Thông tin giả và những hệ lụy

Thứ Sáu, 16/06/2017 | 16:22

Không thể phủ nhận những tác động tích cực từ sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng cũ và mới trong thời đại kết nối thông tin hiện đại. Truyền thông len lỏi vào tận ngóc ngách của đời sống xã hội, soi những góc khuất trong suy nghĩ, tâm tư của mỗi cá nhân. Nhưng khi truyền thông, bao gồm cả các loại hình báo chí và mạng xã hội, trở thành thứ không thể thiếu của con người thì cũng là lúc sự “hoành hành” của thông tin giả ngày càng dữ dội.

Điêu đứng vì thông tin giả
Thông tin giả, hiểu một cách đơn giản nhất, đó là những thông tin không có thật. Nhưng thông tin giả trên báo, trên mạng xã hội ngày nay còn phức tạp hơn thế. Đó có thể là kiểu “lập lờ đánh lận con đen” của nhà báo khi công bố thông tin không đúng bản chất của vấn đề hoặc chỉ mới “một nửa sự thật”. Đó cũng có thể là kiểu thông tin “thấy mặt mà bắt hình dong” với những định kiến rõ ràng từ tác giả hay sự gán ghép một cách cố ý những vấn đề không liên quan vào cùng một bản tin, từ đó điều khiển tư duy của công chúng theo một hướng tiêu cực.
Còn nhớ, vào năm 2014, khi Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu kết thúc, thông tin “Bạc Liêu chi 2.000 tỷ đồng tổ chức cho lễ hội” rộ lên trên mặt những tờ báo lớn nhỏ của cả nước, gây ra không ít bức xúc trong dư luận bởi rõ ràng Bạc Liêu là một tỉnh nghèo, nhu cầu đầu tư cho việc phát triển kinh tế - đời sống, chăm lo cuộc sống nhân dân còn cao nên không thể chấp nhận xài tiền theo “kiểu Công tử Bạc Liêu” như thế. Nhưng khi tỉnh Bạc Liêu chính thức phản hồi và thông tin được làm rõ thì mới hay con số 2.000 tỷ đồng là một phép cộng cơ học tất cả những nguồn vốn đầu tư cho các công trình phục vụ festival lẫn phục vụ đời sống xã hội lâu dài. 
Kiểu thông tin “lập lờ” như thế gần đây khá phổ biến. Thông tin về một vụ cướp và sau đó bắt được thủ phạm, người ta lôi ra “Bí thư xã X. bị cướp”, và sau đó “tên cướp xe Bí thư xã X. bị bắt”, cứ như chức danh Bí thư xã là một “miếng mồi ngon” của cướp lẫn báo chí! Rồi từ một bình luận hoàn toàn mang tính suy diễn, những tờ báo điện tử không ngại giật tít “sẽ cấm vĩnh viễn trên toàn quốc “Dạ cổ hoài lang”, làm cho không ít bạn đọc tin rằng điều đó đã trở thành sự thật chứ chẳng phải nghi vấn nữa!
Thông tin giả trên báo có thể ít vì dù sao cũng có cơ chế kiểm soát, riêng thông tin giả trên mạng xã hội thì… vô biên. Chính trị là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thông tin giả trên báo chí. Thông tin về “đoàn xe rầm rộ kéo nhau về nhà Chủ tịch Quốc hội” vừa đăng trên Facebook lập tức thu hút hàng lượt thích, chia sẻ, bình luận rồi sau đó mới vỡ lẽ là thông tin… giả, làm nhiều người, trong đó có cả nhà báo bị hớ! Cũng là đoàn “siêu xe” biển số xanh nhưng là xe… đồ chơi từng gây bão trên mạng với những bình luận đầy ác ý. Gần đây một vấn đề chưa rõ nội tình được các báo đồng loạt đưa mà không một lời giải thích và sau đó là chia sẻ tràn lan trên mạng với những dòng status nặng nề, thậm chí là xuyên tạc chế độ! Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia bất hòa, nghi ngờ dẫn đến căng thẳng về ngoại giao cũng vì thông tin giả. Tại các cuộc bầu cử mới đây ở Anh, Pháp, Facebook đã lên tiếng cảnh báo và xóa bỏ các tài khoản tự động phát tán các thông tin chính trị không chính xác.

Mạnh tay với thông tin giả
Sự “lộng hành” của thông tin giả đang mang đến những nguy cơ bất ổn với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều biện pháp hành chính đã được ngành chức năng áp dụng xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa thông tin giả, từ phạt tiền đến đình chỉ xuất bản báo, rút thẻ nhà báo. Với mạng xã hội, khi một số doanh nghiệp lớn rút quảng cáo khỏi YouTube vì bị xuất hiện trong các clip thông tin xuyên tạc, phản động… và đến bây giờ các doanh nghiệp này vẫn chưa quay trở lại, phía Google đã có cuộc làm việc với Bộ TT-TT. Theo báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử, tính đến đầu tháng 4/2017, Bộ đã yêu cầu YouTube hạ, chặn được hơn 1.100 clip có nội dung độc hại. Đại diện Facebook khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng khẳng định, tất cả những nội dung như tài khoản giả mạo, phỉ báng, tấn công thù địch, bôi nhọ lãnh đạo… sẽ không có chỗ dung thân trên Facebook và Facebook cam kết sẽ gỡ bỏ nếu nhận được thông báo về việc đó. Đó là một động thái tích cực cho thấy sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc ngăn chặn những thông tin giả.
Và không chỉ có Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu mạnh tay hơn với thông tin giả. Nước Mỹ vốn tự đề cao vấn đề tự do ngôn luận, gần đây đã thấm đòn trước tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên nền tảng mạng xã hội như các trang Facebook, Google và cũng bắt đầu tuyên chiến với thông tin giả. Chính phủ Malaysia còn từng xem xét cấm Facebook cũng vì sử dụng thông tin, hình ảnh giả để xúc phạm cá nhân. Một dự luật chống tin tức giả mạo, thất thiệt lan tràn trên Internet, nhất là trong các trang mạng xã hội đã được Nội các nước Đức thông qua và sẽ được trình lên Quốc hội vào mùa thu tới.
Tuy nhiên, cuộc chiến với thông tin giả hoàn toàn không đơn giản bởi những sự hạn chế trong vấn đề kiểm soát từ nguồn của các trang mạng xã hội. Trên lý thuyết, giải pháp cơ bản để ngăn chặn thông tin giả trên báo là mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo cũng như thực hiện đúng quy định đạo đức người làm báo. Nhưng với những áp lực thu hút công chúng để tăng lợi nhuận quảng cáo thì thông tin giả sẽ còn có đất để nảy nở trên cả những tờ báo in chính thống lẫn báo mạng điện tử. Vì vậy, sự cảnh giác và thái độ “quay lưng” một cách dứt khoát của công chúng sẽ là phương pháp hữu hiệu hơn cả để thông tin giả không thể sinh sôi. Và tất nhiên, vai trò quản lý của ngành chức năng luôn là quan trọng để đẩy lùi thông tin giả, góp phần tạo môi trường thông tin lành mạnh, bổ ích.
Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.