Xuân Canh Tý 2020
Nhịp cầu nhân ái Báo Bạc Liêu: Viết tiếp những ước mơ dang dở...
Sống trên đời này, có lẽ trong thẳm sâu mỗi người đều có những ước mơ, hoài bão. Song, vì hoàn cảnh éo le nào đó, mơ ước ấy bị chắn ngang... Nhịp cầu nhân ái Báo Bạc Liêu đã có cơ duyên gặp nhiều hoàn cảnh, giữa khúc cua gập ghềnh nhất của số phận, để rồi cùng các nhân vật của mình viết tiếp những ước mơ đẹp!
Chị Nguyễn Tú Anh (bên phải) soạn hàng giao cho khách trước căn nhà khang trang.
Thỏa lời nguyện cầu
Chúng tôi đến khóm 5 (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) thì không còn tìm được ngôi nhà cũ kỹ nằm ven sông với cái chòi mục làm nơi bán trái cây trước đây nữa. Một ngôi nhà lớn, khang trang với đủ đầy tủ thờ, ti vi màn hình rộng, bàn ghế gỗ thay thế cái chòi cũ. Không gian nơi này trở nên tươi mới lạ thường, chủ ngôi nhà - chị Nguyễn Tú Anh đon đả chào mời khách vào nhà.
Cũng như nhiều nhân vật khác của Nhịp cầu nhân ái, hoàn cảnh mẹ góa con côi của chị Tú Anh từng làm bạn đọc động lòng trắc ẩn. Chồng qua đời, bản thân mắc bệnh ung thư, không tiền chữa trị, hàng ngày chị vẫn phải gắng gượng mưu sinh để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học.
Nhưng nếu cuộc gặp cách đây nửa năm (giữa chúng tôi và chị) ướt đẫm nước mắt, thì cuộc gặp lần này lại đong đầy tiếng cười. Chị Tú Anh xúc động: “Từ khi phóng viên Báo Bạc Liêu đến viết bài kêu gọi sự hỗ trợ thì mẹ con tôi được nhiều người biết đến, giúp đỡ, rồi được mạnh thường quân gửi tiền cho xây nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt. Bệnh tình của tôi bây giờ cũng thuyên giảm nên có thể mua bán, lo được cuộc sống cho mấy mẹ con. Vậy là tôi đã thỏa nguyện mong ước lớn nhất đời rồi…”.
Từ lúc mang bệnh ngặt nghèo, nhà sắp sập, chị cầu nguyện mỗi ngày cho mình khỏe mạnh thêm một thời gian để sửa lại nhà cho các con ở, để bọn trẻ lớn thêm chút nữa… Vừa may, đọc được bài viết về hoàn cảnh của chị trên báo, một bạn đọc đã gọi điện chỉ chị nơi lấy thuốc nam (mà đã có người từng trị hết bệnh). Chị Tú Anh uống được một thời gian thì thấy cơ thể khỏe lên rất nhiều, không còn bị sốt, ăn được ngủ được. Chưa hết vui mừng thì một nữ Việt kiều lại cất tặng mẹ con chị căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng. Phía trước nhà, cái chòi làm nơi mua bán trái cây cũng được mạnh thường quân này giúp tráng xi măng sạch sẽ để chị Tú Anh tiện bày biện hàng hóa bán tết.
Dương Hoàng Lil (bên phải) không ngừng trưởng thành trong môi trường quân đội.
Xuân về nơi giảng đường đại học
Đây là một mùa xuân đẹp nhất trong 18 mùa xuân qua của nữ sinh viên Dương Thị Thùy Dương (ngành Kế toán, Khoa Kinh tế - Trường đại học Cần Thơ). Tuổi thơ không có mẹ, cha phiêu bạt mưu sinh, Thùy Dương và anh trai Dương Hoàng Lil sống nhờ sự cưu mang của người chú khuyết tật Dương Văn Ơi (xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long).
Gia đình ông Ơi có bốn người, đều là đối tượng bảo trợ xã hội, nhà dột nát không tiền sửa chữa. Hoàn cảnh bi đát lẫn những khát khao chân chính của bao con người đã được thể hiện ở trang Phóng sự - Ký sự của báo Bạc Liêu tháng 9/2016 với tiêu đề “Trái tim không tật nguyền”.
Sau khi bài viết đăng tải, Nhịp cầu nhân ái đã vận động được suất học bổng dài hạn suốt những năm THPT cho hai anh em Lil, Dương. Vốn rất chăm ngoan, ham học, các em đã nỗ lực hết mình và đạt nhiều thành tích đáng khen ngợi.
Tốt nghiệp THPT, Lil tình nguyện nhập ngũ, rồi được đơn vị cho đi học lớp y tá tại tỉnh Sóc Trăng. Môi trường quân đội đã khiến chiến sĩ trẻ Dương Hoàng Lil chững chạc và trưởng thành hơn với lý tưởng cống hiến hết sức trẻ, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần.
Sinh viên Dương Thị Thùy Dương với nụ cười hạnh phúc.
Đặc biệt nhất vẫn là Thùy Dương, cô bé “ốc tiêu” đã thực hiện được khát khao lớn nhất của mình là bước vào giảng đường đại học, chinh phục tri thức để thoát nghèo, để chăm lo cho những người thân yêu của mình.
Gặp lại Thùy Dương sau 3 tháng là tân sinh viên, tung tăng trong sân trường với những khóm hoa nở báo hiệu tết đang về, cô bé trải lòng: “Dang dở chuyện học hành luôn là nỗi lo sợ lớn nhất trong lòng con những năm học THCS, rồi THPT… Nhưng giờ đây con quá hạnh phúc khi hàng ngày được ngồi trên giảng đường đại học, tiếp cận với môi trường học tập hiện đại”.
Cùng những tin vui này, mùa xuân năm nay, gia đình ông Ơi còn vỡ òa niềm vui khi địa phương vừa vận động cất tặng căn nhà tình thương kiên cố.
Quả thật, nhìn toàn cảnh gia đình ông Ơi ở thời điểm này, chúng tôi không khỏi sung sướng. Từ một cục diện bi đát, nhưng nhờ tấm lòng nhân ái của cộng đồng, nhờ sự cố gắng vươn lên của từng thành viên trong gia đình đã cho “mùa quả ngọt” hôm nay.
Nguyễn Phát Tài tập viết bằng tay trái để viết tiếp ước mơ đến trường. Ảnh: T.H
Không từ bỏ ước mơ
Sinh ra ở nơi có truyền thống hiếu học, việc mất đi một cánh tay và một bên chân do tai nạn không làm cậu học trò lớp 8 - Nguyễn Phát Tài (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chùn bước. Câu chuyện về nam sinh siêng năng, giỏi giang đã khiến nhiều người cảm động.
Không muốn tạo gánh nặng cho cha mẹ khi bước vào năm học mới, Tài đi làm thêm nhiều việc để kiếm tiền mua tập vở. Tai nạn điện ập đến khiến em phỏng toàn thân, chạy chữa khắp các bệnh viện, tính mạng nguy kịch. Ngay trong cơn thập tử nhất sinh, những tấm lòng nhân ái đã đến với em, trong đó có Nhịp cầu nhân ái Báo Bạc Liêu. Với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng của quý bạn đọc, người hảo tâm, sau 2 tháng được điều trị tích cực, Nguyễn Phát Tài đã xuất viện.
Đi học vốn là niềm đam mê lớn nhất và là động lực giúp Tài vượt qua bao đau đớn. Những ngày còn trên giường bệnh và từ lúc đặt chân về đến nhà, Tài đêm ngày tập viết bằng tay trái, mong cho nhanh đến mùa tựu trường năm sau để đi học lại.
Về thăm Tài, trong cái bắt tay rất chặt, em hứa sẽ trở lại trường trong thời gian sớm nhất. Dõi theo em, chúng tôi đã kết bạn Zalo và trao đổi với nhau mỗi ngày. “Chào Tài! Con có khỏe không?”. “Dạ con rất khỏe”. Có gì khó khăn không con?”. “Dạ không khó lắm đâu cô à. Chữ con đã đẹp hơn nhiều rồi”.
Được nhiều người thương, nhưng với bản lĩnh của mình, Tài luôn muốn ra sức để thực hiện ước mơ, dù ước mơ ấy đã bị gián đoạn và con đường phía trước còn nhiều khó khăn thử thách.
Một cán bộ khuyến học địa phương nói với chúng tôi rằng, lối thoát của học trò quê nghèo đều nằm ở những cổng trường, bởi với ước mơ từ khi cắp sách, các em luôn vững tin rằng tri thức là nơi bắt đầu cho ước mơ thoát nghèo. Trong giây phút ấy, tôi nhớ đến câu châm ngôn rất hợp với hoàn cảnh của Tài: “Điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi bạn biết tin tưởng vào bản thân. Nếu bạn có thể mơ ước, bạn có thể làm được. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!”.
Là người đồng hành, chúng tôi hạnh phúc khi được cùng Tài, cùng với mọi hoàn cảnh ngặt nghèo của Nhịp cầu nhân ái Báo Bạc Liêu viết tiếp những ước mơ tưởng chừng đã dang dở ấy.
THANH HẢI
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh