Tiếp sức cho phát triển du lịch văn hóa Khmer

Thứ Sáu, 13/09/2024 | 16:41

Sở hữu những ngôi chùa Khmer có kiến trúc lộng lẫy, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, song việc phát triển du lịch tại các địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống của tỉnh còn chậm triển khai, chưa có một sản phẩm nào thật sự hấp dẫn. Vì vậy, việc tạo hình cho sản phẩm du lịch văn hóa Khmer là hết sức cần thiết để thực hiện tốt mục tiêu kép bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của phum sóc.

Kiến trúc lộng lẫy của chùa Xiêm Cán.

TIỀM NĂNG CHƯA ĐƯỢC ĐÁNH THỨC

Nhắc đến du lịch văn hóa Khmer ở Bạc Liêu, nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Bởi, đây không chỉ là ngôi chùa Khmer mang kiến trúc Ăngkor vô cùng đẹp mắt mà còn là điểm đến mang màu sắc riêng biệt trên cung đường du lịch ven biển TP. Bạc Liêu.

Đặc biệt, chùa đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu vào năm 2020. Nhằm bảo tồn văn hóa Khmer gắn với phát triển du lịch, Ban quản trị chùa đã củng cố, phát triển đội biểu diễn nhạc ngũ âm, đội múa Khmer để phục vụ các đoàn khách tham quan. Tuy nhiên, ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật thì chùa Xiêm Cán vẫn chưa có thêm những điểm mới đủ sức hấp dẫn du khách. Với sự đầu tư còn đơn điệu như vậy, hiệu quả hoạt động du lịch của chùa Xiêm Cán chưa tương xứng là điểm du lịch tiêu biểu của vùng, cũng như chưa khai thác nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào Khmer.

Tương tự, xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) là địa bàn giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Nơi đây có 3 ngôi chùa Khmer gồm: chùa Cù Lao, chùa Cái Giá giữa và chùa Cái Giá chót cùng nằm trên một con đường, với khoảng cách gần nhau đã tạo nên không gian văn hóa Khmer rất thích hợp để phát triển du lịch. Ngoài ra, tại 3 ngôi chùa còn thường xuyên diễn ra các lễ hội, hoạt động văn nghệ - thể thao rất đặc sắc. Dẫu vậy, không gian du lịch này đến nay chưa được đầu tư để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của đồng bào Khmer xã Hưng Hội.

Giải đua ghe Ngo trong tết Chôl-chnăm-thmây của đồng bào Khmer cần được khai thác để phát triển du lịch. Ảnh: H.T

KỲ VỌNG MỚI

Định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh là xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của đất và người Bạc Liêu, trong đó có văn hóa của đồng bào Khmer. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 121 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Điểm đáng chú ý của Kế hoạch là tỉnh sẽ thực hiện Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện sự chăm lo, tiếp sức của Đảng, Nhà nước để khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, các phòng nghiệp vụ về Văn hóa, Du lịch của Sở đang tích cực phối hợp với các chùa Khmer được Dự án 6 đầu tư để hỗ trợ xây dựng điểm du lịch. Trong đó sẽ hình thành nhà trưng bày văn hóa, khu bán quà lưu niệm, ẩm thực đặc trưng của người Khmer. Ngoài ra, dự án này sẽ dành kinh phí tái hiện, trình diễn 2 lễ hội đặc trưng của đồng bào Khmer là tết Chôl-chnăm-thmây và lễ hội Oóc-om-bóc để tạo nên những sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo.

Ông Trần Minh Tùng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Ở Đồng bằng sông Cửu Long, ít có địa bàn nào có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa Khmer như xã Hưng Hội. Phòng đã đề xuất với Sở VH-TT&DL xây dựng làng văn hóa du lịch tại khu vực này. Thời gian qua, trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn xã đã tích cực cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng nhiều tiểu cảnh, dịch vụ ăn uống, vui chơi và duy trì tổ chức các giải đua ghe Ngo vào các dịp lễ hội. Do đó, xây dựng làng văn hóa du lịch cần được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư để đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa Khmer”.

Từ những dự án, sự quan tâm đầu tư đang và sẽ được tỉnh triển khai hứa hẹn mang đến những “làn gió mới” cho phát triển du lịch từ tài nguyên văn hóa Khmer. Làm được việc này chính là hướng đi phù hợp nhất để văn hóa Khmer được giữ gìn và phát huy sức sống theo thời gian.

PHƯƠNG ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.