, nhưng phải linh hoạt, mạnh dạn đề xuất bỏ đi những thủ tục, quy trình gây khó cho công tác giải ngân VĐTC. Trong đó, quan tâm đến khâu lập dự án sát với thực tế và đảm bảo các quyền lợi hợp pháp theo hướng có lợi nhất cho người dân bị ảnh hưởng từ thu hồi đất. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu thiếu năng lực, cán bộ chưa tâm huyết và mạnh dạn thay đổi lãnh đạo các Ban Quản lý xây dựng cơ bản, các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm để tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp trong nhiều năm.

KIM TRUNG

 Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Phải xác định công tác giải ngân VĐTC là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị

Phải xác định công tác giải ngân VĐTC là trách nhiệm chung của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị chứ đó không phải là trách nhiệm riêng của chính quyền. Vì mục đích cuối cùng trong việc thực hiện các dự án đầu tư chính là lo cho Nhân dân. Do vậy, đề nghị các đồng Bí thư các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát tiến độ thực hiện công tác này.

Bởi nếu không có giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm thì công tác giải ngân VĐTC sẽ tiếp tục chậm. Vì vậy, đề nghị các chủ đầu tư phải khẩn trương và tập trung dồn lực ngay từ đầu năm, trên tinh thần “giao bao nhiêu vốn thì phải giải ngân hết vốn” chứ không giao chỉ tiêu như các năm trước đây và sẽ làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư, người đứng đầu các địa phương nếu để tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ quản lý.

Theo đó, các chủ đầu tư phải tập trung giải ngân VĐTC trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương và phải giải ngân được trong quý 1/2023. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác phối - kết hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác GPMB, nhất là ở các dự án lớn có nhiều vốn như: Dự án đường Phước Long - Ba Đình, Dự án đường vành đai TP. Bạc Liêu, Dự án đường ĐT 980...

Đặc biệt trong xử lý hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác xây dựng và giải ngân VĐTC phải nhanh, phải chủ động, tránh nhiêu khê nhưng phải đúng pháp luật và phải đảm bảo đủ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người dân. UBND tỉnh sẽ điều chỉnh vốn sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân tốt, nhanh trên tinh thần “ai làm tốt sẽ được phân bổ nhiều vốn hơn trong năm sau”.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư - Phạm Thành Hiến: Cần khắc phục tuyệt đối tình trạng “đầu năm thì làm từ từ, cuối năm thì vội vàng”

Năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến giải ngân VĐTC, cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư.

Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo phối hợp của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trong quá trình triển khai dự án, xử lý hồ sơ. Ngoài ra, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng thường xuyên nhắc nhở và theo dõi sát tình hình giải ngân, kịp thời tham mưu tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và các sở chuyên ngành cũng đẩy nhanh tiến độ thẩm định một số dự án… nên đã góp phần cho công tác giải ngân VĐTC đạt khá. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng đã rất tích cực, quan tâm chỉ đạo, theo dõi sát tiến độ thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh công tác giải ngân; chủ động trình điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có khả năng không giải ngân hết vốn trong năm và đăng ký bổ sung vốn đối với các dự án có khả năng giải ngân vốn cao, góp phần thực hiện thắng lợi trong công tác giải ngân chung của cả tỉnh…

Để công tác giải ngân VĐTC của tỉnh đạt tỷ lệ cao trong năm 2023, Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất một số giải pháp sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 124 của Chính phủ. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, nhất là các chủ đầu tư cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 543, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công tác GPMB đến xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong năm 2023, phải hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt tất cả các dự án đã được giao trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, các chủ đầu tư cần chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết để triển khai các công việc thực hiện dự án. Trong đó, cần khắc phục tuyệt đối tình trạng “đầu năm thì làm từ từ, cuối năm thì vội vàng”. Các chủ đầu tư phải thực hiện giải ngân đúng theo cam kết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh giảm vốn do dự án chưa đảm bảo các điều kiện giải ngân hoặc trình cấp thẩm quyền chấp thuận cho tạm ứng thêm mức vốn vượt thẩm quyền xử lý của chủ đầu tư (hạn mức 30% so với hợp đồng) để đảm bảo tỷ lệ giải ngân; đồng thời xử lý nghiêm và dứt điểm các gói thầu thi công chậm tiến độ, gây bức xúc trong Nhân dân trong thời gian vừa qua.

Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan và chủ đầu tư sớm hoàn thiện kịch bản giải ngân (trong tháng 3/2023) để trình UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện. Trong quá trình xử lý báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án, đề nghị các cơ quan chuyên ngành khi tham gia xử lý kiến nghị của chủ đầu tư cần phải cho quan điểm và có đề xuất cụ thể, rõ ràng, nhằm hạn chế tối đa sau khi lấy ý kiến vẫn phải tổ chức họp để thống nhất hướng xử lý.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.