Xuân Bính Thân 2016

Những người "giữ lửa" cho làng nghề

Thứ Năm, 28/01/2016 | 10:40

Cách đây vài thập niên là thời “hoàng kim” của các làng nghề truyền thống xứ Công tử Bạc Liêu. Trong ký ức của những người “giữ lửa” vẫn còn vẹn nguyên cái không khí rộn ràng, tất bật sản xuất phục vụ những ngày giáp tết. Dẫu nay, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một nhưng những ký ức đẹp của một thời vẫn được những người “giữ lửa” truyền tụng cho con cháu đời sau…

Du khách tham quan nghề rèn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: P.T.C 

Chuyện tình từ những làng nghề

Con đường ngoằn ngoèo ấp Xẻo Quao (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) dẫn chúng tôi đến nhà cô Nguyễn Thị Lam - gia đình hai đời theo nghề làm bánh tráng. Thì ra, đây là gia đình cách mạng “nòi”. Cha là liệt sĩ, mẹ và bản thân cô có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cô Lam chính là kết tinh tình yêu, tình đồng chí, đồng đội của hai người chung làng. Chồng tham gia kháng chiến, vợ là hậu phương vững chắc trong công tác giao liên, nuôi chứa, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Giữa thời chiến tranh ác liệt, vậy mà mẹ cô vẫn vững vàng đội bom đạn làm bánh tráng đều đặn mỗi ngày đem ra chợ để thông thương đường dây liên lạc.

12 tuổi, cô Lam đã thành thạo nghề làm bánh tráng của mẹ và cũng là một giao liên “nhí” gan dạ. Hòa bình lập lại, cô vẫn một lòng bám trụ với nghề làm bánh tráng như một cách để cô gìn giữ nếp nhà, hoài niệm về một thời tuổi thơ oanh liệt!

40 năm quyết sống chết với nghề rèn truyền thống của gia đình, vợ chồng chú Nguyễn Văn Ơn (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) chưa bao giờ hối hận trước quyết định của mình. Thuở ấy, đất đai còn hoang hóa, nhu cầu khai hoang, lập ấp của người dân đã đưa nghề rèn bước vào thời kỳ hoàng kim chưa từng có. Sản phẩm của các lò rèn Ngan Dừa lúc bấy giờ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Ở xứ này lúc ấy có vài ba chục lò rèn, nhưng sản phẩm làm ra vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong vùng, cũng như các tỉnh lân cận. 16 tuổi, chú Ơn đã là anh thợ trẻ lành nghề. Và không riêng gì chú, các anh em trong gia đình đều theo nghề rèn và quyết lòng khuếch trương nghề truyền thống gia đình. Vậy mà, chỉ sau vài thập niên, làng nghề rèn huyền thoại giờ đã trở thành ký ức, các lò rèn đóng cửa dần và thế hệ kế thừa cũng bỏ nghề truyền thống.

Hành trình đi tìm ký ức về những làng nghề đưa chúng tôi đến xóm chiếu thị trấn Ngan Dừa. Và một lần nữa, chúng tôi lại bị cuốn vào chuyện tình đẹp của vợ chồng cụ Lê Văn Lâm. Gặp và cảm mến nhau trong một đêm trăng khi cả xóm quây quần dệt chiếu. Trong mảng ký ức đẹp của hai cụ, cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm là cả xóm lại tất bật dệt chiếu để cung cấp hàng cho thương lái. Những đôi chiếu đẹp được dệt từ tình yêu, tâm huyết của trai gái trong làng đã đi khắp mọi nơi, góp lửa hạnh phúc cho những gia đình, những nếp nhà. Và cũng từ tình yêu nghề đã giúp hai cụ gắn kết với nhau đến “răng long đầu bạc”!

Nghề dệt chiếu Ngan Dừa. Ảnh: P.T.C

Và những cái kết có hậu

Vẻ đẹp khó cưỡng của những vỉ “hoa biển” dọc triền đê Đông Hải những ngày cuối năm có một sức hút thật kỳ lạ! Nói theo cách của chú Lâm Văn Vườn (ấp 1, thị trấn Gành Hào) - gia đình nhiều đời theo nghề làm khô truyền thống thì: đó là kết tinh của tình yêu lao động, là đặc sản gìn giữ truyền thống những nếp nhà, là “mùi” quê hương khiến những ai xa quê cồn cào trong nỗi nhớ… Quả vậy, nghề làm khô đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo tay, chịu thương chịu khó của người theo nghề mới có thể tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và chất lượng. Cái nắng gay gắt của xứ biển Gành Hào góp thêm sắc - hương - vị cho những vỉ khô nhưng sẽ làm chồn chân những ai chưa “đủ lửa” với nghề!

Nghề làm bột nếp khô (ấp Hòa II, xã Long Điền, huyện Đông Hải) cũng vậy. Từ công đoạn ngâm nếp, xay bột, gạn khô nước, đến xắt lát mỏng, phơi, trở bột để ra sản phẩm hoàn hảo là cả quá trình công phu. Hơn 20 năm theo nghề, dù chưa đăng ký thương hiệu, nhưng sản phẩm bột nếp của gia đình chú Nguyễn Văn Khải đã chinh phục cả những khách hàng khó tính nhất! Đó cũng là niềm vui, là động lực để gia đình chú bám trụ với nghề. Theo chú, vài năm trở lại đây, nghề làm bột khô bắt đầu lan rộng sang các gia đình lân cận, nhưng nói về chất lượng thì người tiêu dùng thường tìm đến gia đình chú như một địa chỉ đáng tin cậy!

Nhọc nhằn bám trụ với nghề là vậy, nhưng họ chưa một lần than thở. Con của họ nhờ vào sự nghiệp của gia đình mà học hành đỗ đạt, thành danh trên nhiều lĩnh vực. Dù chẳng ai theo nghiệp gia truyền, nhưng với những người “giữ lửa” đó là một cái kết có hậu, bởi chính sự nhọc nhằn bám trụ với nghề của ông cha đã cho con cháu một tương lai tươi sáng hơn.

Mai Khôi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.