Văn hóa - Nghệ thuật
Vang vọng điệu nhạc ngũ âm
Tiếp nối những nghệ nhân lớn tuổi, giờ đây lớp thanh niên Khmer ở Bạc Liêu lại đang tiếp tục ra sức gìn giữ, phát huy giá trị độc đáo của nhạc ngũ âm. Nhiều câu lạc bộ được thành lập, những lớp dạy nhạc ngũ âm lần lượt được tổ chức ở các chùa Khmer đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần làm cho giai điệu nhạc ngũ âm luôn vang vọng theo thời gian.
Đội ngũ âm Khmer Bạc Liêu trình diễn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc tại một sự kiện văn hóa của tỉnh. Ảnh: H.T
TỪ SỰ TIẾP SỨC CỦA NHÀ NƯỚC…
Cách đây 7 năm, UBND tỉnh đồng loạt hỗ trợ kinh phí cho 16 chùa Khmer tại TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Hồng Dân và TX. Giá Rai mua sắm dàn nhạc ngũ âm mới. Khi đó, dàn nhạc của nhiều chùa đã hư hỏng do quá cũ, còn một số chùa thì chưa có điều kiện để trang bị. Với sự tiếp sức ý nghĩa này, các chùa đã có điều kiện khôi phục, duy trì phong trào tập luyện, trình diễn nhạc ngũ âm để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer trong tỉnh.
Những năm gần đây, trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa - du lịch, tỉnh đã lồng ghép tổ chức các hoạt động đặc sắc như: Không gian trình diễn nhạc ngũ âm - di sản văn hóa đồng bào Khmer, Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer… Thông qua các hoạt động trên đã góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Bạc Liêu đến với bạn bè gần xa, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật đầy sáng tạo, hấp dẫn của người Khmer.
Ông Lý Vĩ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, Sở đang triển khai Dự án 6 của Trung ương về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, dự án dành 2 tỷ đồng để xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu bản sắc văn hóa Khmer tại chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu), trong đó có nhạc cụ ngũ âm; hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho 2 câu lạc bộ múa, trình diễn nhạc ngũ âm”.
… ĐẾN VUN BỒI TÌNH YÊU CHO LỚP TRẺ
Mới đây, lớp dạy nhạc ngũ âm được khai giảng tại chùa Cos Đôn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Lớp có gần 10 học viên là thanh thiếu niên nhà ở gần chùa, nhiều em đang còn là học sinh. Tranh thủ những ngày hè, các em đến chùa học nhạc cụ để vừa có sân chơi bổ ích, vừa góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống.
Những ngày đầu học nhạc, các em được nghệ nhân Lâm Thành Sol giới thiệu đặc trưng của từng loại nhạc cụ, tập làm quen với các loại đàn, trống. Sau khi nắm các kỹ năng cơ bản, các em được dạy chơi các nhạc cụ như: trống Sakho-thôm, trống Sakho Thum, Kha so-somphô, Kung Toch, Kung Thum, Chhưng, đàn Rô Neat Ek, đàn Rô Neat Thung…
Đại đức Dương Trung - Trụ trì chùa Cos Đôn, chia sẻ: “Việc mở lớp dạy nhạc cụ ngũ âm tại chùa nhằm tạo cơ hội cho các em phát huy năng khiếu, đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Từ đó, xây dựng thế hệ kế thừa để bảo tồn nghệ thuật truyền thống nói chung, phục vụ các dịp lễ hội của đồng bào Khmer nói riêng”.
Hiện nay, toàn tỉnh có nhiều đội, nhóm nhạc ngũ âm hoạt động sôi nổi, với nhiều thành viên là các bạn trẻ. Điển hình là Câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian Khmer chùa Giá Rai mới (TX. Giá Rai), đội ngũ âm Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (huyện Hòa Bình), đội nhạc ngũ âm chùa Dì Quán (huyện Hồng Dân)…
Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer nói chung, nhạc ngũ âm nói riêng được ví như hồn cốt của phum sóc. Cùng với hình ảnh những ngôi chùa Khmer lộng lẫy, nhạc ngũ âm là một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Khmer. Để bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nhạc ngũ âm, nhiều chùa Khmer đã và đang phát triển các đội, nhóm trình diễn, mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.
HỮU THỌ