Xuân Canh Tý 2020
Khơi thông mạch nguồn hiếu học
Trong câu chuyện đầu xuân rôm rả, chúng tôi được các gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập chia sẻ những mẩu chuyện hay, những cách làm sáng tạo trong việc khơi mạch nguồn hiếu học. Đó là tâm huyết của biết bao thế hệ trong việc góp phần lan tỏa phong trào học tập suốt đời, dốc sức đầu tư cho sự nghiệp “trồng người” để đất Bạc Liêu ngày càng “đơm hoa kết trái”.
Hội Khuyến học tỉnh vinh danh các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu giai đoạn 2017 - 2019.
Những hạt nhân nòng cốt
Trải qua những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoài nhiệm vụ là liên lạc, Lê Văn Tơ (xã Phong Tân, TX. Giá Rai) còn đảm trách việc dạy học cho những người chưa biết chữ.
Trở về sau cuộc chiến với tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, nhưng chú Tơ cũng là nạn nhân của chất độc da cam. Vì thế chú đành giã từ bục giảng, chuyên tâm làm ăn để nuôi gia đình với 11 người con.
Chú Tơ chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm cho con cái ăn học đến cùng. Thương nhất là vợ tôi khi ấy phải tần tảo làm thuê đủ nghề để có tiền lo cho các con ăn học. Bốn người con đầu vì thương cha mẹ quá vất vả đã dừng việc học ở lớp 9, lớp 10 để phụ giúp chăm lo các em. Ngoài một người con bị nhiễm chất độc da cam không đi lại được, 6 người còn lại đều học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định”.
Có mặt trong buổi tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, gia đình có nhiều hoạt động và đạt thành tích cao trong công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ Nguyễn Văn (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), chúng tôi không khỏi xúc động bởi sự trang trọng nhưng rất ấm áp, thân tình. Từ những người cao niên đến các cháu nhỏ đều vui mừng, phấn khởi bởi thành tích học tập mà các thành viên trong dòng họ đạt được.
Chú Nguyễn Văn Bảy - Trưởng Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Văn tự hào khoe với chúng tôi: “Với quan điểm học để làm người, học để biết, học để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội nên dù cuộc sống có khăn cách mấy, dòng họ chúng tôi vẫn quyết tâm nuôi dạy con cháu học tập thành tài. Hiện nay, dòng họ có nhiều cử nhân đang công tác, cống hiến cho địa phương; nhiều con cháu là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền…”.
Là một trong những đơn vị vừa được vinh danh tại Đại hội biểu dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu tỉnh giai đoạn 2017 - 2019, Chi hội Khuyến học Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP. Bạc Liêu) đã khiến các đơn vị bạn phải trầm trồ thán phục vì những nỗ lực vượt trội trong công tác khuyến học, khuyến tài, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo đó, ngoài việc thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp, đỡ đầu học sinh nghèo, phụ đạo học sinh yếu kém, nhà trường còn quan tâm đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích giáo viên học tập để nâng cao trình độ. Từ khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, Trường tiểu học Lê Văn Tám ngày càng “thay da đổi thịt”, khang trang, hiện đại hơn với nhiều lớp bán trú được mở thêm ở đều các khối lớp. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà ngày càng khởi sắc, giúp đơn vị tự tin sánh vai với các đơn vị tốp đầu của TP. Bạc Liêu về chất lượng giáo dục.
Không riêng gì các gia đình, dòng họ, đơn vị học tập tiêu biểu mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện, còn rất nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tiêu biểu với những người làm cha, làm mẹ đang âm thầm hy sinh, phấn đấu nuôi dạy con cái ăn học thành tài, vươn lên từ sự khó nghèo, vất vả. Đó là các gia đình của ông Trần Hùng Anh (xã Tân Phong, TX. Giá Rai), ông Trần Văn Ngỗ (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), ông Lâm Văn Liếm (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), ông Thạch Hương (phường 7, TP. Bạc Liêu), ông Huỳnh Tấn Lợi (xã Long Điền, huyện Đông Hải); hay dòng họ học tập của bà Nguyễn Thị Kim Tín (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), ông Lê Quốc Dự (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi), bà Quách Kim Tuyến (phường 2, TP. Bạc Liêu)…
Trường tiểu học Lê Lợi (TP. Bạc Liêu) là một trong những đơn vị học tập tiêu biểu được vinh danh vì đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Ảnh: Đ.K.C
Sáng tạo trong “giữ lửa” hiếu học
Để thổi bùng và giữ được ngọn lửa hiếu học là cả một quá trình đòi hỏi tâm huyết và sự sáng tạo của những người “giữ lửa”. Với gia đình chú Lê Văn Tơ, đó là sự nêu gương của ông bà, cha mẹ, của những người đi trước để con cháu noi theo. Bởi vậy, dù tuổi cao sức yếu nhưng vợ chồng chú vẫn hằng ngày, hằng giờ đôn đốc việc học tập của cháu con, tạo mọi điều kiện để con cháu tham gia các phong trào ở trường, ở địa phương để gắn bó hơn với quê cha đất tổ, vun đắp khát vọng trở thành những người con ưu tú về kiến thiết, xây dựng quê hương.
Đối với Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành công của hôm nay khởi nguồn từ việc đẩy mạnh vận động xã hội hóa giáo dục, từng bước phát triển quỹ khuyến học và phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học”. Chỉ 2 năm qua, đơn vị đã tặng 56 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; khen thưởng cán bộ, giáo viên, học sinh trong các hoạt động, phong trào khuyến học; thăm hỏi, động viên học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà trường còn phát huy tốt mối liên kết giữa “gia đình - nhà trường - xã hội” để kết nối hoạt động khuyến học, khuyến tài. Từ đó có những hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu…
Mùa xuân này các gia đình, dòng họ hiếu học lại rộn rã hơn với niềm hạnh phúc ngập tràn những tiếng cười, những câu chuyện không hồi kết về những dự định mới cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, cho việc “giữ lửa” và khơi thông mạch nguồn hiếu học của từng gia đình, dòng họ…
Kim Trúc
- Chủ động tiêu úng, bảo vệ mùa vụ
- Tăng cường phòng, chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên - thanh niên
- Giải pháp nào cho người hút thuốc thụ động?
- Đấu tranh phản bác những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy với phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion