Từ lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ V - năm 2016: Nghĩ đến việc bảo tồn nét văn hóa dân gian

Thứ Hai, 18/04/2016 | 17:12

Sau chuỗi hoạt động trong 5 ngày diễn ra tại lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ V - năm 2016 (gọi tắt là lễ hội), đã giúp Bạc Liêu rút ra nhiều kinh nghiệm trong cách tổ chức các hoạt động tương tự, đặc biệt là cách thức bảo tồn nét văn hóa dân gian.

Sức hút của lễ hội

Lễ hội do TP. Cần Thơ tổ chức chính thức khép lại trong hôm nay. Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Lê Văn Tâm, cho rằng: Với chủ đề “Đặc sản Nam bộ hướng đến hội nhập, lễ hội là dịp bảo tồn và phát huy các loại bánh dân gian, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân làm bánh. Đây còn là cơ hội để cải tiến hơn nữa về thương hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân trong và ngoài nước. Từ đó bánh dân gian Nam bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa ở các siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu ra thế giới.

Hàng trăm loại bánh dân gian của Việt Nam và ngoại quốc (như bánh Crepe của Thái Lan, bánh Roti của Mã Lai…) làm tăng thêm sự phong phú cho lễ hội. Trong hàng trăm đặc sản đó, những sản phẩm của Bạc Liêu chiếm nhiều cảm tình của đông đảo du khách. Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban giám khảo lễ hội đã đánh giá cao những loại bánh của Bạc Liêu đã thể hiện được tính dân tộc khi tham gia trưng bày, thi thố. Bánh gừng, bánh ớt là đại diện cho dân tộc Khmer, còn bánh tằm lá mơ thì thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Kinh Nam bộ…

Ban Giám khảo chấm điểm các loại bánh của Bạc Liêu tham gia lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ V - năm 2016. Ảnh: H.T 

Chưa bàn đến chuyện người dân có hiểu rõ mục đích, ý nghĩa hay không, nhưng nhìn vào lượng khách đến tham gia đã thấy thành công bước đầu của lễ hội. Một hoạt động nhỏ trong chuỗi hoạt động của lễ hội là đường chạy sắc màu MeKoLor đã thu hút gần 180.000 học sinh, sinh viên tham dự. Trước lễ khai mạc đã có nhiều hoạt động diễn ra, tuy vậy nhiều du khách không bỏ lỡ khi “hạ cánh” ở Cần Thơ đúng lúc để tham gia. Đây chính là điểm cộng đầu tiên cho lễ hội vì đã cung cấp thông tin kịp thời, rộng rãi, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước thông qua việc lập hẳn một trang web chính thức với lượng truy cập lên trên 51.500 lượt.

Lễ hội không những hấp dẫn du khách từ việc trưng bày hàng trăm loại bánh, mà còn làm cho họ thích thú khi trực tiếp “mục sở thị” cách làm những chiếc bánh đó như thế nào, đây cũng chính là một điểm cộng nữa cho lễ hội.

Bảo tồn nét văn hóa dân gian

Đến với lễ hội, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi được nhìn thấy và thưởng thức các loại bánh mang đặc trưng vùng miền. Người chưa biết thì tỏ ra ngạc nhiên, chẳng hạn như một du khách đến từ tỉnh Hậu Giang thắc mắc: “Bánh ớt có cay không?”…; còn người biết rồi thì phấn khích vì đã lâu rồi mới gặp lại loại bánh mình đã từng ăn. Cô Đồng Thị Mảnh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) bày tỏ niềm vui: “Mấy chục năm rồi tôi mới làm lại bánh tằm lá mơ. Lúc trước ở quê hay làm cho các con ăn, giờ tụi nó lớn rồi, thời gian lại không có, nên muốn ăn thì ra chợ mua. Bỏ lâu không làm, nhưng tôi vẫn nhớ nghề. Nếu Bạc Liêu có hoạt động nào để những loại bánh dân gian tiếp tục duy trì như thế này thì hay lắm”. Giống suy nghĩ với cô Mảnh, anh Nguyễn Thanh Toàn (người Bạc Liêu đến tham quan lễ hội) cũng bày tỏ: “Tôi nghĩ, nếu tỉnh nhà tổ chức hoạt động giống như vậy để bảo tồn bánh dân gian thì rất hay, để thế hệ trẻ biết được cách làm bánh đặc trưng của quê mình”.

Không chỉ “học” được kinh nghiệm về bảo tồn nét văn hóa dân gian (cụ thể ở đây là bánh dân gian), lễ hội còn giúp Bạc Liêu đúc rút được những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tương tự. Đó là, công tác thuyết minh về bánh dân gian tại các gian hàng trong lễ hội chưa được chú trọng nhiều. Khi du khách thích thú với loại bánh mà họ chưa từng biết, thì thông tin về nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa, nguyên liệu, cách làm… chính là điều họ muốn biết. Lễ hội bánh đã quy tụ các loại bánh dân gian của nhiều tỉnh, thành phố trong nước và cả nước ngoài là điều rất quý, song, nếu các gian hàng (kể cả Bạc Liêu) khắc phục được nhược điểm trên thì lễ hội sẽ trọn vẹn ý nghĩa hơn.

Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng miền là câu chuyện không phải của riêng một tỉnh, thành phố nào. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, có sự giao thoa giữa các vùng miền để cùng nhau tiến bộ, phát triển du lịch là nhiệm vụ không chỉ riêng Bạc Liêu, mà là của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

NGỌC TRÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.