Xuân Bính Thân 2016

Trả nghĩa cho bậc tiền nhân

Thứ Tư, 03/02/2016 | 08:29

Từ Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, đoạn chạy ngang trung tâm xã Phong Thạnh Tây (thị xã Giá Rai), rẽ vào nhánh đường đất thưa thớt nhà dân, thiên nhiên còn khá hoang sơ, thanh vắng, chúng tôi đến thánh thất Ngọc Minh của hệ phái Cao đài Minh Chơn đạo Hậu Giang. Một di tích lịch sử nằm yên lặng với thời gian 70 năm qua đang thức giấc thêm một lần khi thế hệ hôm nay tìm về và cố gắng làm tròn trách nhiệm với tiền nhân.

Cao đài Minh Chơn đạo Hậu Giang - Di tích lịch sử trận Giồng Bốm (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai).

Bia ghi danh các chiến sĩ hy sinh tại Mặt trận Giồng Bốm năm 1946. Ảnh: H.L

KHÚC CA BI TRÁNG

Theo cuốn “Cao Triều Phát kẻ sĩ đất Phương Nam” của nhà văn Phan Trung Nghĩa, thánh thất Ngọc Minh là cái nôi của Cao đài Minh Chơn đạo, được Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang đứng ra chọn đất và xây cất vào năm 1931. Thánh thất được cất trên đất Giồng Bốm, vốn là một vùng đất giồng mọc nhiều cây bốm đầy gai nhọn, do hàng vạn tín đồ chuyển từng cục gạch, viên ngói trong nhiều năm nên rất đồ sộ và uy nghiêm. Dấu tích của một thời vàng son đó gần như bị xóa sạch ở hôm nay. Tính đến ngày 15/4/2016 là tròn 70 năm thánh thất này bị phá hủy trong một trận chiến không cân sức nhưng đầy khí thế của những chiến sĩ là tín đồ trong đạo do ông Cao Triều Phát, một trí thức, lãnh tụ Cao đài Minh Chơn đạo lúc bấy giờ với quân Pháp tại căn cứ là thánh thất Ngọc Minh ở Giồng Bốm. Trong 3 trận càn của quân Pháp vào giữa tháng 4/1946, hơn 100 lính Pháp đã bị giết nhưng hầu hết nghĩa quân cũng đã hy sinh. Lịch sử nhận định rằng “trận Giồng Bốm là trận đánh lớn nhất của Cao đài Hậu Giang trong kháng chiến chống Pháp” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu), hay đó là một trong ba trận đánh nổi tiếng và là một trong bốn mặt trận của khu 9 ở Nam bộ trong những ngày kháng chiến chống Pháp (Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến).

LẬT LẠI QUÁ KHỨ

Tròm trèm 70 năm đã qua, lịch sử tưởng đã ngủ yên nhưng thật ra vẫn day dứt một nỗi niềm. Trên tấm bia trong di tích lịch sử cấp tỉnh trận Giồng Bốm ghi tên họ, quê quán đầy đủ 137 tín đồ đã hy sinh trong trận đánh, đã được phong là “trung liệt thánh” trong Cao đài Minh Chơn đạo. Một số vị trong đó đã được công nhận liệt sĩ nhưng một số khác thì chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ. Từ đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tỉnh có nghĩa quân tham gia trận Giồng Bốm như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang bắt tay lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho những người còn lại. Bạc Liêu có khoảng 20 trường hợp như thế. Thật sự đó là một công việc không dễ dàng! Chị Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Giá Rai, cho biết: “Để lập hồ sơ cho những người hy sinh trong trận Giồng Bốm, chúng tôi phải đến thánh thất Ngọc Minh nhiều lần, lật lại lai lịch từng người. Tuy nhiên, lịch sử đã lùi xa, nhân chứng sống gần như không còn ai. Gia đình, thân nhân những người đã mất cũng đã qua nhiều thế hệ, không phải ai cũng nắm được chuyện gần 70 năm trước. Thậm chí có người không rõ thân nhân”. Phối sư Thượng Hiền Thanh kiêm Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử trận Giồng Bốm thì giải thích “những vị này được các thất ở khắp nơi trong đạo đưa về chiến đấu theo lời hiệu triệu của ông Cao Triều Phát nên không rõ quê quán thật ở đâu. Trong đó có khoảng 4 - 5 vị không còn thân nhân”. Cuộc trở về với lịch sử, vì vậy cũng mất nhiều thời gian và công sức dù kết quả có thể không đạt như ý muốn do đây là cuộc khởi nghĩa mang tính tự phát, không có vai trò một tổ chức chính trị nào. Dù vậy, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các huyện, thị xã phải quyết liệt hoàn thành hồ sơ để đề nghị Trung ương công nhận liệt sĩ với những người đã ngã xuống trong trận Giồng Bốm vang dội. Bởi đó không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay mà còn chính là cách trả nghĩa cho bậc tiền nhân một cách xứng đáng.

Chia tay chúng tôi ra về, Phối sư Thượng Hiền Thanh vẫn còn dặn với theo “ráng giúp những vị chưa được công nhận liệt sĩ. Những vị không còn thân nhân, chúng tôi sẽ đem vào thờ trong thất, không cần chính sách gì cả, chỉ cần sự công nhận của Nhà nước”. Trong điều kiện của tỉnh, việc lớn nhất làm được là hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận. Điều quan trọng hơn hết là những nỗ lực của tỉnh sẽ giúp câu chuyện lịch sử trận Giồng Bốm của 70 năm trước không bao giờ bị quên lãng trong tâm trí thế hệ hôm nay.

THANH LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.