Xuân Bính Thân 2016

“Bông hoa Sala” tỏa ngát hương thơm giữa cuộc đời

Thứ Năm, 28/01/2016 | 10:00

Đất trời đang hân hoan vào xuân, hoa Sala bắt đầu khoe sắc, tỏa ngát hương thơm trên khắp các làng quê phum sóc. Cũng như loài hoa dân dã mà rạng ngời này, đồng bào Khmer Bạc Liêu đang góp sức xây đời thêm tươi đẹp bằng tấm lòng tha thiết yêu quê hương.

Sư Trần Gươl dạy chữ Khmer cho trẻ em ở phum sóc. Ảnh: H.T

Ươm mầm tài năng

Trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, chăm bồi nguồn nhân lực vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào phum sóc cống hiến cho tỉnh nhà được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Theo thống kê, trong 5 năm qua có trên 80% cử nhân là con em đồng bào Khmer được các cơ quan, ban ngành trong tỉnh trưng dụng. Dưới sự “ươm mầm” của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức Khmer không ngừng được trui rèn năng lực, phẩm chất đạo đức và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Hoàng Đức Hậu từng nhận định: Trong thành tựu chung của Bạc Liêu hôm nay, đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Họ như những “bông hoa Sala” góp phần làm cho đời thêm tươi đẹp hơn. Chính vì vậy, công tác đào tạo, chăm bồi nguồn nhân lực là rất quan trọng, cần được tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Hoa Ry, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống là một nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong những năm qua, Bạc Liêu đã làm tốt công tác này để con em đồng bào phum sóc đóng góp sức lực và trí tuệ cho quê hương”.

Bác sĩ Sơn Vinh khám bệnh cho bà con dân tộc Khmer. Ảnh: H.T

Khoe sắc thắm giữa cuộc đời

Vào những ngày giáp Tết Bính Thân, chúng tôi có dịp tìm đến Trạm Y tế xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). Dù có hẹn với bác sĩ Sơn Vinh (Trưởng Trạm Y tế xã) từ trước, nhưng chúng tôi phải chờ đợi khá lâu vì bà con đến khám bệnh rất đông. Khi anh vừa tiễn bệnh nhân cuối cùng ra về thì đã quá 12 giờ trưa.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược Cần Thơ, chàng thanh niên Sơn Vinh với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ quyết định trở về quê nhà cống hiến. Mảnh đất Vĩnh Trạch nghèo khó nhưng giàu tình yêu thương đã níu giữ anh gần 16 năm nay. Đối với đồng bào Khmer, bác sĩ Sơn Vinh như một “từ mẫu” tận tụy vì sức khỏe nhân dân.

Đến chùa Bo Pha Ram (chùa Cái Giá Chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) giữa lúc mùa xuân đang về, lòng người thêm phấn khởi bởi sự “thay da, đổi thịt” của phum sóc. Trong không khí đồng bào tất bật đón tết thì những âm thanh vang vọng từ lớp học đánh vần của sư Trần Gươl làm cho mùa xuân thêm rộn ràng. Hơn 11 năm đứng lớp, sư Trần Gươl như “người lái đò” miệt mài đưa bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức. Đáng quý hơn, người “thầy giáo” ấy còn hết lòng giúp trẻ em dân tộc giữ gìn tiếng mẹ đẻ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào.

Khi nói đến lĩnh vực nghệ thuật của đồng bào Khmer, nghệ sĩ Sơn Thị Na Vy (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu) là cái tên được nhiều người yêu mến. Tuổi đời, tuổi nghề rất trẻ, song Na Vy lại luôn “cháy” hết mình với niềm đam mê nghệ thuật. Không chỉ là một nghệ sĩ múa và diễn xuất, Na Vy còn thử sức dàn dựng nhiều tiết mục nghệ thuật cho đoàn. Tại Liên hoan Khmer Nam bộ ĐBSCL 2014 - Hậu Giang, 3 tiết mục “Bạc Liêu, phum sóc hôm nay”, “Thành phố tôi yêu”, “Bạc Liêu vươn xa” do Na Vy dàn dựng đã xuất sắc đoạt giải B.

Bằng những cách cống hiến khác nhau, những con người ấy đã góp phần làm cho “vườn hoa” trên quê hương Bạc Liêu ngày càng rạng rỡ sắc màu.

Trịnh Hữu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.