Xuân Canh Tý 2020
Khi người nghèo tình nguyện xin thoát nghèo
Có thể nói, công tác giảm nghèo của tỉnh năm 2019 “bội thu” khi các chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt trên kỳ vọng. Những cách làm giảm nghèo hay, gương thoát nghèo tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt từ những tháng đầu năm có hàng trăm hộ nghèo đã tự nguyện xin thoát nghèo… Ðó là cả quá trình đóng góp nhân lực, vật lực của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhất là của những người trực tiếp nhận đỡ đầu hộ nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam trao biểu trưng tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách huyện Hồng Dân. Ảnh: T.Q
Đua nhau xin thoát nghèo
Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng nhiều hộ nghèo vẫn viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, muốn tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ðó là những câu chuyện đẹp ở Hồng Dân - một trong những huyện vùng sâu, giao thông còn trắc trở nhất của tỉnh.
Từ địa chỉ ghi trên những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo, chúng tôi đến thăm nhà của chị Phạm Hồng Diễm (sinh năm 1976, ngụ ấp Ninh Thạnh Tây, xã Ninh Thạnh Lợi).
Có ai ngờ, cách đây 3 năm, ngôi nhà kiên cố như hiện nay là căn nhà lá xiêu vẹo, ọp ẹp. Cả 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng tiền từ nghề sửa xe của người chồng nên cuộc sống luôn túng thiếu. Chị Diễm chia sẻ: “Nếu không được sự trợ sức của chính quyền thì cuộc sống nghèo khổ sẽ còn bủa vây gia đình tôi. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp tôi cất nhà, vay vốn ưu đãi để mua đồ nghề sửa xe, thu nhập mỗi ngày gần 200.000 đồng. Nay, cuộc sống đã dần ổn định nên đầu năm 2019, vợ chồng tôi bàn với nhau xin thoát nghèo để giảm gánh nặng cho địa phương”.
Ðể đi đến quyết định này, vợ chồng chị Diễm đã suy nghĩ, mất ngủ nhiều đêm. Bởi anh chị có 2 con đang đi học. Xin ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình chị sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ hộ nghèo, các con khi đi học không được miễn giảm học phí. Thế nhưng, vợ chồng chị vẫn quyết tâm xin thoát nghèo vì họ muốn bứt phá vươn lên bằng chính thực lực bản thân.
Gần bước qua cái tuổi 50 nhưng chưa bao giờ bà Phạm Thị Thủy (ngụ ấp Cai Giảng, xã Ninh Thạnh Lợi) có được niềm vui trọn vẹn như năm nay. Bởi mùa xuân này, gia đình bà được đón tết trong ngôi nhà kiên cố vừa xây xong với chi phí hơn 100 triệu đồng.
Bà Thủy cho biết: “Niềm mơ ước lớn nhất trong đời tôi là có căn nhà kiên cố để ở, nay ước mơ ấy đã thành hiện thực. Chúng tôi có sức khỏe, còn tự tạo ra của cải, cho nên không thể nương dựa mãi vào Nhà nước, mang danh là hộ nghèo. Tôi muốn thoát nghèo để con cháu phấn đấu vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt hơn”.
Trong 6 tháng đầu năm, huyện Hồng Dân đã tiếp nhận 186 hộ nộp đơn xin thoát nghèo (xã Ninh Thạnh Lợi: 135 hộ, xã Ninh Quới 51 hộ). Họ xin thoát nghèo không phải vì kinh tế đã khá lên, mà từ suy nghĩ muốn tự thân vượt lên khó khăn, chủ động phát triển kinh tế gia đình. Ðiều này đã chứng tỏ sự thay đổi về nhận thức của một bộ phận người dân trong diện nghèo. Hy vọng rồi đây những hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo sẽ ngày một nhiều lên, nhân rộng ra nhiều xã, huyện khác của tỉnh, góp phần loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đầu năm 2019, huyện Hồng Dân còn 959 hộ nghèo (chiếm 3,71%), từ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện, sự chung sức của các mạnh thường quân nên công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả phấn khởi, tạo một làn gió mới trong công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Do đó, đến cuối năm 2019 số hộ nghèo của huyện giảm còn 327 hộ (1,19%).
Báo Bạc Liêu hỗ trợ vốn và quà cho hộ nghèo xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: H.T
Chung tay vì người nghèo
Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng thêm sự chung tay, góp sức của các ban ngành nhận đỡ đầu hộ nghèo, của toàn xã hội trong việc đồng hành cùng người nghèo, nên công tác giảm nghèo của các địa phương đều đạt kết quả mỹ mãn.
Đầu năm 2019, tỉnh đặt chỉ tiêu giảm 2% hộ nghèo, song đến cuối năm toàn tỉnh đã giảm hơn 5.600 hộ nghèo, tương đương 2,85% (từ 4,30% xuống còn 1,45%), đặc biệt là số hộ tái nghèo rất thấp, chỉ có 2 hộ (năm 2018 có 35 hộ tái nghèo). Những kết quả trên không những tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu về giảm nghèo, mà còn mở ra một giai đoạn mới hướng đến giảm nghèo bền vững.
Gia đình chị Phạm Hồng Diễm tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Ảnh: H.T
Trong công tác giảm nghèo năm 2019, ngoài thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như: Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 7 xã bãi ngang, ven biển; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin...; các ngành, địa phương còn xây dựng được nhiều cách làm hay trong công tác giảm nghèo.
Điển hình như TX. Giá Rai đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ nhà, phương tiện, vốn gắn với hướng dẫn phương thức làm ăn qua các mô hình kinh tế, tập trung hỗ trợ các tiêu chí thiếu hụt, và nhất là làm tốt công tác hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Huyện Vĩnh Lợi thì tăng cường công tác dạy nghề với tạo việc làm phù hợp với thị trường, gắn công tác giảm nghèo bền vững với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng đơn vị; chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông - khuyến ngư và dạy nghề cho người nghèo. Huyện Đông Hải thì ngoài việc tạo sinh kế còn hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho người nghèo. Huyện Phước Long thì tập trung xóa trắng nhà lụp xụp, tạo mô hình sinh kế bền vững… Ở mỗi mô hình, cách làm giảm nghèo, cán bộ, chính quyền các địa phương luôn đồng hành với người nghèo, theo dõi cách làm, đổi thay của họ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp họ thoát nghèo bền vững.
Càng về cuối giai đoạn thì công tác giảm nghèo càng khó, do các hộ có điều kiện đã thoát nghèo, giờ chủ yếu còn lại các hộ đặc biệt khó khăn, hộ thuộc diện bảo trợ. Toàn tỉnh còn trên 3.200 hộ nghèo nhưng có đến 1.000 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội.
Để giải quyết bài toán khó này, trong năm 2020, tỉnh đã xác định sẽ tiếp tục tăng cường mọi nguồn lực, tập trung giúp đỡ hộ nghèo theo các chiều thiếu hụt; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho hộ nghèo, xóa bỏ tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước; tiếp tục chỉ đạo các ngành, phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo (thậm chí phân công 2 - 3 đảng viên giúp đỡ 1 hộ nghèo). Cùng với đó là tập trung mọi nguồn lực để có giải pháp giúp đỡ hiệu quả nhất. Đối với hộ đã thoát nghèo có điều kiện vươn lên thì sẽ chăm lo cho nhà ở, kế đến là bảo hiểm y tế và tạo việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định. Còn hộ thuộc diện bảo trợ xã hội thì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương còn thực hiện các giải pháp riêng mang tính lâu dài để họ có cuộc sống ổn định hơn.
Năm 2020, tỉnh đặt chỉ tiêu giảm nghèo còn dưới 0,9%. Thế nhưng, qua những gì đã làm được, tin rằng chỉ tiêu giảm nghèo có khả năng sẽ giảm sâu hơn.
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh