“VUN GỐC” ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ Sáu, 05/05/2023 | 16:22

>> Bài 2: Dấu ấn cốt cách Bạc Liêu

Bài cuối:  “Của để dành” - Hành trang phát triển

Khi đã vun gốc vững, cây muốn vươn nhanh cần có đôi tay cần mẫn chăm sóc. Ở Bạc Liêu, “đôi tay” ấy là những trăn trở vạch đường hướng và hành động bằng tâm huyết: Hiện thực hóa khát vọng phát triển với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Truyền thống cách mạng hào hùng, nơi được ví như “chiếc nôi” của nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể... chính là “của để dành”. Người xưa đã “để dành” thì người nay phải dụng vốn mà làm giàu.

Sức đề kháng từ văn hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng nghĩa với phải đối mặt với “cuộc chiến” giữa những giá trị tốt đẹp và hệ lụy tiêu cực ngoại lai có nguy cơ xâm lấn. Các thế lực thù địch, phản động với chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa; cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn… Đây là lúc đòi hỏi vai trò của “cội rễ” văn hóa - hệ giá trị văn hóa dân tộc nói chung, những giá trị văn hóa bản địa nói riêng để tạo sức đề kháng và “soi đường cho quốc dân đi”...

Dọc hành trình mở đất và phát triển, đất và người Bạc Liêu đã định vị một lát cắt văn hóa đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh có truyền thống cách mạng hào hùng mà rất đỗi nhân văn với “hai lần giành chính quyền không nổ súng” (23/8/1945 và 30/4/1975). Đất hữu tình đón bước chân tài tử để trở thành một trong những “chiếc nôi” quan trọng của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Từ miệt Long An, nhạc sĩ Cao Văn Lầu về đây sinh cơ lập nghiệp rồi trong cái tình chung, riêng của mình mà sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” làm nền móng cho câu vọng cổ. Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Sáu Lầu, rồi Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng... đã cùng góp công cho ĐCTT trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xứ sở này còn lắng sâu hơn với điệu hò chèo ghe, Lý con sáo, điệu nói thơ Bạc Liêu. Rồi thì Bạc Liêu được khắp nơi biết đến qua giai thoại Công tử Bạc Liêu, nơi có những phong tục, tín ngưỡng độc đáo gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa được du khách xa gần tìm đến chiêm bái…

Hun đúc lý tưởng sống đẹp cho thế hệ tương lai từ bề dày truyền thống cách mạng, tiếp tục phát huy mảnh đất màu mỡ giàu tiềm năng văn hóa, văn học - nghệ thuật bằng những tác phẩm đương đại mang tính nhân văn, gìn giữ chân - thiện - mỹ... chính là “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”, xây thành trì vững chãi, chống lại những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, bè phái; cốt lõi là tạo sự đồng thuận, hòa hợp “ý Đảng - lòng dân”... Đây cũng chính là cách khơi dậy khát vọng cống hiến của Nhân dân và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa bản địa thành sức mạnh mềm để phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022. Ảnh: M.Đ

Làm giàu từ “của để dành”

Trăn trở, cân nhắc rồi tâm huyết hành động và phải tạo sự đồng thuận trong dân, đó là phương cách chỉ đạo, điều hành của nhiều thế hệ lãnh đạo ở Bạc Liêu. Ứng xử với “của để dành” thế nào để phát huy câu chuyện làm giàu cho quê hương; trong muôn vàn khó khăn của một tỉnh có xuất phát điểm thấp, làm sao khơi thông cho hành trình phát triển. Đó là những câu hỏi thường trực.

Trước hết, Bạc Liêu luôn chú trọng bản sắc văn hóa địa phương, nhân tố con người, đúng như tinh thần Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ban hành cuối năm 2014. Như một sự đón đầu, Bạc Liêu đã nhìn được nhiệm vụ quan trọng ấy và xác định con đường phát triển quê hương là trọng dụng yếu tố văn hóa! Bạc Liêu làm sáng diện mạo xứ sở bằng nhiều công trình văn hóa trọng điểm, từ nhiều năm trước đó! 6/10 điểm du lịch (DL) tiêu biểu ĐBSCL của tỉnh đều mang đậm dấu ấn văn hóa: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài, Quảng trường Hùng Vương, chùa Xiêm Cán. Mỗi điểm có thể nói là một lát cắt văn hóa độc đáo tạo lợi thế cạnh tranh cho DL Bạc Liêu. Mới đây, Nhà hát Cao Văn Lầu còn được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn là một trong “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam”. Còn nữa, trong điều kiện ngân sách eo hẹp (phải ưu tiên cho những chính sách về an sinh xã hội chẳng hạn), Bạc Liêu xoay chuyển bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa; thành lập các quỹ khuyến học, đãi ngộ nhân tài; giải thưởng VH-NT Cao Văn Lầu; tìm hướng đi để những đặc sản nghệ thuật (chẳng hạn sân khấu cải lương, ĐCTT) có “đất dụng võ”…

Bạc Liêu đặc biệt quan tâm xây dựng phong cách người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp, phát huy tính phóng khoáng, hào hiệp, trọng tình xưa nay… Ân cần chỉ đường đi cho một du khách, bạn cũng đã là người Bạc Liêu thân thiện, dễ thương trong mắt người phương xa. Cho nên văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của người dân, văn hóa DL; ở tầm cao hơn và mang tính đầu tàu gương mẫu là văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị... tất cả đều được chú trọng. Đó là cách tạo nên sức hấp dẫn rất Bạc Liêu để phát triển kinh tế DL, mời gọi hợp tác đầu tư. Từ những chính khách, đến những đối tác, khách mời, du khách khi đến với Bạc Liêu đều chia sẻ rằng, thích thú một “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu” bởi những điều dung dị ấy. Đó chính là văn hóa trợ lực để phát triển kinh tế. Đúng tinh thần của các chủ trương về văn hóa của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. 

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT - Trần Duy Đông cho rằng Bạc Liêu đã thật sự trở thành “điểm sáng” thu hút đầu tư khi xếp thứ 22/64 tỉnh, thành trên cả nước. Dù vậy, tỉnh vẫn đối mặt với thách thức không nhỏ. Tỉnh xa các trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực và cả nước, phát triển kinh tế ít nhiều còn hạn chế, đội ngũ trí thức còn ít so với nhu cầu… Để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI), hiện thực hóa khát vọng trở thành một trong những trung tâm DL ĐBSCL, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, thì việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để mời gọi đầu tư được xác định là con đường duy nhất để phát triển.

Muốn biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành động lực phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục đón nhận “làn sóng” đầu tư mới thì văn hóa, con người Bạc Liêu phải là “thỏi nam châm”.

CẨM THÚY

Trong chuyến thăm và làm việc với Bạc Liêu cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính khẳng định Bạc Liêu có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Con người Bạc Liêu phóng khoáng, thân thiện, mến khách, cần cù, ham học hỏi, sáng tạo. Bạc Liêu có truyền thống văn hóa đặc sắc, là một trong những “cái nôi” của Đờn ca tài tử Nam Bộ. Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội trong vùng ĐBSCL, Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ, du lịch.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.