Xuân Mậu Tuất 2018
Tử tù chính trị và khúc anh hùng ca
Trong những cựu tù binh - tù chính trị tham gia cách mạng chống Pháp, Mỹ ở Bạc Liêu, có 2 tử tù chính trị đã bước qua tuổi 70. Vết thương trên người vẫn còn đau nhức những khi trời trở gió, nhưng ý chí, khí tiết của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung đó vẫn như vẹn nguyên khi nhắc về những ký ức hào hùng ngày ấy.
Bà Nguyễn Thị Sảnh kể lại những gian khó của mình trong thời chiến. Ảnh: T.T
Trọn một lời thề
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 19 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Sảnh (Sáu Sảnh) nhận lời “chiêu mộ” tham gia vào Đội biệt động thành. Bằng lòng quả cảm, nhiều lần Nguyễn Thị Sảnh cùng đồng đội của mình thành công trong việc tổ chức đánh mìn vào đồn địch, không chỉ giết chết hàng chục tên địch mà còn phá hủy rất nhiều tài sản, vũ khí của chúng. Cũng trong năm 19 tuổi, nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Sảnh được kết nạp Đảng trước ngày ra trận đánh đồn quận Vĩnh Lợi (năm 1966). Và trong trận đánh đồn lần này, sau khi diệt gần chục tên địch, Nguyễn Thị Sảnh bị địch bắt. Trước tòa án ngụy, người nữ cộng sản trẻ tuổi hùng hồn phát biểu: “Tôi hành động để trả thù cho người thân của tôi. Nếu các người không giết tôi, tôi cũng sẽ giết các người”. Với sự “gan lì”, khó lay chuyển của nữ chiến sĩ cộng sản ấy, tòa án ngụy đã kết án tử hình cô. Sau lời tuyên án tử, nụ cười vẫn nở trên môi người chiến sĩ, trong khi đồng đội dự phiên tòa hôm ấy của Nguyễn Thị Sảnh thì lén lau nước mắt với một quyết tâm sẽ theo gương người nữ anh hùng này.
Chúng tôi gặp ông Trần Hòa Móm (hiện ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) tại buổi họp mặt cựu tù binh - tù chính trị trước thềm Xuân Mậu Tuất 2018. Nhiều đồng đội của ông đã từng nghĩ sẽ không thể gặp lại ông trong những ngày Xuân độc lập, ấm áp như thế này bởi vì ông Móm từng là một tử tù.
Ông Trần Hòa Móm luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, tặng quà của đồng đội, tổ chức Hội và địa phương. Ảnh: T.T
Từ biệt gia đình tham gia kháng chiến khi Trần Hòa Móm mới 20 tuổi, con gái đầu lòng chưa đầy 2 tháng tuổi. Tham gia công tác binh vận mật của huyện Vĩnh Lợi, lúc thì săn tin, khi truyền tin và ông nổi tiếng nhất là đánh đồn. Trận đánh vang dội vào năm 1965 khi ông cùng với người em bà con là Trần Văn Ới nhận nhiệm vụ đột kích vào đồn Năm Căn. Sau khi hai anh em Trần Hòa Móm cài mìn, ném lựu đạn vào đồn địch thì ra hiệu để bộ binh ập vào. Trận đánh đó đã tiêu diệt hoàn toàn trung đội địch gồm 32 tên, chỉ có 2 tên trốn thoát. Trần Hòa Móm bị bắt vào lúc một mình giữ căn cứ, thì địch đột nhập. Ông Móm nhớ lại: “Lúc bị địch tra tấn, chúng khẳng định tôi là người nhiều lần tham gia các đợt đột kích vào căn cứ của chúng, chắc chắn nắm giữ nhiều bí mật của tổ chức. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng dứt khoát không khai. Chúng dùng đủ mọi hình thức tra tấn nhưng lúc đó tôi luôn tự dặn lòng: khóc nhục, rên hèn, van xin là yếu đuối nên ráng sức chịu đựng.”
Hát mãi khúc anh hùng ca
Chiến tranh kết thúc khi án tử chưa kịp thi hành, tử tù Nguyễn Thị Sảnh và Trần Hòa Móm trở thành những “cựu tử tù”. Thời gian đi qua nhưng những người bị kết án tử ngày ấy vẫn giữ trọn khúc anh hùng ca về một thời không quên trong ký ức. Chúng tôi không thể nào tưởng tượng nổi trong con người nhỏ bé của cô Nguyễn Thị Sảnh lại có ngọn lửa mà quân thù cố sức cũng không dập tắt nổi. Cô kể: “Lúc chúng cho cô đi “máy bay Bác Hồ”, kẹp điện 2 chân, treo lơ lửng trên không trung rồi kéo, khi vừa đưa cô qua đỉnh đầu của một tên địch, cô đã cặp cổ nó để nó nếm mùi kiểu tra tấn này. Tất nhiên, sau đó chúng đánh đập cô dã man hơn. Nhưng cô nghĩ, đời người chỉ một lần sinh ra, một lần chết thì phải kiên định theo lý tưởng của mình đã chọn”.
Khâm phục cô gái trẻ tuổi nhưng quả cảm, người bạn tù Trần Thị Hòa (quê gốc Bà Rịa - Vũng Tàu) khi ở khám Thủ Đức đã săn sóc cô từng miếng cơm, ngụm nước, chăm sóc những vết thương không bao giờ kịp lành vì đòn roi. Người bạn tù ấy hiện nay dù ở cách xa hơn 400 cây số nhưng vẫn dành cho người nữ anh hùng Bạc Liêu một tình cảm sâu sắc. Tuổi gần 80 nhưng cô Hòa vẫn thường xuyên về thăm cô Sáu Sảnh, vận động đồng đội xây nhà kiên cố cho gia đình cô.
Còn câu chuyện chống chào cờ của ông Trần Hòa Móm thể hiện rõ khí tiết của người cộng sản “máu đỏ, da vàng, tôi là người Việt Nam” hơn bao giờ hết. Trong hơn 800 chiến sĩ cách mạng bị bắt cùng ông thì có hơn 600 người thành công trong việc chống chào cờ địch. Chúng bắt tù chính trị phải đạp lên lá cờ Tổ quốc, nếu không sẽ bị quất 100 roi mây nước. Nhưng ông Móm và đồng đội đã quỳ xuống đội lá cờ lên đầu và lăn nhiều vòng trên mặt đất dù phải bị đánh. Hay câu chuyện về những đồng đội quả cảm tự móc ruột, mổ bụng để buộc địch thực hiện các chính sách cho tù chính trị.
Bản lĩnh chính trị và chí khí chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của một thế hệ anh hùng đã tạo nên một sức mạnh dân tộc kỳ diệu làm nên chiến thắng trước kẻ thù. Mùa xuân hòa bình đã trở về với đất nước Việt Nam. Hơn 42 năm, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ hôm nay sẽ hát mãi khúc anh hùng ca với lòng tự hào và tự nhủ sẽ nối tiếp truyền thống yêu nước, niềm tin tuyệt đối vào Đảng của thế hệ ông cha.
Hoàng Uyên
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh