Văn hóa - Nghệ thuật
Tổ nhạc của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu: Góp phần bảo tồn, phát huy sức sống âm nhạc dân tộc
Thời gian qua, các chương trình nghệ thuật quần chúng của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã không ngừng nâng cao chất lượng. Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của tất cả nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn thì tổ nhạc cũng có nhiều đóng góp quan trọng. Qua đó, góp phần mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với đời sống đồng bào Khmer.
Tổ nhạc của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu trong một buổi biểu diễn phục vụ đồng bào Khmer. Ảnh: H.T
Tổ nhạc được thành lập từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đoàn nghệ thuật Samaki Minh Hải (nay là Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu). Lúc bấy giờ, hoạt động của đoàn nói chung, tổ nhạc nói riêng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu nhân lực, trang thiết bị.
Sau khi tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, đội hình của tổ nhạc đã có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến đến chất lượng hoạt động. Để củng cố lại tổ nhạc, đoàn đã tìm kiếm, mời gọi nhiều nhạc công tài năng ở các phum sóc trong và ngoài tỉnh. Hiện, tổ có 6 nhạc công chính, trong đó có những người đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh. Phần lớn, họ là những người giàu kinh nghiệm trong hoạt động âm nhạc, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc.
Nhạc công Kim Văn Đồi chia sẻ: “Tại đây, tôi đã phát huy được sở trường trong chế tác, sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc phục vụ biểu diễn. Đặc biệt, tôi còn có thể phối nhạc cho các bài múa truyền thống... Mỗi khi biểu diễn nhận được những tình cảm yêu mến của khán giả là phần thưởng lớn nhất, tạo động lực để tôi cống hiến nhiều hơn cho nghề”.
Nhạc công Sơn Huỳnh Sai, Tổ trưởng tổ nhạc - Đoàn nghệ thuật Khmer tổng hợp Bạc Liêu, cho biết: “Âm nhạc được ví như “linh hồn” của tác phẩm nghệ thuật Khmer. Loại “chất liệu” này làm cho tiết mục thăng hoa, phản ánh chân thật diễn biến câu chuyện, thể hiện một cách sống động tâm lý, cảm xúc nhân vật. Muốn làm được điều đó, các nhạc công luôn tập luyện thật nhiều, nghiên cứu kỹ nội dung tiết mục, am hiểu sâu rộng về bản sắc văn hóa dân tộc và kết hợp nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ. Dù công việc rất vất vả nhưng anh em rất yêu nghề, lấy đam mê làm động lực để phấn đấu”.
Tin rằng, với niềm đam mê nghệ thuật và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc, tổ nhạc sẽ cùng với cả Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu sáng tạo thêm nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nền âm nhạc dân tộc Khmer.
HỮU THỌ
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8