Xuân Bính Thân 2016

Kỳ thú nghề xây chùa của các nghệ nhân người dân tộc Khmer

Thứ Năm, 28/01/2016 | 09:59

Những tháng cuối năm cũng là “mùa” các bậc thầy về kiến trúc văn hóa Angkor tập trung xây dựng chùa chiền chuẩn bị cho lễ hội. Họ không đơn giản là những thợ hồ, mà còn là những nghệ nhân lặng lẽ bảo lưu văn hóa bằng cách kiến tạo nên những ngôi chùa Khmer độc đáo trên quê hương Bạc Liêu.

Trang trí cổng chùa Khmer ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: Phạm Đoàn

Chùa Khmer là những công trình kiến trúc hết sức cầu kỳ, hoa mỹ mang đậm phong cách Angkor. Với đồng bào Khmer, chùa là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Những tháng cuối năm khi người Kinh và người Hoa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thì cũng là lúc đồng bào dân tộc Khmer tập trung xây dựng chùa chiền để chuẩn bị cho mùa lễ hội.

Nghệ nhân thực hiện công đoạn sơn chân Phật. Ảnh: Đặng Quang Vinh

Những ngôi chùa của đồng bào Khmer trên đất Bạc Liêu nói riêng, Nam bộ nói chung hết sức lộng lẫy, nguy nga tạo nên nét văn hóa độc đáo. Xây dựng nên những công trình ấy là một kỳ công, đòi hỏi người thợ phải là những bậc thầy văn hóa dân gian Khmer. Nghề xây dựng chùa Khmer đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ cao của người thợ vì phần lớn những hoa văn, họa tiết đều làm thủ công. Bên cạnh đó, nghệ nhân còn phải am hiểu kỹ thuật đúc, do có nhiều chi tiết phải tạo hình bằng khuôn. Anh Trần Nơ Rin (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) làm thợ xây chùa được 26 năm, cho biết: “Để xây chùa thì phải chia thành từng phần khác nhau gồm: hàng rào, cổng chính, chánh điện, đắp tượng… Việc phân chia theo cụm kiến trúc sẽ giúp thi công dễ dàng hơn. Sau khi đổ khuôn thành phẩm thì đến công đoạn ráp vật mẫu. Kế tiếp là có những họa tiết không thể đúc được bắt buộc phải khắc tay và mỗi ngày chỉ khắc được 1 hoa văn. Sau cùng là công đoạn trang trí. Chùa Khmer nổi bật với nhiều màu sắc nhưng màu vàng thường là màu chủ đạo. Tất cả các điển tích đều phải phủ lên 3 lớp sơn gồm: sơn lót, sơn màu và phủ vàng. Khó nhất là việc đắp các tượng Phật và trang trí, vì nếu không biết được điển tích, không có tay nghề, người thợ sẽ tạo ra những sản phẩm lỗi và phải làm lại từ đầu”. Với những nghệ nhân xây chùa thì sự khéo léo và kiến thức văn hóa phải đặt lên hàng đầu!

Trong nắng xuân, những đỉnh tháp cao chót vót của các ngôi chùa vàng vươn lên lấp lánh. Theo những người thợ có tay nghề lâu năm thì kiến tạo nên những kỳ quan ấy luôn là người thợ có tay nghề giỏi nhất và phải chấp nhận đối mặt với nguy hiểm. Người thợ sẽ làm việc ở độ cao từ 20 - 40m trên giàn giáo. Nhìn những đỉnh tháp cao chót vót của ngôi chùa uy nghi lộng lẫy, nhưng ít ai biết rằng, chiếc cột ấy được điêu khắc hoàn toàn bằng thủ công.

Quá trình xây dựng một ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer thường trải qua rất nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ, nên yêu cầu phải có một đội ngũ thợ giỏi xuyên suốt trong quá trình xây dựng. Từ đó, những người thợ lành nghề về đảm nhiệm công việc xây dựng, đồng thời cũng đào tạo các thợ mới. Song, theo nghề xây dựng kiến trúc chùa Khmer không phải là chuyện dễ. Trung bình, một thợ theo học việc phải mất 3 - 5 năm thì mới có thể tham gia xây chùa.

Anh Thạch Đờ Rinh, một người theo học nghề vừa được lên thợ (ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) tâm sự: “Học nghề này khó lắm, đòi hỏi phải tập trung cao độ, làm việc nghiêm túc, phải học nhiều thứ, học hỏi ở nhiều người vì hoàn toàn dạy - học theo truyền thụ kinh nghiệm, ít có tài liệu sách vở. Tuy nhiên, nghề này rất thú vị, vì giúp mình biết được nhiều thứ. Đặc biệt, cái hay của nghề chính là học chung một thầy, nhưng khi ra nghề, mỗi học viên sẽ có một sở trường khác nhau, giỏi một công đoạn khác nhau”.

Với đồng bào Khmer, người thợ xây chùa được cộng đồng rất tôn trọng, vì họ là những người tôn tạo và lưu giữ văn hóa dân tộc.

Đoàn Phạm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.