Xuân Bính Thân 2016

Đôi chân nghị lực

Thứ Tư, 03/02/2016 | 09:25

Tôi tình cờ bắt gặp đôi chân ấy, gầy gò trên con đường quê nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, đầy đá sỏi. Nắng, mưa không làm chùn bước chân khao khát đến trường của cậu bé 12 tuổi vốn không được sở hữu đôi bàn tay và một bàn chân ngay từ ngày đầu đến với thế giới này. Miệt mài theo đuổi ước mơ đèn sách dù phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, Lê Hồng Công gợi tôi nhớ đến Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên dùng chân viết chữ.

Dù chịu nhiều khuyết tật, Lê Hồng Công vẫn cười tươi mỗi ngày. Ảnh: T.H

Góc học tập của Lê Hồng Công. Ảnh: T.H

Vợ chồng anh Lê Văn Vui và chị Nguyễn Ngọc Mít có 3 người con trai, Lê Hồng Công là con út. Công cất tiếng khóc chào đời không trọn vẹn vào năm 2003 khi thiếu hai bàn tay, một bàn chân, lưỡi bị tụt… Ham học từ nhỏ, Công xin được học mẫu giáo rồi lên lớp 1, đến nay là học sinh lớp 6C, Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân).

Một chân và hai tay không có bàn, phần còn lại của cánh tay teo nhỏ hơn bình thường nên những ngày đầu đến lớp, Công rất vất vả để viết những con chữ đầu tiên bằng khuỷu tay. Công không chịu cho cô giáo cầm tay mình tập viết, mà chỉ nhờ cô hướng dẫn cách viết, chấm các điểm để tự em nối lại thành những chữ “O”, chữ “C” tròn trịa. Khi luyện chữ là lúc cậu học trò đặc biệt này hứng thú nhất. Say mê và háo hức, em thường đứng nhiều giờ liền để nắn nót mà không hề biết mệt.

Người mẹ luôn chắt chiu mọi yêu thương cho đứa con kém may mắn - chị Mít không thể quên được cảm xúc ngày đầu tiên cõng con trai đến trường: sáng hôm đó trời mưa, vợ chồng tôi chạy vỏ lãi đưa con ra trường mẫu giáo xin vào học, tim tôi cứ phập phồng sợ cô giáo thấy con mình khuyết tật không nhận thì tan vỡ ước mơ non nớt của con. Đến khi nghe được câu nói “anh chị cứ để bé ở đây học với các bạn, hết giờ anh chị tới đón bé về”, tôi vỡ òa sung sướng, khóc mãi trên đường về, khóc vì con tôi bước sang bước ngoặt mới, một tương lai tươi sáng hơn.

Có được những bài học với nét chữ nắn nót, cùng những tấm giấy khen là chuỗi ngày kiên trì, gian khổ với người phải viết bằng khuỷu tay. Công đã cắn răng chịu đau đớn để mỗi một nét chữ một nhanh hơn, đều hơn cho kịp bài giảng của thầy cô. Bạn bè cùng lớp chỉ cần nỗ lực một, thì Công phải nỗ lực mười. Cơ thể khuyết tật, phải thường xuyên phẫu thuật, nhưng chưa hết đau là Công đã gượng dậy cầm bút. Cô Lưu Thị Diện, giáo viên chủ nhiệm lớp nói về Công bằng nhiều tình cảm: “Là học sinh khuyết tật đặc biệt nặng, nhưng Công đã biết vượt qua những mặc cảm tự ti thường tình để vươn lên trong học tập và cuộc sống".

Tết này, Công bước sang tuổi 13, tôi mong đôi chân em hãy tiếp tục vững bước cả trên đường học vấn lẫn đường đời.

Đình Hải

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.