Văn hóa - Nghệ thuật
Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Khmer
Những năm gần đây, việc gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Khmer ngày càng được tỉnh quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh còn tích cực thực hiện xã hội hóa trong công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Cũng như các dân tộc anh em trên quê hương Bạc Liêu, đồng bào Khmer sở hữu một “kho tàng” văn hóa vô cùng độc đáo. Hàng năm, phum sóc đều tưng bừng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Chôl-Chnăm-Thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc, đua ghe Ngo… Những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần người dân, tăng cường tình đoàn kết, giao thoa văn hóa giữa cộng đồng dân cư. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy sức sống văn hóa dân tộc Khmer trong đời sống hiện đại. Song hành với những mặt tích cực thì việc thường xuyên tổ chức lễ hội cũng gây khó khăn cho các địa phương, chùa Khmer về bài toán kinh phí. Nếu tổ chức tiết kiệm thì không tạo được sinh khí rộn ràng, chưa phát huy tối đa những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, còn làm rình rang thì nhiều nơi lại không đủ sức.
Đồng bào Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) đóng góp xây dựng các hạng mục công trình chùa Ghositaram. Ảnh: H.T
Trước thực trạng này, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã tích cực thực hiện xã hội hóa bảo tồn di sản văn hóa. Trước khi tổ chức hoạt động văn hóa, chính quyền địa phương và Ban trị sự chùa Khmer tiến hành vận động, kêu gọi sự đóng góp từ đồng bào phật tử. Còn trong những ngày diễn ra lễ hội, phật tử đến chùa chiêm bái cũng không quên thể hiện tấm lòng với mong muốn xây dựng ngôi chùa ngày càng hưng thịnh. Bà Lâm Thị Suôl (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) bày tỏ: “Được Ban trị sự chùa vận động, chúng tôi rất sẵn lòng góp sức, góp của để các lễ hội truyền thống diễn ra trang trọng. Từ chỗ được vận động mà phật tử ngày càng tự nguyện chung tay với chùa bảo vệ những nét đẹp, phong tục văn hóa cổ truyền của cha ông. Tôi nghĩ rằng, đó là trách nhiệm, bổn phận mà mỗi người dân phum sóc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài”.
Không chỉ giàu bản sắc văn hóa, các phum sóc còn nổi tiếng với những ngôi chùa có giá trị lịch sử hào hùng và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc. Theo thời gian, nhiều ngôi chùa Khmer cổ kính đã xuống cấp, gây trở ngại trong vấn đề sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của phật tử. Để khắc phục những khó khăn này, nhiều chùa đã đề xuất được hỗ trợ trùng tu, nâng cấp. Theo đó, hàng năm, các ngành chức năng đã kịp thời rót vốn duy tu những công trình này, nhưng do kinh phí có hạn nên không đáp ứng hết nhu cầu thực tế. Không “ngồi chờ sung rụng”, nhiều chùa Khmer đã “tự lực cánh sinh” bằng cách huy động sức mạnh nội lực địa phương. Với những đóng góp to lớn của đồng bào Khmer, các hạng mục, công trình kiến trúc đã được sửa chữa, xây mới. Điển hình như chùa Bupharam (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) vừa khánh thành các công trình: cổng chùa, ngôi sala, nhà bảo tồn ghe Ngo. Hay chùa Serey Pothimengkol (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) cũng mới đưa vào sử dụng ngôi giảng đường, khu ẩm thực… Đại đức Thạch Thái, Trụ trì chùa Hòa Bình cũ, cho biết: “Kể từ khi thành lập đến nay, đồng bào Khmer luôn sát cánh cùng Ban trị sự trong vấn đề xây dựng các hạng mục, công trình chùa. Nhờ vậy, chùa ngày càng khang trang, phục vụ tốt văn hóa tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của phật tử gần xa”.
Ngoài việc tổ chức lễ hội, xây dựng các công trình, công tác xã hội hóa còn được thực hiện ở nhiều khía cạnh khác như: mở lớp dạy song ngữ Việt - Khmer cho học sinh; đầu tư trang phục và nhạc cụ cho các đội văn nghệ; thi đấu thể dục - thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa… Thiết nghĩ, đây là cách làm hay, giúp giảm bớt gánh nặng đầu tư của Nhà nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào của đồng bào Khmer trong việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trịnh Hữu
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025