Vang xa từ những bài ca

Thứ Tư, 24/05/2023 | 15:28

Mong muốn hình ảnh về đất và người Bạc Liêu vang xa hơn nữa; bằng những giai điệu trữ tình mượt mà, sâu lắng của âm nhạc để quảng bá về vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng và chiều sâu từ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nơi đang vững vàng từng bước đi lên bằng những trụ cột thế mạnh của mình...

Đó là ý nghĩa, mục đích của Kế hoạch tổ chức sáng tác ca khúc mới về Bạc Liêu do UBND tỉnh vừa ban hành.

Sức mạnh của âm nhạc

Khi đất nước còn chiến tranh, âm nhạc được xem như một vũ khí, là những “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Thời bình, âm nhạc vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình. Những ca khúc có giá trị nghệ thuật và nhân văn có khả năng dưỡng nuôi nhân cách, và khi chuyển tải những bài học lịch sử, âm nhạc còn giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Sức hút một vùng đất để người ta ngưỡng vọng, muốn tìm về, cũng có thể từ những ca khúc cảm xúc đi vào lòng người!

Trong chuyến về Bạc Liêu cách đây hơn 2 tháng, đoàn cán bộ Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội) dẫn đoàn, đã có nhã ý về thăm Gành Hào (huyện Đông Hải) - một địa danh mà lâu nay nhiều người chỉ biết đến qua ca khúc “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Trò chuyện cùng lãnh đạo huyện Đông Hải, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Đằng sau văn nghệ sĩ chính là Nhân dân, cho nên khi văn nghệ sĩ yêu ai và viết về ai đó thì người đó có thể bất tử, không chỉ trong 10, 20, 50 năm mà có thể trăm năm, ngàn năm. Ví dụ, nói đến sư đoàn, quân đoàn anh hùng, nổi tiếng của quân đội Việt Nam phải nói đến Sư đoàn 320, 316... Nhưng bây giờ nhắc đến, nhiều người vẫn không biết! Vậy mà, nói đến Tiểu đoàn 307 thì ai cũng biết, là vì tiểu đoàn ấy ngoài chiến công gặt hái còn được nhà thơ Nguyễn Bính viết bài thơ “Tiểu đoàn 307” và sau đó nhạc sĩ Trần Đức Trí phổ thành ca khúc, thế là vang tới bây giờ, ai cũng biết. Còn bản “Dạ cổ hoài lang” của Bạc Liêu là nỗi nhớ chồng của người phụ nữ nói chung, nên sau đó qua bài “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, nhiều người mới xác định rõ hơn “Dạ cổ hoài lang” chính là sản phẩm tinh thần của Bạc Liêu. Trong ca khúc có những câu gọi đích danh Bạc Liêu: “Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng ai...”. Thế là qua một ca khúc mà ai cũng biết đến Bạc Liêu”.

Ngoài “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, có thể điểm lại những ca khúc nghe là người ta biết ngay đến Bạc Liêu như: “Bạc Liêu hoài cổ” và “Yêu cô gái Bạc Liêu” của nhạc sĩ Thanh Sơn, “Bạc Liêu quê tôi” của cố nhạc sĩ Thế Phương, “Đường ra biển lớn” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn...

“Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” là một trong những ca khúc “thương hiệu” của Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Kỳ vọng vào sáng tác mới

Nói về mục đích, ý nghĩa của đợt sáng tác ca khúc mới lần này, Giám đốc Sở VH-TT&DL - Trần Thị Lan Phương, cho biết: “Bạc Liêu là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch; tỉnh vốn có truyền thống về văn hóa - nghệ thuật, là nơi khai sinh bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tiền thân của bản vọng cổ và nghệ thuật cải lương ngày nay. Bạc Liêu còn là nơi hội tụ nét đẹp văn hóa đặc sắc của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa... Tất cả đã làm nên tính cách con người Bạc Liêu phóng khoáng, nghĩa tình và giàu lòng mến khách. Đợt sáng tác ca khúc mới lần này là nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa hình ảnh đất và người, tiềm năng phát triển của Bạc Liêu với bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân”.

Các ca khúc mang đậm chất nhạc truyền thống dân tộc, góp phần quảng bá về truyền thống cách mạng và văn hóa - nghệ thuật của tỉnh, những thành tựu đổi mới mà Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu nỗ lực, phấn đấu đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, tập trung phản ánh thành tựu đạt được trong triển khai thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời có cả những nhịp điệu sôi động, hiện đại thể hiện một Bạc Liêu năng động, sáng tạo phát triển. Mang ý nghĩa tạo nguồn tác phẩm âm nhạc mới nên các sáng tác phải đạt chất lượng cao về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật... Đó là một số yêu cầu đặt ra đối với hoạt động nhiều ý nghĩa này. Số lượng tác phẩm chỉ là dự kiến (gồm các ca khúc truyền thống, ca khúc âm hưởng dân ca và ca khúc nhạc trẻ, sôi động, hiện đại), bởi những đứa con tinh thần ra đời thế nào còn tùy vào sự cảm thụ về vùng đất, con người để tạo nên chất xúc tác và cảm hứng của người sáng tác (Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh mời các nhạc sĩ về Bạc Liêu thực tế sáng tác).

Thời gian công bố và ra mắt những ca khúc mới về Bạc Liêu dự kiến là tháng 12/2023 - mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt: Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại.

“Tận dụng được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ, là cái hay của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu” - là lời khẳng định của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sau những ngày lưu lại đất Bạc Liêu mến khách, nghĩa tình. Một kế hoạch cho những sáng tác mới về Bạc Liêu cũng là sự mời gọi, tận dụng trí tuệ và trái tim dễ rung cảm trước một Bạc Liêu gợi nhiều mỹ cảm để văn nghệ sĩ tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần chắp cánh cho đất và người Bạc Liêu vang xa hơn nữa.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.