Bộ đội Cụ Hồ

Đại tá Nguyễn Hồng Đông: Những trận đánh đáng nhớ

Thứ Tư, 29/04/2020 | 17:52

Đại tá Nguyễn Hồng Đông năm nay 72 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, có 25 năm làm Huyện đội trưởng cầm quân đánh giặc. Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với vùng quê nông thôn bị địch chiếm đóng của huyện Vĩnh Lợi (cũ) và cũng là vùng ven TX. Bạc Liêu, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy ở Bạc Liêu. Dù hoạt động ở địa hình đồng bằng bị địch bủa giăng, đánh phá ác liệt, nhưng với ý chí anh dũng, quật cường, ông Đông cùng đồng đội đã bức rút, bức hàng hàng chục đồn giặc bằng những trận đánh xuất thần làm cho địch phải hoang mang, lo sợ.

Đại tá Nguyễn Hồng Đông. Ảnh: V.S

Vào tháng 10/1967, ông Nguyễn Hồng Đông tham gia du kích xã Vĩnh Mỹ A (huyện Vĩnh Lợi cũ) để cầm súng đánh giặc. Tuy mới 16 tuổi nhưng với tác phong nhanh nhạy, đánh giặc giỏi, chỉ sau một năm tham gia du kích, ông được rút lên Đại đội 3 địa phương quân huyện Vĩnh Lợi để chiến đấu.

Vào thời điểm này, hầu hết địa bàn vùng nông thôn đều bị địch chiếm đóng, ban ngày thì lực lượng cách mạng phải sống ẩn nấp trong các khu vườn, ban đêm mới tiếp cận được dân. Địch liên tục đánh vào các khu căn cứ của ta, lực lượng địa phương quân phải di chuyển địa bàn liên tục ở các vùng nông thôn huyện Vĩnh Lợi, vùng ven TX. Bạc Liêu để bảo toàn lực lượng.

 Lực lượng vũ trang truy kích địch.

Thời ấy, cả đơn vị không một ai được huấn luyện chiến đấu mà chỉ bằng tấm lòng yêu nước, tham gia cách mạng, cầm súng đánh giặc. Đến tháng 10/1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng điều ông Trần Phong (Ba Phong) về làm Huyện đội trưởng huyện Vĩnh Lợi thì lúc này bộ đội mới được tập huấn chiến thuật tập kích, phục kích. Một lần, lực lượng trong đơn vị đi công tác ở TX. Bạc Liêu, khi đi qua đồn Trà Khứa (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) thấy lô cốt không lính gác, về báo lại với ông Ba Phong. Ông Ba Phong cử bộ đội trinh sát đi thực địa nắm tình hình và sau đó tổ chức lực lượng đánh tập kích đồn Trà Khứa để rút kinh nghiệm. Dù chỉ là trận đánh đầu tiên của lực lượng Địa phương quân huyện Vĩnh Lợi nhưng đã tiêu diệt 8 tên lính, thu toàn bộ súng đạn của địch.

Đầu năm 1969, Đại đội 3 Địa phương quân huyện Vĩnh Lợi được cấp trên chỉ đạo phối hợp với Đại đội 2 (thuộc Tiểu đoàn Phú Lợi Sóc Trăng) và Đại đội biệt động TX. Bạc Liêu đánh vào sân bay Bạc Liêu để “dằn mặt” bọn Mỹ ngụy và khơi dậy tinh thần tiến công của quân dân ta. Giặc Mỹ đã phải kinh hoàng trước sức mạnh và lối đánh táo bạo thần tốc của lực lượng vũ trang cách mạng.

Săn đồn giặc.

Hồi tưởng lại giai đoạn từ năm 1970 đến ngày 30/4/1975, Đại tá Nguyễn Hồng Đông vẫn nhớ rõ từng chi tiết: “Thời gian này, tôi được cấp trên phân công làm Đại đội phó Đại đội 3, rồi Đại đội trưởng, và sau đó làm Huyện đội trưởng huyện Vĩnh Lợi. Chúng tôi tổ chức đánh địch liên tục, có lúc một tháng tiêu diệt hai đồn giặc. Hễ thấy đồn nào chúng đóng và gây khó khăn, bất lợi đến hoạt động của ta ở các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi là chúng tôi tiêu diệt ngay. Từ khu vực Bàu Sàng (huyện Vĩnh Lợi) cho đến Vĩnh Trạch (TX. Bạc Liêu) có đến 48 đồn giặc chiếm đóng. Đây là những đồn vệ tinh nhằm ngăn chặn bộ đội tấn công từ xa để bảo vệ đầu não của chúng ở TX. Bạc Liêu. Địch càng điên cuồng gây nợ máu với Nhân dân thì chúng tôi càng đánh mạnh làm cho địch phải khiếp sợ.

Điển hình là trận đánh đồn Thào Lạng (một trong những đồn cửa ngỏ trên tuyến sông Bạc Liêu qua địa bàn Sóc Trăng). Trong trận đánh này, chúng tôi phối hợp 3 đơn vị là Đại đội 1 (do Huyện đội điều từ xã Châu Thới qua), Đại đội 3 (do tôi phụ trách) và Đại đội pháo (do Tỉnh đội Sóc Trăng hỗ trợ). Đại đội 1 phụ trách mũi chủ yếu, Đại đội 3 phụ trách mũi thứ yếu, Đại đội pháo có nhiệm vụ nã pháo tiêu diệt các lô-cốt. Trong trận đánh này ta tiêu diệt nhiều tên địch, bắt sống 30 tên (gồm lính nghĩa quân và phòng vệ), thu về trên 30 khẩu súng. Trận đánh này tôi bị thương cánh tay trái, nhiều chiến sĩ trong đơn vị chưa kịp đọc những lá thư tình của người yêu thì đã hy sinh.

Lực lượng vũ trang tiêu diệt đồn giặc mở rộng vùng giải phóng. Ảnh: tư liệu của NSNA Võ An Khánh

Tôi còn nhớ như in, đêm 17/12/1973, đơn vị phục kích diệt cụm 4 đồn ở Cây Dương. Địch bố trí cụm đồn này nhằm bảo vệ trục lộ giao thông thủy bộ từ cầu Số 2 đi vào Phước Long. Qua đặc công trinh sát thì nắm được địch có khoảng 70 quân đang ở trong cụm đồn. Tôi bố trí lực lượng gồm: 1 đại đội địa phương quân, 1 trung đội đặc công, 1 tiểu đội du kích xã Vĩnh Mỹ B phối hợp nhịp nhàng đánh địch. Chỉ trong 10 phút sau khi nổ súng, ta chiếm hết 4 đồn, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 70 tên, thu về 72 khẩu súng các loại, 1 máy PRC25. Trận đánh này được Quân khu khen ngợi và tặng Huyện đội Vĩnh Lợi Huân chương Chiến công hạng Ba; Quân khu cũng điển hình bộ đội địa phương huyện Vĩnh Lợi trong việc đánh tập kích đồn tam giác giỏi nhất trên địa bàn Quân khu. Đây là trận đánh bằng ý chí, quyết tâm anh dũng, kiên cường của quân dân huyện Vĩnh Lợi, chấp hành lệnh tấn công đồng loạt trên toàn miền Nam không cho địch chi viện với âm mưu chiếm đất giành dân của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn sau khi ký kết Hiệp định Paris 1973…”.

Việt Sử

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.