Xuân Canh Tý 2020

Đầu xuân gặp gỡ những nhà sáng tạo nhí

Thứ Năm, 30/01/2020 | 16:33

Những gương mặt còn “not choẹt”, bỡ ngỡ trước mọi người khi lên sân khấu nhận giải thưởng… Ðó là những ấn tượng của tôi tại lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bạc Liêu lần thứ V (2018 - 2019). Tuy còn “trẻ con” nhưng với sự sáng tạo của mình, các em đã làm những người lớn như tôi phải khâm phục với những giải pháp rất có ích trong học tập, cuộc sống.

Trần Thị Như Quỳnh: “Mang cả thế giới vào trong kính hiển vi”

Cô bé lớp 8, Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt (huyện Vĩnh Lợi) đã làm nhiều giáo viên bất ngờ khi đề xuất giải pháp “Webcam thông minh kết hợp với kính hiển vi điện tử”. Những dụng cụ tưởng như không liên hệ gì với nhau như: Kính hiển vi điện tử, máy vi tính… nhưng khi kết hợp với nhau đã cho ra bộ sản phẩm tuyệt vời: “Mang cả thế giới vào trong kính hiển vi”.

Như Quỳnh bộc bạch: “Khi nghiên cứu các mẫu vật trong tiết học môn Sinh, em nhận thấy do ít kính hiển vi nên các bạn không thể thực hành hết bởi không đủ thời gian. Giải pháp của em là từ mẫu vật trên kính hiển vi, dùng webcam ghi lại và truyền qua máy vi tính, rồi trình chiếu lên màn hình rộng cho cả lớp cùng quan sát. Cả lớp hay cả hội trường sẽ cùng quan sát được những mẫu vật, tế bào sinh vật, thực vật… trong tiết thực hành”.

Với webcam thông minh được kết nối wifi, giáo viên có thể không cần có mặt tại phòng thí nghiệm mà cũng nắm được quá trình thực hành của học sinh thông qua điện thoại thông minh. Đó là sự “kết hợp” tuyệt vời giữa ý tưởng và công nghệ 4.0 của một học sinh THCS. Giải pháp này đã đoạt giải Nhất cuộc thi.

Trương Khâm Triệu và Thạch Văn Duy: Quản lý ao tôm từ Smartphone

Đôi bạn thân học lớp 10 Trương Khâm Triệu (Trường THPT Lê Thị Riêng) và Thạch Văn Duy (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) đã mang đến một giải pháp sáng tạo mang tính “đột phá” cho người nuôi tôm khi thiết kế và vận hành thành công sản phẩm “Hệ thống điều khiển từ xa máy cho tôm ăn, quạt ôxy và hiển thị thông số trong ao tôm”.

Đôi bạn Trương Khâm Triệu (Trường THPT Lê Thị Riêng) - Thạch Văn Duy (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh).

Điều bất ngờ là bộ sản phẩm được “sản xuất” với giá thành chưa đến 200.000 đồng, gồm 1 bo mạch, 2 mô tơ (190.000 đồng), phần mềm blynk (tải miễn phí trên điện thoại). Khi lắp đặt hệ thống này, tín hiệu của môi trường trong ao tôm được các cảm biến nhận được và đưa vào bộ CPU để xử lý, rồi đưa lên điện thoại. Người nuôi tôm dù ở bất cứ đâu cũng có thể điều chỉnh tốc độ và thời gian cho tôm ăn để đạt hiệu quả cao và cũng có thể đặt thời gian bật/tắt quạt ôxy trên ao tôm từ điện thoại.

Chia sẻ về giải pháp, hai em cho biết, do gia đình cũng có nuôi tôm nhưng thấy công việc cho tôm ăn, canh giờ quạt ôxy… rất vất vả và mất nhiều thời gian nên nghĩ ra giải pháp trên để tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình. Với giải pháp mang tính thực tế, hiệu quả kinh tế cao này, hai bạn trẻ đã “ẵm” giải Nhì cuộc thi.

Bộ 3 học sinh THCS ứng dụng pin mặt trời

Quách Bảo Vân (Trường THCS thị trấn Phước Long) đại diện nhóm sáng tạo nhận giải Ba tại cuộc thi. Ảnh: C.K

Một máy biến áp, một pin mặt trời và các thiết bị điện được tận dụng lại từ các đồ dùng điện bị hỏng như: âm-ly cũ, đồ chơi trẻ em…, bộ 3 học sinh Trường THCS thị trấn Phước Long: Quách Bảo Vân, Danh Lê Minh Huỳnh, Trần Chí Khương cho ra đời sản phẩm “Thiết bị tích điện sử dụng máy biến thế, pin mặt trời”.

Bộ thiết bị này được dùng để cung cấp điện cho các dụng cụ sử dụng điện lưới gặp sự cố (bị ngưng cấp điện) như: Chiếu sáng, sử dụng quạt làm mát, sạc điện thoại hoặc được dùng trong phòng thí nghiệm. Bộ sản phẩm đã mang về giải Ba cho nhóm.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.