Tổ ấm yêu thương…

Thứ Hai, 27/06/2016 | 16:19

Được xem là tế bào của xã hội, gia đình cũng là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Gầy dựng, vun đắp hạnh phúc trong mỗi gia đình không chỉ là chuyện riêng của mỗi mái ấm, mà đó còn là nhiệm vụ kiến tạo những viên gạch hồng đắp nền móng để xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp.
Để tôn vinh tầm quan trọng và vị trí của gia đình đối với xã hội, đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Dù mỗi năm mang chủ đề khác nhau, nhưng tựu trung lại, Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm là dịp để các cấp, các ngành, đặc biệt là các gia đình có dịp nhìn lại việc vun đắp hạnh phúc trong mỗi tổ ấm. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi gia đình Việt Nam đúng nghĩa là tổ ấm yêu thương của mỗi người. Tổ ấm ấy dưỡng nuôi nhân cách mỗi con người bằng chính tấm gương của người lớn dạy cho trẻ, tổ ấm ấy cũng là trường học đầu đời với những lớp học vỡ lòng rèn luyện kỹ năng sống, tạo nền tảng cho sự hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Làm sao để gia đình trở thành tổ ấm yêu thương là câu hỏi không dễ đưa ra lời giải đáp! Trước thời kỳ CNH-HĐH, một gia đình Việt Nam phù hợp với thời đại mới mà vẫn giữ gìn được những giá trị bản sắc văn hóa của gia đình Việt, đây là một việc không dễ dàng. Ông bà xưa nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” ngầm quy định nhiệm vụ kiếm tiền, chăm lo vật chất để tạo môi trường sống cho gia đình là thuộc về đàn ông, và đặt trọng trách gìn giữ hạnh phúc gia đình cho người phụ nữ trong nhà, nghĩa là chăm lo chồng con bằng tình thương yêu, sự vén khéo, làm sao để mỗi người cảm thấy gia đình chính là nơi trú ngụ an toàn và được thương yêu chân thành nhất! Nhưng ngày nay, kể cả việc xây nhà và xây tổ ấm đều đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của cả vợ lẫn chồng. Người vợ ngày nay đâu chỉ quanh quẩn ở góc bếp với nghĩa vụ nội trợ mà còn bôn ba chốn “trường đời” kiếm tiền để góp công cùng chồng “xây nhà”. Người phụ nữ vừa là người của xã hội, vừa là người của gia đình, giúp chồng xây đắp “nhà” về mặt vật chất, và xây “tổ ấm” bằng kỹ năng và trái tim yêu thương của người làm vợ, làm mẹ. Thế cho nên, đàn ông phải cùng vợ san sẻ, hỗ trợ vợ trong việc xây tổ ấm yêu thương, ở bên ngoài là người đàn ông của xã hội, về nhà phải trở thành rường cột trong nhà với những trọng trách không thể lơ là như cùng vợ dạy dỗ con cái, san sẻ công việc gia đình, quan tâm đến gia đình nhiều hơn...

Bữa cơm gia đình. Ảnh minh họa: B.T

Nhưng, tất cả sẽ chỉ là lý thuyết… suông nếu gia đình không được xây dựng trên nền tảng yêu thương, lòng tin và sự chân thành dành cho nhau! Sự đổ vỡ của những gia đình trẻ hiện nay là một báo động đáng trăn trở! Ngày xưa, chuyện vợ chồng “thôi nhau” người ta xem đó là chuyện “động trời”, nhưng bây giờ mới cưới nhau vài tháng, chưa kịp kết trái tình yêu, vợ chồng đã ra tòa ly dị không phải là chuyện hiếm, và nhiều người nhìn nhận hiện tượng này như một sự... bình thường, không hợp nhau thì “chia tay sớm, bớt đau khổ”. Xây dựng một mối quan hệ hôn nhân thì dễ, nhưng gìn giữ và tạo thành một tổ ấm yêu thương vững bền từ hôn nhân ấy là chuyện không dễ trong cuộc sống ngày nay. Yêu cuồng cưới vội, không hiểu nhau đã đến với nhau vì những lý do không bắt nguồn từ tình yêu chân thật, những cám dỗ đầy rẫy ngoài xã hội, những phút “xao lòng” quá đà, hay đề cao địa vị, vật chất mà hạ thấp vai trò và tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình, không ít người đã chấp nhận sự “đánh đổi”... Đó  là một vài trong vô số nguyên nhân phá vỡ những tổ ấm gia đình Việt Nam!
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” liên tục được chọn làm khẩu hiệu cho Ngày Gia đình Việt Nam những năm gần đây. Vì ở bữa cơm nhỏ ấy lại chứa đựng những chuyện lớn trong việc dựng xây, gìn giữ lửa ấm yêu thương trong mỗi gia đình. Ở bữa cơm ấy, tình yêu thương của người vợ, người mẹ đang gửi trong từng món ngon, câu chuyện kể của người lớn trong bữa ăn giúp con cháu học được những bài học làm người, những kinh nghiệm, kỹ năng sống đang được trao gửi lại, ngay cả việc ngồi ở vị trí nào, cư xử trong bữa ăn ra sao cũng là những ứng xử đầy văn hóa hình thành nhân cách cho mỗi người. Một bữa cơm gia đình, đôi khi lại không dễ có được trong nhịp sống hối hả như hiện nay. Bếp núc lạnh tanh vì vợ, mẹ bận họp hành; cơm hộp, cơm phần ở hàng quán thay cho bữa cơm gia đình là chuyện nhan nhản bây giờ, đó là thử thách để mỗi người, nhất là phụ nữ làm sao duy trì được “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Để gia đình trở thành tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam phù hợp với thời kỳ CNH-HĐH đất nước, đòi hỏi mỗi người tự nhận thức được tầm quan trọng của gia đình. Vun đắp cho sự nghiệp nhưng đừng chạy theo danh vọng, có thể địa vị, sự giàu sang làm nên sự uy nghi của một người nhưng gia đình mới thật sự là nơi “vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về” (nhạc phẩm “Ba ngọn nến lung linh” - nhạc sĩ Ngọc Lễ). Chính vì ở đó, ta mới cho và nhận sự yêu thương thành thật nhất dành cho nhau.
Cẩm Thúy 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.