TP. Bạc liêu: Khởi sắc từ phát triển du lịch

Thứ Sáu, 16/12/2022 | 16:04

Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh nên TP. Bạc Liêu có nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch (DL). Hiện nay, các loại hình DL văn hóa, DL tâm linh, DL sinh thái vườn và DL cộng đồng của thành phố đã tạo được ấn tượng mạnh với du khách xa gần.

Lễ hội Oóc-om-bóc của đồng bào Khmer được tổ chức tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

DU LỊCH KHÔNG NGỪNG TĂNG TRƯỞNG

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu và sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của các sở, ban, ngành tỉnh nên hoạt động của ngành DL trên địa bàn thành phố có bước phát triển rõ nét. Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) ban hành Nghị quyết 11 về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều công trình, dự án DL trên địa bàn thành phố được triển khai; chất lượng hoạt động của các cơ sở lưu trú ngày càng được nâng cao; số lượng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ DL được doanh nghiệp quan tâm đầu tư; các di tích lịch sử, văn hóa được công nhận đạt chuẩn cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn ngày càng nhiều; số lượng du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan ngày càng tăng…

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành DL của thành phố đã khởi sắc trở lại. Năm 2022, lượng khách đến thành phố tham quan, DL gần 2,4 triệu lượt, đạt 118% kế hoạch và tăng 87% so với cùng kỳ. Trong đó, có khoảng 900.000 khách sử dụng dịch vụ lưu trú, đạt 112% kế hoạch (tăng 80% so với cùng kỳ). Tổng doanh thu từ dịch vụ DL khoảng 2.300 tỷ đồng, đạt 104,5% kế hoạch (tăng 87,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu từ nhà hàng, khách sạn khoảng 950 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, (tăng 90% so với cùng kỳ).

Đến nay, thành phố có 9/10 điểm DL trong toàn tỉnh được Hiệp hội DL Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm DL tiêu biểu của vùng, 7 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh, cùng nhiều khu, điểm DL nổi bật như: Vườn chim Bạc Liêu, vườn nhãn, Thiền viện Trúc Lâm… Nơi đây còn có nhiều món ăn ngon mang nét đặc trưng: thanh nhãn, bánh xèo, bún bò cay…

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh ấy thì phải thẳng thắn nhìn nhận việc đầu tư khai thác phát triển DL của TP. Bạc Liêu còn chậm, chưa đúng mức; loại hình DL còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp, vẫn chưa tạo được nhiều nét mới, đặc trưng; một số loại hình DL còn chuyển biến chậm như DL vườn, DL sinh thái. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư cho DL còn ít; công tác vận động, thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp cho lĩnh vực DL, nhất là DL sinh thái vườn chưa nhiều, chưa có mô hình DL sinh thái, DL vườn nổi trội thu hút được du khách…

Doanh nghiệp Trần Vinh (Phường 3, TP. Bạc Liêu) đầu tư khách sạn hiện đại đạt tiêu chuẩn 4 sao phục vụ du khách. Ảnh: K.T

XÂY DỰNG NHIỀU SẢN PHẨM

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển DL, gắn với thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về “Xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại”, đồng thời phát triển ngành DL là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND TP. Bạc Liêu đã xây dựng Đề án chiến lược phát triển DL TP. Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đề án đã được triển khai sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân và bước đầu đã nhận được nhiều sự đồng tình, hưởng ứng cao từ cán bộ cho đến người dân.

Để thực hiện tốt Đề án, thành phố đã và đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm DL thu hút du khách. Trong đó, tập trung nhiều vào sản phẩm DL vườn nhãn Bạc Liêu. Đặt chỉ tiêu sẽ xây dựng khu vườn nhãn trở thành khu DL cộng đồng trọng điểm của thành phố gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều dịch vụ phong phú. Qua đó, phát triển sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh việc cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái, cải tạo mặt nước ao hồ thẩm mỹ để thả nuôi các loại thủy sản và động vật có giá trị để phát triển các khu DL vườn, DL đồng quê. Khai thác hệ sinh thái, cảnh quan của khu vực ven biển TP. Bạc Liêu. Tận dụng tối đa lợi thế về biển, rừng ven biển, vườn nhãn cổ để phát triển các khu nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, sinh hoạt cộng đồng, kết hợp với tham quan, trải nghiệm mô hình các trang trại sinh thái nông nghiệp (làm muối, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản…), thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào Khmer vùng ven biển. Đồng thời, gắn phát triển DL cộng đồng vườn nhãn Bạc Liêu với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào dân tộc thiểu số ven biển Bạc Liêu, đặc biệt là bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: dù kê, nhạc ngũ âm, múa apsara, múa rôm-vông, múa trống sa dăm, múa gáo…, và các lễ hội truyền thống như: Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc… phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.       

Đi đôi với việc xây dựng sản phẩm DL mới, thành phố cũng sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có để DL tiếp tục phát triển, đủ sức cạnh tranh và thu hút được khách DL trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ phục vụ DL; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ phát triển DL để kịp thời đưa vào sử dụng; kêu gọi những nhà đầu tư có đủ năng lực vào khai thác kinh doanh dịch vụ DL… Phấn đấu năm 2023, TP. Bạc Liêu sẽ đón 3,5 triệu lượt khách và doanh thu DL đạt 3.600 tỷ đồng.

Đỗ Ái Lam (Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.