Văn hóa - Nghệ thuật
Tiếp nối “dòng chảy” nghệ thuật Đờn ca tài tử
Chọn một góc vườn có bóng mát rồi người mang đờn, người mang chiếu, người góp trái cây, bình trà, vậy là các nghệ nhân của Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử (ĐCTT) ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) đã có một buổi sinh hoạt thỏa thích theo kiểu cây nhà lá vườn. Chính sự đam mê theo cách mộc mạc nhưng mãnh liệt đó đã góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của âm nhạc tài tử trên đất Bạc Liêu…
Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp dạy 20 bản Tổ Đờn ca tài tử tại huyện Phước Long. Ảnh: H.T
TỪ NHỮNG LỚP TRUYỀN ĐAM MÊ
Dù ngày nay phong trào ĐCTT đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng “dòng chảy” của loại hình âm nhạc độc đáo này vẫn đang được ra sức tiếp nối. Bên cạnh những đội nhóm, CLB ĐCTT như ấp Mỹ 1 vẫn miệt mài duy trì các buổi sinh hoạt thì Bạc Liêu cũng tiếp tục tổ chức các lớp giảng dạy đờn ca để truyền đam mê. Có mặt ở lớp hướng dẫn đờn ca 20 bản Tổ ĐCTT mở tại huyện Phước Long, chúng tôi cảm nhận rõ niềm đam mê của các tài tử miệt vườn. Các học viên khi thì chăm chú lắng nghe nghệ nhân ca mẫu, dạo đờn, khi thì cất giọng ca theo những bài bản, điệu lý đã tạo nên bầu sinh khí đầy ắp sự đam mê. Trong số đó, có người là thành viên CLB ĐCTT xã, người là công chức phụ trách văn hóa, người là giáo viên dạy môn Âm nhạc ở các trường học. Có những người đã biết ca nhưng chưa đúng nhịp, không khớp với dây đờn và cũng có không ít học viên mới chập chững tập ca.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT năm 2024, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ mở 6 lớp dạy ĐCTT cho học viên của 7 huyện, thị xã, thành phố. Học viên được các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm truyền dạy ĐCTT cung cấp kiến thức cơ bản, dạy ca bản “Dạ cổ hoài lang”, các điệu thức của 20 bản Tổ ĐCTT và các điệu lý như: Lý Chiều Chiều, Lý Cây Bông, Lý Đất Giồng…
Nghệ nhân Thu Tâm chia sẻ: “Với yêu cầu đảm bảo học viên tham gia lớp đều nắm được kiến thức và từng bước hát tốt hơn, các nghệ nhân đứng lớp phải dìu dắt học viên đi từ những bước cơ bản. Đó là hướng dẫn cách xướng âm, tập ca những bài bản nhỏ, nắm các thể loại, nhịp trong ĐCTT. Ngoài ra, dạy phương pháp truyền đạt để học viên nâng cao kỹ năng chăm bồi, phát triển năng khiếu trong học sinh, thành viên CLB”.
Tổ chức các liên hoan, hội diễn là môi trường để tìm kiếm, chăm bồi cho lớp kế thừa đờn ca tài tử.
GIỮ NHỊP CHO PHONG TRÀO
Giữ nhịp trong trình diễn ĐCTT rất quan trọng, giữ nhịp cho phong trào ĐCTT cũng vậy. Với vị thế là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, Bạc Liêu là một trong số ít địa phương xây dựng, quy trì được câu lạc bộ ĐCTT tại mỗi phường/xã, khóm/ấp nhằm tạo sân chơi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn.
Tuy phát triển phong trào trong thế khó, nhất là thách thức bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống trong tình hình hiện nay, song tỉnh đã nỗ lực đưa ĐCTT vào sinh hoạt tại hệ thống thiết chế văn hóa, trong các trường học; gắn kết phong trào ĐCTT với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động ngoại khóa học đường. Tại TP. Bạc Liêu, các phường/xã đã hỗ trợ kinh phí cho mỗi CLB ĐCTT từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng để tiếp sức người dân gìn giữ tiếng đờn, lời ca.
Phát huy vai trò truyền nghề và kịp thời vinh danh những nghệ nhân có nhiều cống hiến cho ĐCTT, tỉnh đã hỗ trợ 25 nghệ nhân đủ điều kiện thực hiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh quy định chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân tham gia trình diễn ĐCTT ra đời đã tạo thêm động lực để các nghệ nhân tiếp tục sứ mệnh bảo vệ di sản của nhân loại, của đất và người Bạc Liêu.
Phong trào ở một số nơi phát triển theo hình thức tự phát, phần lớn các nghệ nhân đều lớn tuổi, kinh phí hoạt động chưa đảm bảo hay một bộ phận giới trẻ không thật sự yêu thích nghệ thuật truyền thống… là những cái khó chung để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT hiện nay. Tuy nhiên, với việc đã ban hành đề án cùng những chính sách trợ lực, hơn hết là tình yêu ĐCTT đã ăn sâu vào hơi thở người Bạc Liêu thì tin rằng di sản ĐCTT sẽ tiếp tục bền bỉ tỏa sáng.
HỮU THỌ
- Bộ Công an nhắc lại yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan đến Công ty Công Minh
- Bạc Liêu triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều làm việc với Công ty Vinfast về chương trình chuyển đổi xanh
- Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình năm 2025
- Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh