Xuân Mậu Tuất 2018
Bạc Liêu nhất quyết sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực trong tương lai gần
Đã thành thông lệ, hằng năm khi Tết đến Xuân về, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đều dành riêng cho Báo Bạc Liêu một cuộc phỏng vấn. Đây như là một sự tổng kết về công tác chỉ đạo, điều hành và định hướng cho năm sau. Xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trả lời phỏng vấn này.
PV: Năm 2017 là năm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu trực tiếp đe dọa đến cả vùng ĐBSCL, trong đó Bạc Liêu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 của Bạc Liêu cơ bản đều đạt và vượt, tăng trưởng kinh tế đạt khá. Điều đó chứng tỏ lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp là UBND tỉnh phải có cách linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Thành Trung: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong bối cảnh đất nước ta đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Trong đó, Bạc Liêu cũng chịu nhiều ảnh hưởng, thời tiết diễn biến phức tạp bất thường làm sạt lở đê, kè ven biển; nước mặn tràn qua Quốc lộ 1A làm ảnh hưởng vùng ngọt phía Bắc quốc lộ gây thiệt hại rất lớn đến các công trình hạ tầng và đời sống người dân; dịch cúm gia cầm diễn ra ở một số nơi; giá heo hơi giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi... tất cả đã tạo nên những khó khăn, thách thức rất lớn.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đón tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng trong chuyến công tác chỉ đạo phòng chống bão số 16 (Tembin) tại Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với quyết tâm rất lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả quan trọng: Trong 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó đáng kể nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ với mức tăng 6,5%; riêng lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,9%, gấp 1,7 lần so với năm 2016 (2,3%) và cao hơn 1% so với bình quân cả nước (năm 2017 nông nghiệp cả nước tăng 2,9%). Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 530 triệu USD. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt kết quả, nhất là công tác giảm nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,51%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch 2 - 3%); công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công; công tác dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch đều có bước phát triển tốt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đây là thành quả chung của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, vai trò định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo và hoạch định của Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh là rất to lớn; tạo điều kiện cho UBND tỉnh và các cấp, các ngành chủ động trong phương pháp tiếp cận, với những giải pháp linh hoạt, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế cũng như xu thế phát triển chung của Việt Nam và thế giới; phát huy yếu tố nội lực, kết hợp với thu hút ngoại lực theo hướng phát triển bền vững, chú trọng nông nghiệp - nông thôn - nông dân đồng bộ với quá trình phát triển đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa. Tất cả đã tạo nên ”sức bật”, giúp Bạc Liêu vượt qua khó khăn để có những kết quả bước đầu như tôi đã nêu ở phần trên.
PV: Xin đồng chí cho biết, Bạc Liêu có những giải pháp gì để ”sống chung với biến đổi khí hậu” vừa biến nó thành lợi thể để phát triển?
Đồng chí Dương Thành Trung: Biến đổi khí hậu đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp, sâu rộng và nghiêm trọng hơn. Đây là vấn nạn toàn cầu và Bạc Liêu không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng chung đó. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội - môi trường.
Đối với Bạc Liêu, do đặc thù nền kinh tế có tỷ trọng nông nghiệp còn cao (chiếm hơn 43% trong tổng GRDP của tỉnh), với hơn 70% người dân sống ở khu vực nông thôn nên ưu tiên hàng đầu của Bạc Liêu là hạn chế các tác hại của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp - nông dân - nông thôn, ”nương” theo biến đổi khí hậu để từng bước phát triển. Trong đó, tỉnh đã xác định thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Từ các giải pháp công trình (như xây dựng đê, kè...) đến phi công trình (như trồng cây, gây bồi, tạo bãi...). Thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm phụ thuộc vào sử dụng nước ngọt, chuyển dần sang thích ứng với nước lợ và nước mặn, mà con tôm là lựa chọn hàng đầu. Đồng thời triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu rủi ro cho nông dân trong sản xuất... Tất cả phải được tính toán chặt chẽ, cụ thể, phù hợp với khả năng nguồn lực hiện có trong dân, kết hợp với thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài theo những định hướng, chỉ đạo thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong lĩnh vực công nghiệp, nhận thức được lợi thế của Bạc Liêu là địa bàn giáp biển, có nắng và gió quanh năm với cường độ tốt, Bạc Liêu đã ưu tiên tập trung cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Đây là lĩnh vực mới, song có tiềm năng rất lớn, giúp cho tỉnh vừa có thể chủ động được năng lượng, vừa phát triển kinh tế (do các dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, với lãi suất ngày càng rẻ, chế độ ưu đãi của Chính phủ ngày càng mở rộng), vừa giảm phát khí thải nhà kính, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu...
Trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, tỉnh chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững; phát huy dịch vụ tại chỗ, đào tạo sử dụng nguồn lao động địa phương, hạn chế tình trạng ”ly hương” do biến đổi khí hậu gây mất đất sản xuất... Hay nói cách khác, với vị trí giáp biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, song nếu chúng ta có cách tiếp cận phù hợp, thì sẽ từng bước hóa giải“nguy cơ”, biến thành “thời cơ”, phục vụ sự phát triển bền vững của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung tiếp đại diện Công ty UPC (Hoa Kỳ) tại TP. Hồ Chí Minh đến làm việc với tỉnh Bạc Liêu về đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo. Ảnh: M.Đ
PV: Phát biểu trong cuộc họp báo với các nhà báo mới đây, đồng chí đã đưa ra nhiều tín hiệu khả quan trong thu hút đầu tư với những dự án đầu tư ”có tầm” cả trong và ngoài nước. Xin đồng chí phác họa sâu hơn về lĩnh vực này trong năm và cả năm 2018?
Đồng chí Dương Thành Trung: Nhân các chuyến thăm và làm việc tại Bạc Liêu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những khảo sát, đánh giá và có những chỉ đạo, định hướng rất quan trọng, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của tỉnh cũng như sự phát triển đồng bộ trong mối liên kết vùng ĐBSCL và cả nước. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, kết hợp với thực tiễn phát triển thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã lựa chọn hướng phát triển trong thời gian tới, đó là tập trung vào 3 lĩnh vực “trụ cột” gồm: (1) Phát triển nông nghiệp, trực tiếp là con tôm và trọng tâm là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm duy nhất của cả nước; sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng cao giá trị nông sản; (2) Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); (3) Phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, giáo dục, y tế chất lượng cao.
Đối với lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu có một số lợi thế như: Vị trí địa lý ở trung tâm của vùng trọng điểm nuôi tôm cả nước, là địa phương đi đầu trong phát triển nuôi tôm trên nền tảng công nghệ cao, siêu thâm canh với một số doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tỉnh đã có một số mô hình triển khai thí điểm ra quy mô nông hộ, bước đầu khá hiệu quả, tạo nên kinh nghiệm và hiệu ứng tâm lý khá tốt trong nhân dân. Những yếu tố đó, cộng với việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Bạc Liêu xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm duy nhất cả nước, và vừa khởi công vào đầu năm 2018 - đây là những tiền đề vững chắc cho việc phát triển thành công ngành tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu.
Riêng đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tuy chưa chính thức hình thành, song đã có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhiều viện, trường đăng ký liên kết chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào Khu, tham gia vào hầu hết các phân khúc trong chuỗi giá trị ngành tôm, như: Tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn tôm, nuôi tôm (theo nhiều mô hình nuôi), chế biến tôm, các ngành công nghiệp bổ trợ cho ngành tôm (như: lọc, xử lý nước; bạt lót đáy ao; nhà màng; men vi sinh và chế phẩm sinh học; thuốc…), kiểm định, xét nghiệm... Đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu, nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến nhất trong ngành tôm Việt Nam và thế giới, với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 2.650 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, các viện, trường này đều đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đến khi xây dựng xong hạ tầng khu thì sẽ chính thức đầu tư, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy, cũng như phát huy hiệu quả, tính lan tỏa công nghệ của khu, góp phần đảm bảo mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong những năm gần đây, Bạc Liêu được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này, với dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu quy mô công suất 99,2MW đã đưa vào hoạt động (lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay), đã phát lên lưới điện gần 450 triệu kWh. Cộng với các lợi thế tự nhiên như: bờ biển dài, đất đai bằng phẳng, có nắng và gió quanh năm với cường độ tốt, lại ít gió bão... và các chính sách ngày càng cởi mở của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Bạc Liêu rút dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ VII) và giao cho tỉnh mời gọi các dự án nguồn điện khác thay thế, nên thời gian gần đây có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, đăng ký đầu tư vào hơn 10 dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 110.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với các tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch, cộng với yếu tố vị trí địa lý tỉnh Bạc Liêu ở giữa các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, dân số tương đối đông và đời sống người dân ngày càng nâng cao nên trong năm qua tỉnh Bạc Liêu cũng thu hút được khá nhiều dự án trong các lĩnh vực thương mại - du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao (như Tổ hợp thương mại - dịch vụ - shophouse Trần Huỳnh, Khu du lịch Công tử Bạc Liêu, Trung tâm can thiệp tim mạch chất lượng cao, Trường học Quốc tế liên thông nhiều cấp học...) với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 3.800 tỷ đồng.
Tất cả các lĩnh vực nêu trên đều có những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn quan tâm, đăng ký đầu tư nghiêm túc; có thể nói đây là lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu bước vào giai đoạn được “quyền” chọn lựa nhà đầu tư. Đây sẽ là những nguồn ngoại lực to lớn, kết hợp với yếu tố nội lực mà nếu phát huy tốt chắc chắn sẽ giúp cho Bạc Liêu phát triển đứng vào nhóm các tỉnh khá trong khu vực như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
N.N.K (thực hiện)
Tựa do Tòa soạn đặt
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh