Xuân Canh Tý 2020
Chung tay giảm nghèo bền vững
Một trong những thành tựu quan trọng và trở thành “điểm sáng” của cả tỉnh trong năm 2019 là TP. Bạc Liêu đã cơ bản “xóa trắng” hộ nghèo. Công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là giảm nghèo bền vững và nói không với tình trạng tái nghèo.
Bà Lê Hồng Thu - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu (giữa) tặng quà cho hộ nghèo phường Nhà Mát nhân lễ ra quân Năm Dân vận khéo 2019. Ảnh: T.T
Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo là Ban chỉ đạo giảm nghèo TP. Bạc Liêu đã làm tốt công tác huy động nguồn lực và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố vận động Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội trên 60 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, thành phố đã hỗ trợ xây nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác. Qua đó góp phần làm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, thành phố đã linh hoạt và sử dụng có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động; hỗ trợ bảo hiểm y tế; đầu tư và hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo…
Điểm sáng tạo trong thực hiện các chính sách giảm nghèo của thành phố là không đầu tư dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”. Với phương châm này, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ xây hơn 600 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Từ đó góp phần giải quyết dứt điểm nhà ở cho hộ nghèo.
Giải pháp mang tính quyết định đến hiệu quả, chất lượng của công tác giảm nghèo là thành phố đã xây dựng các mô hình giảm nghèo điển hình. Đơn cử như mô hình phân công đảng viên, chi bộ, đảng bộ nhận giúp đỡ hộ nghèo. Qua 4 năm thực hiện mô hình này, đã có 1.596 hộ nghèo được các ban ngành thành phố nhận giúp đỡ bằng nhiều hình thức với số tiền hơn 4,78 tỷ đồng. Mô hình này phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân nhận giúp đỡ hộ nghèo thông qua việc “hiến kế” giúp hộ nghèo tổ chức lại cuộc sống, biết phân công lao động và nâng cao ý thức với khát khao được thoát nghèo.
Bên cạnh đó, thành phố còn phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thông qua việc tổ chức Năm Dân vận khéo gắn với hỗ trợ và đồng hành cùng hộ nghèo (nguồn kinh phí thực hiện Năm Dân vận khéo trên 20 tỷ đồng/năm). Đồng thời thực hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả như: mô hình lưới gởi, mô hình sản xuất rau màu, mô hình giới thiệu và giải quyết việc làm ở các doanh nghiệp tại địa phương…
Việc tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả công tác an sinh và công bằng xã hội. Nếu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố là 4,75% (tương đương 1.646 hộ) thì đến nay đã cơ bản “xóa trắng” hộ nghèo.
Với quyết tâm giảm nghèo bền vững và không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, năm 2020 và những năm tiếp theo, thành phố sẽ tập trung giảm nghèo theo chiều sâu thông qua nâng cao chất lượng các tiêu chí giảm nghèo đa chiều và chống tái nghèo.
Lê Hồng
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước