Văn hóa - Nghệ thuật
Vĩnh biệt “Ông hoàng tuồng cổ”
Nói đến “Ông hoàng tuồng cổ”, giới mộ điệu cải lương biết ngay đến một trong số ít nghệ sĩ đã làm nên huyền thoại cho sân khấu tuồng cổ Việt Nam - Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh. Ngôi sao từng được mệnh danh là “Thần tài sân khấu” đã tắt lịm vào trưa 5/3 trong niềm tiếc thương của đồng nghiệp cùng đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Sự ra đi của nghệ sĩ Vũ Linh ở tuổi 65 cũng là mất mát lớn lao cho nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.
Với tài năng đặc biệt, khán giả và đồng nghiệp đã phong cho ông nhiều danh hiệu: “Ông hoàng tuồng cổ”, “Tượng đài của sân khấu cải lương”, “Thần tài sân khấu”… Sự ra đi dù đã được báo trước (do nghệ sĩ đã chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhiều năm qua) vẫn khiến mọi người xót thương vô hạn khi thêm một ngôi sao sáng của sân khấu cải lương vụt tắt.
Từ trưa hôm hay tin ông mất, tôi bắt đầu lật tìm tất cả những tư liệu về ông lúc đương thời và cập nhật rất nhiều bài viết bày tỏ tiếc thương khi ông vĩnh viễn rời cõi tạm, càng ngộ ra sâu sắc hơn những điều quý báu mà ông để lại cho đời. Đằng sau ánh hào quang sân khấu và sự hào hoa phong nhã của một anh kép điển trai, là cả một tâm huyết cháy bỏng dành cho sân khấu, nhất là đối với nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ. Xem những clip anh dạy học trò, không thể nhịn cười vì những lần anh giận hét lên, thậm chí là vung tay đánh học trò vì chỉ hoài một động tác mà trò làm không đúng. Mới hay, ông muốn đem tài năng bản thân, kinh nghiệm đầy máu lửa gửi vào từng động tác, cử chỉ, sự luyến láy… truyền cho hậu bối.
Trong tiếc thương vô hạn, người ta nhớ về con đường đầy hào quang cũng lắm gian truân của cậu bé Võ Văn Ngoan (tên thật của Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh) phải bỏ dở học hành lúc mới 13 tuổi để đi theo các gánh tuồng cổ học hát. Duyên nghiệp xui khiến ông thọ giáo “đệ nhất đào võ” Diệu Hiền và trở thành một trong những học trò sáng giá của bà. Năm 1991, Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi Triển vọng Trần Hữu Trang lần đầu tiên, trong 6 nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng thì Vũ Linh là nam nghệ sĩ duy nhất (cùng với Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền), nhận được nhiều bình chọn nhất với vở “Giũ áo bụi đời” (soạn giả Trương Quốc Khánh - Mộc Linh). Cuộc thi trở thành bệ phóng giúp Vũ Linh vươn đến vị trí ngôi sao hàng đầu của cải lương hồ quảng và được mệnh danh “Ông hoàng tuồng cổ”. Ông gắn bó với thời kỳ vàng son cuối cùng của cải lương (cuối thập niên 1980 - nửa đầu những năm 1990) với các vở tuồng cổ kinh điển như “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, “Xử án Bàng Quý Phi”, “Thần Nữ dâng Ngũ Linh kỳ”, “Chiêu Quân cống Hồ”…
Sau này, khi tạm xa ánh đèn sân khấu do sức khỏe và chủ yếu ông không muốn để khán giả thấy bộ dạng khác đi của mình, Vũ Linh đã trút hết tâm huyết truyền dạy tình yêu ca cổ cho thế hệ sau, nâng đỡ tên tuổi của một thế hệ nghệ sĩ trẻ như: Vũ Luân, Bình Tinh, Thy Trang, Lê Hồng Thắm…
Một trong những ngôi sao sáng giá của cải lương đã vĩnh biệt cõi đời sau hơn 40 năm gắn bó, cống hiến đầy tâm huyết cho cải lương. Sẽ còn mãi trong lòng khán giả là hình ảnh anh kép hồ quảng với chất giọng cao vút, diễn xuất phong độ đúng danh xưng “một tượng đài của sân khấu cải lương” mà khán giả và đồng nghiệp đã yêu quý dành cho ông.
Thúy Anh (tổng hợp)
- Bộ Công an nhắc lại yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan đến Công ty Công Minh
- Bạc Liêu triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều làm việc với Công ty Vinfast về chương trình chuyển đổi xanh
- Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình năm 2025
- Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh