Văn hóa - Nghệ thuật
Vĩnh biệt soạn giả Yên Lang: Sống mãi những tuồng kiếm hiệp kỳ tình...
Tin từ quận Cam, tiểu bang California (Mỹ) chuyển về cho hay soạn giả (SG) tài danh Yên Lang từ trần sáng ngày 5/6, đã bao trùm một không khí tiếc thương cho giới mộ điệu cải lương cả nước. Vĩnh biệt người con ưu tú của quê hương Bạc Liêu, một tài năng lớn của sân khấu cải lương Việt Nam, nhưng có một điều chắc chắn là, những vở tuồng đi vào lòng người mộ điệu mấy mươi năm qua sẽ còn sống mãi với thời gian…
Nếu không có SG Yên Lang, sân khấu cải lương Việt Nam sẽ thiếu vắng những vở tuồng kinh điển mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, một thể loại được đông đảo khán giả ái mộ, từ cách đây hơn 50 năm cho đến tận bây giờ. Và không có SG Yên Lang, chưa chắc có nhiều tên tuổi nghệ sĩ cải lương Việt Nam được tỏa sáng và ghi đậm dấu ấn từ những vai diễn đã đi vào lòng công chúng mấy mươi năm qua. Nhiều nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương đã bước ra từ kịch bản của ông và tỏa sáng rực rỡ như: Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Sang, Tấn Tài… Có ai mê đắm nghệ thuật cải lương mà không biết đến người con ưu tú của quê hương Bạc Liêu này, bằng cái tài nghệ rồi bằng tâm huyết của mình, SG Yên Lang đã ghi những nét chấm phá vàng son vĩnh cửu cho nghiệp sân khấu. Có ai mê coi cải lương mà không thuộc nằm lòng những trích đoạn, ca từ đẹp như một phong cách “chỉ có Yên Lang”! Này là đoạn ca ly biệt giữa Tần Lĩnh Sơn và Hồ Bảo Xuyên trong vở “Đêm lạnh chùa hoang”: “(Nam) Bảo Xuyên ơi! Đêm nay giữa canh trường cô liêu, ta gối đầu trên đá tìm giấc mơ yêu, đắm hồn vào mộng liêu trai, để yêu em được trọn lòng, không ngăn cách bởi biên thùy. (Nữ) Sầu đêm này và ngàn đêm nữa đi, em vẫn yêu vẫn yêu một mình anh….”. Này là tâm sự thổn thức, nghẹn ngào của bách kiếm Vương Hồ Vũ và tiểu thư Phùng Cẩm Loan trong “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”: “Ở đây mùa thu có buồn lắm không, mà sao gió heo may mưa sầu như giục giã, tiếng chuông chiều văng vẳng vọng canh phu, như tâm tư nức nở của ngươi con gái nhỏ”… Khó phân tích cho trọn vẹn cái hay, cái đẹp, sự thâm thúy trong từng câu ca, lời thoại và những áng văn chương bất hủ đến cái rộng hơn là những tình cảm đẹp, nhân cách đẹp của mỗi nhân vật được bậc thầy Yên Lang gửi gắm trong từng vở tuồng! Chỉ biết rằng từ những nhân vật gần như giả tưởng, ông đã xây nên những tòa thành lộng lẫy của tình yêu với đủ đầy cung bậc, chiếm nhiều trong những vở cải lương của ông là những tòa thành tình yêu mang màu sắc bi ai nhưng toàn là những đoạn kết buồn mà đẹp, những mối tình đẹp bởi những mắt xích thường có trong tình yêu: yêu - hận - hy sinh và những điều bất tử trong tình yêu, ngay cả khi nhân vật đã nằm xuống…
Soạn giả Yên Lang gặp gỡ lãnh đạo tỉnh trong lần về Bạc Liêu vào năm 2013. Ảnh: C.K
Vâng, ngay cả khi vĩnh biệt “cõi tạm” này thì có những điều, những con người sẽ còn sống mãi với cuộc đời, bất diệt với thời gian, không gian. Họ đã đóng những tượng đài mang tên “thần tượng” vào lòng công chúng! Chắc rằng không có một bài viết nào, dẫu ngòi bút sâu sắc, tinh tế đến đâu vẫn không thể “tải” nổi hành trình cuộc đời, sự nghiệp, tài năng và những cống hiến của một bậc thầy sáng tác cải lương như Yên Lang. Được phong cho nhiều tên gọi mỹ miều như “SG tài danh”, “bậc thầy thể loại cải lương kiếm hiệp kỳ tình”… nhưng lắng đọng sâu sắc hơn cả trong lòng giới mộ điệu, đặc biệt là đối với người Bạc Liêu, đây là một vị SG sống và làm việc với một nhân cách đẹp, những tình cảm chân thành gửi vào mỗi vai diễn, ca từ, một con người trọn nghĩa vẹn tình với quê hương. Người ta đọc được điều đó rất chân xác trong từng vở tuồng ông đã chắp bút đồng thời cũng là chắp cánh cho nghệ thuật cải lương Việt Nam bay cao, bay xa và vĩnh cửu cùng thời gian.
Sau nhiều năm định cư ở Mỹ, lần trở về quê nhà Bạc Liêu cách đây hơn 3 năm, SG Yên Lang đã được lãnh đạo tỉnh và người dân đón tiếp bằng cả chân tình! Soạn giả Ngô Quốc Khánh vẫn nhớ như in lần vinh hạnh được gặp SG Yên Lang trong đời mình. Quốc Khánh nhớ lại: “Tôi gặp chú lúc chú còn rất khỏe. Khi biết tin tôi cũng tập tành sáng tác, chú vui lắm. Ấn tượng về SG Yên Lang trong tôi là một người cao - đẹp - phương phi nhưng rất gần gũi. Tôi ngưỡng mộ tài năng của SG Yên Lang và tôi tự hào khi nghiệp cải lương của mình đã khởi đầu bằng một vai trong sáng tác của ông - vở “Khi rừng thu thay lá”. Chất văn học trong tuồng của SG Yên Lang luôn làm lay động lòng người: “Chiều nay quê mẹ đầy mây trắng/ Rừng núi biên cương gió lạnh về/ Năm tháng trôi qua cơn nắng ấm/ Mẹ ngồi vá áo tiễn hoàng hôn”… Còn SG Lam Tuyền (con trai của SG Yên Lang) cũng chịu ảnh hưởng từ cha mình trong nghiệp sáng tác. Chỉ có khoảng 12 năm gắn bó, nhưng dòng sông quê Cầu Kè - Giồng Me đã ẩn hiện trong nhiều tác phẩm sau này của anh. Hy vọng rồi đây chất tài tử và tài nghệ của cha sẽ truyền cho thế hệ tiếp nối như anh để sân khấu cải lương sẽ có thêm những vở tuồng đặc sắc.
Vĩnh biệt một bậc thầy của cải lương Việt Nam, ta như nghe vang vọng những cung bậc bổng trầm đã làm thổn thức lòng người mộ điệu, từ những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước cho đến hôm nay và mai này. Tên tuổi Yên Lang sẽ còn sống mãi với đời khi những nhân vật của ông mãi còn trong lòng người mộ điệu, yêu cải lương làm sao quên được những Hồ Bảo Xuyên, Tần Lĩnh Sơn, Trần Tự Tâm, Bạch Thiên Nga, Vương Hồ Vũ, Phùng Cẩm Loan… Cảm ơn đất mẹ Bạc Liêu, miền quê với tên gọi bình dị Giồng Me - Cầu Kè đã sinh ra người con ưu tú làm rạng danh quê hương, góp những viên gạch quý xây dựng nền sân khấu cải lương Việt Nam thăng hoa ngàn đời!
Quỳnh - Trân
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025