Vọng cổ: Giá trị và sự tôn nghiêm…

Thứ Tư, 20/07/2016 | 16:32

Vọng cổ là một loại hình nghệ thuật độc đáo. Từ những phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc thi, hội diễn về cải lương, vọng cổ… đã khẳng định một điều: câu ca vọng cổ không chỉ làm thổn thức trái tim người mộ điệu phương Nam mà còn làm đắm say cả những người con miền Trung, đất Bắc và cả khán giả ngoại quốc… Khi được cảm nhận đúng giá trị của mình, vọng cổ cũng cần một sự tôn nghiêm, cần thái độ trân trọng như trân trọng một loại hình nghệ thuật văn hóa của dân tộc…
Câu ca vọng cổ ngày nào nghe có vẻ “dân nhà quê” mới ái mộ, thích ca, giờ đây với những giá trị độc đáo tự thân, nó nghiễm nhiên chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng, từ người trong nước đến khán giả kiều bào nước ngoài, thậm chí là “dân Tây chính hiệu” cũng mê vọng cổ. Nói đến điều này, người viết bài nhớ có lần anh Tư Loan, một nghệ nhân đờn ca tài tử trong chuyến mang đờn ca tài tử “xuất ngoại” tham gia lễ hội dân gian Smithsonian tại Hoa Kỳ kể cho nghe trong niềm tự hào, chuyện những người phụ nữ nghe ca vọng cổ mà khóc sướt mướt rồi ra hậu đài sân khấu xin gặp mặt những người ca, chuyện một anh bạn người Mỹ mới quen, thạo chút ít tiếng Việt nhờ anh chép tay bản vọng cổ mà anh Ba Toại (thành viên của đoàn) vừa hát…

Tiết mục vọng cổ “Lời thơ cho con” được biểu diễn tại lễ khánh thành Tượng đài anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng gây xúc động nhiều người nghe. Ảnh: C.T

Vọng cổ và “hậu duệ” của mình - cải lương còn chiếm lĩnh sân khấu và lấy lòng của đông đảo giới mộ điệu khi thi thố và đứng cùng những thể loại nghệ thuật giải trí khác! Ngay những cuộc thi hiện đại như “Gương mặt thân quen”, vọng cổ và cải lương luôn được chú ý và hình như được ưu ái hơn: 2 lần thí sinh đoạt ngôi vị quán quân của hai mùa thi đều là những nhân vật của vọng cổ - cải lương, Hoài Lâm chọn thể hiện trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” trong hình tượng cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang; Bạch Công Khanh với trích đoạn cải lương “Kiều Nguyệt Nga” trong hình tượng “cải lương chi bảo” - NSND Bạch Tuyết. Ở một lĩnh vực nghệ thuật khác như tân nhạc, vọng cổ đôi khi cũng song hành và khẳng định được giá trị độc đáo của mình, không lạc lõng mà rất hòa điệu và tự tôn thêm giá trị của mình: Lâm Ngọc Hoa - quán quân cuộc thi “Solo cùng Bolero” mùa giải đầu tiên năm 2014 đã  thể hiện thành công tiết mục “Con gái của mẹ” không chỉ bởi sự ngọt ngào của chất giọng Bolero mà còn nhờ sự “xuất thần” của “câu vọng cổ khuyến mãi” bất ngờ! 
Ngày nay, vọng cổ đã được nhìn nhận rõ giá trị và đã được suy tôn bằng những cách thức khác nhau. Thế nhưng đôi khi, chính vì sự yêu thích, hâm mộ nhưng lại đặt sai vị trí mà sự tôn nghiêm dành cho câu vọng cổ đôi khi bị đánh mất. Đã nhiều năm qua, ca vọng cổ không chỉ là một hình thức thưởng thức nghệ thuật do nghệ sĩ ca diễn nghiêm túc, chuyên nghiệp trên sân khấu mà còn được “công chúng hóa” trong các cuộc ca hát mang tính giải trí, văn nghệ quần chúng, hát đám cưới, đám tang… Và “đối xử” với vọng cổ như thế nào cho đúng cũng trở thành câu chuyện được mổ xẻ khá nhiều, nhất là khi nó được cất lên lúc “trà dư tửu hậu”!  
Bản thân người viết bài này rất nhiều lần cảm thấy xót xa khi chứng kiến cảnh những bạn trẻ ca vọng cổ giọng chuẩn, hát rất hay, có em còn là diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn trước những tiệc nhậu! Cái sự xót xa như xót cho “tình đời” trước một loại hình nghệ thuật cao quý! Sẽ không có gì đáng xót nếu người mời muốn thông qua các em để thưởng thức một loại hình nghệ thuật! Thế nhưng, tiếng cụng ly chan chát, tiếng cười nói huyên thuyên đôi khi áp đảo cả lời ca trên sân khấu, chưa kể những cử chỉ bất nhã… Tất cả đem đến một cảm nhận rằng, đôi khi người ta mời ca để mua vui chứ không phải thật sự để thưởng thức. Lúc ấy quả thật tôi chỉ cảm thấy tội nghiệp cho câu ca vọng cổ và đáng thương cho những con người đang làm “kiếp tằm nhả tơ”… Đưa một tiết mục nghệ thuật như vọng cổ để trình diễn và cùng thưởng thức trong những tiệc vui không có gì đáng trách, nhưng rất nên học cách biết thưởng thức vọng cổ và đừng đặt người ca cổ ở vị trí, thân phận của những cô đào mang “kiếp cầm ca”, họ đang là người giữ gìn vốn quý của nghệ thuật dân tộc - dù chỉ bằng một câu ca vọng cổ… 
Bạc Liêu luôn tự hào là xứ sở “một trong những chiếc nôi của vọng cổ”, là mảnh đất ươm mầm tài năng nghệ thuật của những bậc tiền bối đã có công khai sinh và mở đường cho vọng cổ được rõ hình vóc như hôm nay, vậy thì lớp người kế thừa phải có trách nhiệm gìn giữ sự trong sáng và phát huy những tinh túy vốn có của câu vọng cổ. Câu vọng cổ cần sự tôn nghiêm và đặt để đúng chỗ, thưởng thức bằng tấm lòng yêu quý, trân trọng!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.