Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ sáng tác - tại sao không?

Thứ Hai, 25/10/2021 | 17:50

Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT) cho những người hoạt động văn hóa - nghệ thuật có đủ điều kiện là hình thức tưởng thưởng xứng đáng, có tác dụng to lớn trong việc tạo động lực trong hoạt động nghệ thuật và cống hiến của các nghệ sĩ; tạo nên những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có chất lượng cao, có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, có một điều chưa hợp lý tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đó là danh hiệu NSND, NSƯT chỉ được xét trao cho các nghệ sĩ biểu diễn mà không xét trao cho nghệ sĩ sáng tác!

Đạo diễn Ngô Quốc Khánh - Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu (bìa phải) là người vừa sáng tác kịch bản, vừa tham gia biểu diễn các tuồng cải lương. Ảnh: H.T

Đề xuất danh hiệu cho nghệ sĩ sáng tác

Trong phiên thảo luận Tổ ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 23/10 về Dự thảo Luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi), tại điểm cầu Bạc Liêu, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khi phát biểu đều đề cập nội dung và thống nhất kiến nghị bổ sung xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có đủ điều kiện. Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của đông đảo văn nghệ sĩ Bạc Liêu và giới văn nghệ sĩ nói chung.

Nhớ về một thuở chưa xa, trong “biên chế” của một đoàn nghệ thuật phía Nam (và dường như không riêng ở miền Nam?) thường có một nghệ sĩ sáng tác, được người trong nghề trân trọng gọi là thầy tuồng. Các thầy tuồng sẽ tùy vào thực tế những đào, kép - tức những nghệ sĩ biểu diễn trong đoàn để “đo ni đóng giày”, soạn ra những tuồng tích phù hợp, tạo nên “đất diễn” phù hợp sở trường cho mỗi đào, mỗi kép ấy… Như vậy, ở rất nhiều trường hợp, những nghệ sĩ sáng tác còn là bậc thầy của những nghệ sĩ biểu diễn. Mà nếu do tuổi đời, tuổi nghề và thành quả hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ sáng tác không là thầy của nghệ sĩ biểu biễn, thì hai đối tượng nghệ sĩ ấy (sáng tác, biểu diễn) cũng là hai yếu tố không thể tách rời trong hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Trong thực tế, số người vừa có khả năng sáng tác, vừa có khả năng biểu diễn không phải là số đông, nếu không muốn nói là rất ít!

Tôn vinh đóng góp của người nghệ sĩ

Những người yêu văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu ca vọng cổ và yêu mến nghệ thuật sân khấu cải lương đều biết, NSND - soạn giả Viễn Châu là người có công lao to lớn sáng tạo ra tân cổ giao duyên từ những năm 1960 của thế kỷ XX. Vậy nhưng, danh hiệu cao quý NSND (trước đó là danh hiệu NSƯT) không phải đã được trao cho soạn giả Viễn Châu - một nghệ sĩ sáng tác, mà là đã được xét trao cho nghệ nhân đờn tranh Bảy Bá (tên gọi khác của ông) - một nghệ sĩ biểu diễn.

Ở tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua đã có một số nghệ sĩ được trao danh hiệu NSƯT và tất cả đều xứng đáng. Đó là những nghệ sĩ biểu diễn, đã có nhiều cống hiến cho văn hóa - nghệ thuật của nước nhà, của văn hóa truyền thống dân tộc, của nghệ thuật sân khấu cải lương… Người đầu tiên ở Bạc Liêu được nhận danh hiệu vinh dự ấy là NSƯT Khưu Minh Chiến. Khi đang là Trưởng Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, NSƯT Minh Chiến đã đề cập về bất cập này. Khi ấy, cảm nhận của người viết là niềm băn khoăn của giới nghệ sĩ Bạc Liêu, vì sao bậc thầy của mình - soạn giả Trọng Nguyễn, một nghệ sĩ sáng tác lớn, lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT? Trong khi những vở cải lương do ông soạn ra, các học trò của ông biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương Vàng, huy chương Bạc - điều kiện quan trọng để làm cơ sở xét và đã được xét, được trao danh hiệu NSND, NSƯT!

Đại biểu dân cử và cử tri tỉnh Bạc Liêu cùng giới nghệ sĩ đang rất hy vọng kiến nghị về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ sáng tác sẽ được xem xét và chấp thuận.

Nguyễn Huy Thái

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.