Văn hóa - Nghệ thuật
Viết tiếp bài báo “Khi con ngựa đau…”
“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.
Bài viết này như một sự động lòng sau khi đọc bài báo “Khi con ngựa đau…” của tác giả Từ Tâm trên báo Bạc Liêu Online, ngày 10/4/2023.
Chị bạn của người viết, sau khi đọc bài báo “Khi con ngựa đau...”, nhắn rằng: “Đó giờ em không bao giờ dám coi mấy clip dạng này. Dù biết đó chỉ là hạt cát giữa thời buổi bạo lực học đường, nhưng không ngờ nó lại xảy ra ở Bạc Liêu mình. Xem cái clip, ám ảnh mấy ngày trời. Đau!”. Và, người viết nghĩ rằng, niềm đau ở thì hiện tại chắc cũng có nhiều cấp độ, nhất là đối với các bậc cha mẹ học sinh có con đang học tiểu học, THCS... Nhưng, nỗi lo ở thì tương lai nữa, sẽ là gì? Có lẽ, lo nhất là thái độ vô cảm của hậu duệ chúng ta.
Người viết đang nhớ lại câu chuyện “một con ngựa đau” ngày còn đi học. Hôm ấy, sau buổi lao động ở vườn chim, hơn một nửa lớp đi bộ ra vườn nhãn thăm M.L - một người bạn chung lớp bị bệnh, nghỉ học đã mấy hôm. Trời mưa tầm tã, cả nhóm vừa đi vừa chạy cho ấm; người viết và một anh bạn - V.V.L, còn vừa chạy vừa hát cho... ấm hơn! Ra thăm bạn khoảng 10 phút, cả đám cuốc bộ gần 9 cây số quay về nhà. Bài viết này nếu được đăng báo, cũng là lúc anh bạn “vừa chạy vừa hát” và gia đình tổ chức lễ Vu quy cho con gái của anh tại tư gia ở Cầu Sập, có sự tham dự của những “nhân sự” dầm mưa đi thăm bạn hôm bữa.
“Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” nên được thực hành một cách thực chất. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu) trong lễ khai giảng. Ảnh minh họa: C.T
Trở lại câu chuyện đang bàn. Khi một sự vụ, ví dụ câu chuyện đánh bạn xảy ra, ta thường hay thao tác theo lối “truy nguyên nguồn gốc” xem lỗi phải do đâu? Dẫu có “truy” kiểu gì, chủ thể chịu trách nhiệm, hay nói khác đi - những người bị quy trách nhiệm rốt cuộc vẫn sẽ là gia đình, nhà trường và xã hội. Rồi sẽ viện dẫn rất rất nhiều và chắc chắn những lập luận, viện dẫn ấy chỉ đúng mà chẳng có sai. Rồi sẽ đổ lỗi cho sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội. Dường như khẩu hiệu “Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” vẫn có lúc, có nơi mới chỉ là khẩu hiệu! Nhịp sống thường nhật dường như lôi cuốn các bậc cha mẹ lặn ngụp trong cuộc mưu sinh, duy trì các mối quan hệ xã hội để sinh lợi... Việc định hướng cho con em chỉ là vươn tới những mục tiêu “vĩ mô”. Những hạt giống tâm hồn gieo mầm thiện nơi mỗi đứa con mình chưa được chú ý đúng mức. Đau. Đau lắm, khi có một nhà giáo, từng giữ một vị trí lãnh đạo, quản lý khá lớn trong ngành Giáo dục, đã nghỉ hưu, nghiêm túc nói rằng: Nên bỏ khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn” đi, vì treo đó, sơn vẽ đó nhưng không chú tâm thực hiện, thực hành, thì không nên để làm gì!
Nhớ có lần, có vị đại biểu Quốc hội phát biểu về triết lý giáo dục ở diễn đàn Quốc hội khóa 14. Người đồng tình có. Nhưng cũng có người cho rằng đó là “chuyện trên trời”. “Chuyện trên trời”, vì nó không hiển hiện như tôm, như lúa, như điện sạch, như trồng cây xanh, phát quang bụi rậm hay cải cách thủ tục hành chính... Nhưng thử hỏi, một khi đạo đức xã hội xuống cấp, có phải là cần chờ cho cuộc sống mỗi người, mỗi nhà thật sự sung túc, xã hội ai cũng có của ăn của để rồi mới nói đến câu chuyện “giấy rách phải giữ lấy lề” hay không?! Không khéo, lạm bàn câu chuyện này riết, lại vấp phải cái vòng luẩn quẩn “quả trứng có trước hay con gà có trước”.
Nhưng, thiển nghĩ, có câu chuyện này không luẩn quẩn chút nào: Hai đứa trẻ đánh nhau. Hai bà mẹ dạy con mình theo hai triết lý khác nhau. Một bà mẹ dạy con và tự mình sống làm gương cho con theo câu “lấy ân báo oán”, đứa trẻ ấy sẽ có cách hành xử khác với đứa trẻ được bà mẹ dạy câu “ơn đền, oán trả”. Lại càng hữu hiệu khi thầy cô giáo, anh chị Tổng phụ trách Đội thật sự lấy học sinh là trung tâm, chú tâm vào hiệu quả môn Giáo dục công dân và truyền thụ kỹ năng mềm cho học sinh của mình. Và, khẩu hiệu “Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” ngày càng được thực hành một cách thực chất.
Nguyễn Văn Lành
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”