Vài cảm nhận sau khi đọc bài “Ai đem con sáo sang sông”

Thứ Tư, 22/06/2022 | 16:51

Tôi rất cảm thán khi đọc bài báo “Ai đem con sáo sang sông” của tác giả Y Lan” trên báo Bạc Liêu (số ra ngày 25/9/2021). Chủ đề viết về Lý con sáo Bạc Liêu, trong đó có nhắc đến cá nhân tôi. Tôi mạo muội cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông tin liên quan đến bài Lý con sáo Bạc Liêu.

Tôi có dịp tìm hiểu, nghiên cứu bài Lý con sáo Bạc Liêu vào khoảng những năm 2009, 2010. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là tìm những tác phẩm văn hóa dân gian ở Bạc Liêu có dấu hiệu di sản phi vật thể để đề xuất lãnh đạo Sở VH-TT-TT&DL làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Bài Lý con sáo Bạc Liêu là một ca khúc được chúng tôi khảo cứu, in thành video và gửi về lưu trữ ở Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Bộ VH-TT&DL năm 2010.

Lý con sáo Bạc Liêu là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phan Ni Tấn, được sáng tác năm 1970. Đây là tác phẩm mang đậm chất dân ca Nam Bộ, mượn câu chuyện của đôi trai gái thanh mai trúc mã, mồ côi cha mẹ, nhà ở cạnh nhau, sống nương tựa nhau từ lúc tuổi thơ đến trưởng thành. Cả hai đều đam mê cung đàn tiếng nhạc. Nhà nghèo, chàng phải đi xa, dùng lời ca tiếng nhạc kiếm tiền để lo cuộc sống hai người sau này, rồi vô tình không quan tâm đến nàng. Sự vô tâm ấy của chàng trai cộng sự nhẹ dạ của người con gái quê mùa làm sao cưỡng được lời ong bướm của người xa lạ khác, thế là nàng đã quên lời hứa, theo chồng về xứ lạ. Ngày cô gái đi theo chồng, chàng trai đau lòng chết lặng.

Ảnh minh họa: Internet

Lời mở đầu là lời người con trai trách cứ nhẹ nhàng người con gái, mau quên dĩ vãng, quên cảnh ngộ cùng côi cút. Bạc Liêu, vùng đất chứng kiến kỷ niệm của hai người, nay cũng cám cảnh những chia ngọt sẻ bùi “Rồi thì sáo cũng sang sông/ Bỏ trong dĩ vãng, tấm lòng mồ côi/ Bạc Liêu cùng với qua mùi/ Nhớ thương em bậu, khóc mùi một phen”. Vào lời 1, cung bậc cảm xúc trào dâng mãnh liệt, thấu tận trời xanh, làm cho trời đất, cảnh vật cũng động lòng chia sẻ nỗi đau “À ơi ới à a à a ơi/ Trời mưa lâm râm ướt dầm bông sói/ Bậu đi lấy chồng sao chẳng nói qua hay”. Tiếp nối nỗi đau là sự trách cứ người con gái quên lời ước hẹn tại cây cầu Quay (cầu Kim Sơn) “Trách chi câu thề khi nào cầu quay nó hết quay/ Thì qua với bậu mới đứt dây cang thường/ Mà nay con sáo sang sông/ Sáo sang sông rộng theo người dưng về xứ xa”. Rồi chàng chợt nhận ra, cái gì cũng có nguyên nhân “Rồi thì sáo cũng bay xa/ Bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu”, tình yêu phải thường xuyên vun đắp, nuôi dưỡng, dù có bao nhiêu vàng bạc cũng không thể nào sánh được, tránh phải rơi vào nuối tiếc “Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều/ Tiếc thương em bậu chín chiều ruột đau”. Lời 2 bài ca, lại thể hiện nỗi đau của chàng trai càng nghe càng não lòng “À ơi ới à a à a ơi/ Trời mưa lâm râm ướt dầm bông sói/ Bậu đi lấy chồng sao chẳng nói qua ơi”. Rồi chàng trai tự dằn vặt: “Gió đưa con sầu lên bờ bù non bù nước khóc than/ Vì chân lẻ bạn mới ốm o cung đàn/ Tình bậu không muốn mang/ Gió lay bông tràm đêm nằm nghe sầu thắt lá gan”.

Câu cuối bài là làn điệu Lý con sáo Nam Bộ, đó là lời than thở gần xa, không còn trách cứ cô gái mà tự trách mình, lời ca chứa đựng sự lạc quan, chấp nhận sự thật, là bài học nhân sinh ở đời “Ai đưa cái kìa con sáo nó sang sông/ cho cái kìa con sáo sổ lòng bay xa”. Bài ca cũng là sự phản ánh tình đất, tình người của Bạc Liêu.

Tác giả Phan Ni Tấn sinh năm 1948 tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), nhưng lớn lên ở Ban Mê Thuột, cha ông là một nhạc công cổ nhạc gốc Long An, mẹ là người Huế. Hiện nay Phan Ni Tấn định cư tại Canada. Ông rất thích rày đây mai đó, những tác phẩm của ông hầu như đều lấy chất liệu cảm hứng từ những chuyến đi thực tế ấy. Vào năm 1970, khi còn là sinh viên, ông và một người bạn có dịp về miền Tây, đi qua từng địa danh quê nhà Cần Giuộc, Cần Đước, rồi Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau… Khi đi qua Bạc Liêu, chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng như chiếc cầu Quay, nghe câu ca vọng cổ, ghé qua cánh đồng muối, tức cảnh sinh tình, rồi chợt nhớ tới ông Cao Văn Lầu, sự tích bản “Dạ cổ hoài lang”, nhớ Công tử Bạc Liêu… Trên đường trở lại quê nhà, trong nhà trọ, nửa đêm ngỡ ngàng tỉnh giấc, mượn hình tượng và giai điệu Lý con sáo Nam Bộ, hòa huyện âm điệu hò, xang của bản vọng cổ đầu tiên... Cứ vậy, ông sáng tác điệu nhạc cho con sáo sổ lồng, bản Lý con sáo Bạc Liêu từ đó ra đời để nhớ về Bạc Liêu, nhớ ngày chạy băng qua cánh đồng muối xa xăm đầy kỷ niệm.

Thạc sĩ Lâm Thành Đắc

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.