Văn hóa - Nghệ thuật
Vở cải lương “Giọt máu oan cừu”: Tái hiện khúc bi tráng một thời mưa bom bão đạn
Vẫn còn vài ghế trống khán giả do vở thi diễn vào buổi sáng, tuy nhiên đa số đã đến thì đều xem hết suất diễn, không bỏ về giữa chừng! Rồi những tràng pháo tay tán thưởng mỗi khi Đại úy Hoàng Anh (nghệ sĩ Lâm Minh Nghiêm đóng), bà Minh (nghệ sĩ Hoài Thương) dứt câu vọng cổ chạm cảm xúc khán giả bởi chất chứa tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, tình mẫu tử... Tất cả chứng minh “Giọt máu oan cừu” của cố soạn giả Trọng Nguyễn ít nhiều đã đem đến những vở tuồng ấn tượng cho Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đang diễn ra.
Màn kết đẹp của vở cải lương “Giọt máu oan cừu”. Ảnh: C.T
Làm mới cải lương cách mạng
Sau “Trước bình minh” (vở dự thi của Hội Sân khấu tỉnh) nhận được sự đánh giá cao của khán giả khi chào sân liên hoan thì “Giọt máu oan cừu” (vở do Hội Văn nghệ dân gian thi diễn) tiếp tục mang thông điệp về lịch sử đấu tranh cách mạng của một vùng đất đến với liên hoan năm nay. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Khưu Minh Chiến - đạo diễn vở “Giọt máu oan cừu”, chia sẻ: “Những vở diễn sân khấu cách mạng rất cần được tái hiện, dàn dựng lại sao cho phù hợp với khán giả hôm nay, để qua lăng kính nghệ thuật, khán giả hiểu được những thông điệp về ý chí đấu tranh bất khuất xuất phát từ tinh thần yêu nước của thế hệ đi trước”.
Cũng từ mục đích đó mà Hội Văn nghệ dân gian đã quyết định chọn dàn dựng lại vở “Giọt máu oan cừu” - một trong những vở cải lương làm nên tên tuổi của cố soạn giả Trọng Nguyễn từ những năm 1960, trong thời mưa bom bão đạn và gìn giữ vẹn nguyên giá trị cho đến bây giờ.
Nhìn lại mùa liên hoan trước (năm 2021) và các hội diễn, cuộc thi liên quan đến sân khấu cải lương, có thể nhận ra gần đây, nhiều vở về đề tài cách mạng đã được các đơn vị nghệ thuật trên cả nước chọn để biểu diễn. Điển hình như: “Cây sầu riêng trổ bông”, “Câu hò đất mẹ”, “Thành phố buổi bình minh”... Tại liên hoan năm nay là các vở: “Đồng chí” của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai, “Màu áo lính” của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Kiên Giang, “Người con của rừng tràm” (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An)…
Để có được nguyên tác kịch bản “Giọt máu oan cừu”, NSƯT Minh Chiến cho biết, ông đã tìm đến nhà con trai của cố soạn giả Trọng Nguyễn để tìm, và mất nhiều thời gian để “sưu tầm” diễn viên, nghệ sĩ, và cả khâu chọn lại những chi tiết đắt giá nhất của kịch bản nguyên gốc để đẩy thành cao trào trong vở diễn. Các vở diễn cách mạng hiện nay không kéo dài lê thê là phù hợp nhu cầu của người xem. Bên cạnh đó, chi tiết đắt giá cũng chính là “đất vàng” cho nghệ sĩ có cơ hội tỏa sáng.
Thành công là chạm đến trái tim khán giả
Có hai nguyên nhân khiến tôi phải đi - về quãng đường xa mất tầm 6 giờ đồng hồ để xem cho bằng được vở “Giọt máu oan cừu”. Thứ nhất, kể từ khi tôi thưởng thức vở do Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Minh Hải cũ) biểu diễn cách đây... vài chục năm thì chưa xem lại lần nào, đây lại là vở của người cố soạn giả mà tôi thần tượng. Thứ hai, một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên là mới đây, khi tôi tìm tư liệu phục vụ công việc viết lách, thì tình cờ đọc được một đoạn viết của nhà văn Phan Trung Nghĩa: “Khi tôi lớn lên, trở thành chàng thanh niên đứng ngơ ngác trước cuộc đời, bỗng nghe tuồng cải lương “Giọt máu oan cừu”, “Rừng thần”... rồi nhiều bản vọng cổ như “Ơn Đảng”, “Bên sông Vàm Cỏ” của soạn giả Trọng Nguyễn. Ông đã mượn làn điệu vọng cổ và bài bản cổ nhạc Bạc Liêu để chuyên chở những bi tráng của đất quê hương mang tặng cho đời. Tôi thổn thức, tôi hiểu đất này có được từ mồ hôi, nước mắt của cha ông dựng nghiệp từ nghèo khó, cơ nhỡ, họ phải đương đầu với áp bức, bất công của thực dân, đế quốc. Họ phải tiến hành cuộc đấu tranh trong mưa bom bão đạn để giữ đất, giữ nền độc lập dân tộc bằng máu và nước mắt”...
Xem, tôi càng thấm rằng đúng là “Giọt máu oan cừu” đã chuyển tải những bi tráng đó! Từ nhân vật Luân (Chí Ngoán đóng), một tá điền chỉ vì một con cá mà bị tra tấn mất mạng; là bà Minh điên loạn vì mất chồng, thất lạc con, nuôi ý chí căm thù rồi tham gia cách mạng; là đứa con thất lạc phải đầu quân cho kẻ thù nhưng trước tiếng gọi quê hương, tình mẫu tử thiêng liêng thì cuối cùng cũng khiến “giọt máu oan cừu” trở về với quê hương, đất mẹ...
Ngoài thông điệp đẹp mà vở cải lương này mang lại và tâm huyết của từng thí sinh tham diễn, sẽ khó đòi hỏi trình độ nghệ thuật và những gì thuộc về “tầm cỡ” chuyên môn hơn nữa để chiếm được điểm cộng từ hội đồng nghệ thuật. Bởi NSƯT Minh Chiến thổ lộ rằng, mình dựng vở tham dự liên hoan với những cái “không”: không kinh phí; nhân lực, vật lực, nghệ sĩ, diễn viên thì đi “lượm lặt”, có những người là bác sĩ, người là dân nuôi tôm, bán rau, trong ban đờn có cả người khiếm thị!
Dựng lại vở sao cho thông điệp gửi gắm và diễn xuất của diễn viên, nghệ sĩ chạm vào trái tim khán giả hôm nay về một thời cam khổ nhưng đầy quả cảm của cha ông trong quá khứ, thì được gọi là thành công. Nếu vậy, “Giọt máu oan cừu” đã thành công theo cách của mình.
Cẩm Thúy
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản