Ánh sáng cho hôm nay, cho mai sau!

Thứ Tư, 11/09/2019 | 17:06

Chúng ta đã nghiên cứu và ngày càng làm rõ tầm vĩ đại bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại: Là đường lối phát triển, là cương lĩnh xây dựng đất nước, là chiến lược cách mạng, là tầm nhìn vượt thời đại…

Một tác phẩm văn hóa lớn như viên ngọc kết tinh vào đó bao vẻ đẹp tinh hoa của tinh thần, trí tuệ dân tộc và nhân loại, của lương tâm thời đại nên luôn phát sáng và càng ngày càng tỏa sáng, nhìn ở góc độ nào cũng thấy vẻ đẹp kỳ diệu của nó. Giới nghiên cứu văn chương gọi đấy là hiện tượng “nói mãi không cùng”.

Di chúc của Bác Hồ là một tác phẩm như vậy!

Dưới góc nhìn của triết học văn hóa đương đại, Di chúc là một trong những văn bản đa âm, đa thanh, giàu ý nghĩa bậc nhất trong sự đối sánh với những tác phẩm triết luận, văn chương nổi tiếng thế giới của các triết gia, thi sĩ lớn từ trước tới nay. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ “di chúc” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà còn cho tất cả, các đảng anh em, nhân loại tiến bộ… Chính vì thế, ý nghĩa phổ quát của kiệt tác vừa là truyền thống, dân tộc vừa là nhân loại, quốc tế, là tư tưởng thời đại, cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau!

Ngày nay, trong xu thế văn hóa toàn cầu đang trong cuộc đối thoại lớn, đây cũng là văn bản mẫu mực, tiêu biểu cho một văn bản đối thoại bởi đã đáp ứng cao nhất các yếu tố cơ sở: Chủ thể diễn ngôn có đầy đủ nhất tư thế phát ngôn (là Lãnh tụ có uy tín trên thế giới, là vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, là Cha già dân tộc); chủ thể hiểu biết một cách sâu sắc, toàn diện văn hóa dân tộc và nhân loại; là tiếng nói chân thành nhất của tình thương yêu con người, yêu hòa bình; là tiếng nói ân nghĩa, chân tình, thủy chung; là niềm tin, niềm lạc quan vô hạn…

Di chúc của Bác đã tỏa sáng, làm giàu có thêm, làm tinh tế hơn cho văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại.

Trước hết là văn hóa niềm tin. Hiểu theo khái niệm thì “di chúc” là văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời dặn dò những người đang sống. Do vậy tự thân văn bản đã gợi nên những gì nhớ tiếc, ngậm ngùi, xót thương. Nhưng Di chúc của Bác Hồ tuyệt không gợi một sắc thái ý nghĩa nào như vậy mà luôn có xu hướng vượt thoát ra ngoài ranh giới thể loại để mang tầm vóc một văn kiện lịch sử vô giá. Đây là hiện tượng siêu thể loại mà chính tác giả cũng không gọi là “di chúc”, chỉ là “để sẵn mấy lời…”. Không ngẫu nhiên mở đầu là một niềm tin chiến thắng, đi suốt tác phẩm hai chữ “nhất định” được nhắc lại 5 lần.

Đó là văn hóa đoàn kết. Văn bản chỉ hơn một ngàn từ nhưng từ “đoàn kết” được nhấn mạnh tới 8 lần, riêng phần “nói về Đảng” nhắc lại 5 lần. Bác coi “đoàn kết” là truyền thống, cũng là nguyên nhân làm nên mọi thắng lợi của Đảng. Phần nói về phong trào cộng sản thế giới “đoàn kết” được nhắc lại hai lần nhưng hai chữ “anh em” biến thể của “đoàn kết” (anh em như chân với tay) được nhấn mạnh 4 lần. Cái gốc của đoàn kết là câu nói vàng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đó là chân lý, nguyên lý, cũng là đạo lý.

Đó là văn hóa vì dân, phục vụ dân (hai chữ “phục vụ” được nhắc lại 7 lần). Là văn hóa cầm quyền lãnh đạo nhân dân nhưng cũng phải là “đầy tớ thật trung thành” của nhân dân!...

Đoạn cuối văn bản khép lại bằng câu chữ nhưng mở ra cả một chân trời lý tưởng, một mục đích đi tới phồn vinh, hạnh phúc cho cả dân tộc ta!

Di chúc là “cẩm nang” cho ứng xử văn hóa trong cuộc đối thoại văn hóa toàn cầu hôm nay và cả mai sau!

Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, bởi đó là tư tưởng tiến bộ vì con người, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân loại. Kết tinh cao nhất tư tưởng đó nên Di chúc của Người mãi vĩnh hằng, trường tồn, muôn thuở!

PGS-TS NGUYỄN THANH TÚ

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.