THỐNG NHẤT 20 BẢN TỔ ĐỜN CA TÀI TỬ: Dự án đầu tiên của chương trình hành động quốc gia về đờn ca tài tử

Thứ Sáu, 28/03/2014 | 17:41

Dưới sự chủ trì của Viện Âm nhạc Việt Nam, một hội đồng nghệ thuật âm nhạc đờn ca tài tử (ĐCTT) khu vực Đông - Tây Nam bộ và TP. HCM đã được thành lập để thực hiện dự án đầu tiên trong chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT - dự án thống nhất 20 bản tổ. Họ là những danh ca, danh cầm trứ danh của các tỉnh Đông - Tây Nam bộ và khu vực TP. HCM. Nói rõ về mục đích, ý nghĩa của dự án đầu tiên này, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, ông Trần Hải Đăng cho biết:

Ông Trần Hải Đăng.

Gọi nôm na là dự án, nhưng thực tế đây là chuyến điền dã về ĐCTT cũng như nhiều chuyến điền dã trước đây Viện Âm nhạc đã từng thực hiện về ĐCTT. Chuyến điền dã lần này có mục đích thu âm 20 bản tổ, các bản bắt buộc nằm trong hệ thống ĐCTT (bắc, hạ, nam, oán).

Với chủ trương ấy, Viện Âm nhạc chủ trì cùng với hội nghệ thuật của các tỉnh miền Đông, miền Tây, khu vực TP. HCM gồm những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ là những thầy đờn giỏi, như Ba Tu, Tấn Nhì, Thiện Vũ, Huỳnh Khải… thực hiện việc thu âm. Sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là dự án đầu tiên trong chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT, đây cũng là việc làm mà Tổ chức UNESCO quy định bắt buộc đối với di sản văn hóa thế giới được công nhận, phải làm sao để chứng tỏ được ĐCTT đã đi vào đời sống như hồ sơ đã trình bày trước UNESCO.

Buổi thu âm của hội đồng nghệ thuật âm nhạc đờn ca tài tử khu vực Đông - Tây Nam bộ và TP. HCM thực hiện tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T

PV:
Để có một tài liệu gọi là chuẩn xác nhất, thưa ông, việc thu âm 20 bản tổ lần này được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Hải Đăng: Thật ra lâu nay chúng ta đã từng thống nhất với nhau về 20 bản tổ trong âm nhạc tài tử rồi, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ là văn bản chữ viết, còn một tài liệu dưới hình thức thu âm băng đĩa để minh chứng sống động về việc thống nhất 20 bản tổ chưa có. Viện Âm nhạc là đơn vị có ý tưởng và là người đại diện thực hiện, còn cách làm của Viện là chúng tôi để cho các tỉnh tự chọn ra hội đồng nghệ thuật thực hiện việc thống nhất và thực hành 20 bản tổ trên nền thu âm. Họ là các danh cầm giỏi được chọn từ 21 tỉnh, thành. Việc thu âm sẽ được thực hiện ở 2 điểm Bạc Liêu và TP. HCM. Điểm ở Bạc Liêu sẽ do nghệ sĩ ưu tú Thiện Vũ (tỉnh An Giang) phụ trách thực hiện, nhóm sẽ thực hiện một số bài quy định bắt buộc trong 20 bản tổ (đờn và ca), nhóm còn lại sẽ tiến hành tại TP. HCM do nghệ nhân Ba Tu và nhạc sĩ Huỳnh Khải phụ trách.

Trước tiên hội đồng nghệ thuật phải xây dựng thành văn bản và thu âm dựa trên đúng văn bản ấy. Và để có được văn bản mang tính thống nhất cao, trước đó chúng tôi đã tổ chức cuộc hội thảo, nghĩa là Viện Âm nhạc đã có hành trình khá dài để thực hiện việc này. Những bài bản đã được xác định sẵn thành văn bản và việc ghi âm thực hiện đúng theo bản đờn ấy sẽ đem lại bản mẫu chuẩn xác nhất. Trên cơ sở vững chắc ấy, chúng tôi tin dự án sẽ thành công ở mức độ cao nhất!

PV: Ngoài việc thực hiện đúng theo quy định bắt buộc của tổ chức UNESCO, thì việc thống nhất 20 bản tổ theo ông còn có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với nghệ thuật ĐCTT hiện tại và trong tương lai?

Ông Trần Hải Đăng: Trước tiên, chúng tôi khẳng định, những người được chọn vào hội đồng nghệ thuật này rất vinh dự, đây là niềm vinh dự trong nghề. Gọi là dự án, nhưng chúng tôi thực hiện bằng tâm huyết là chính, vì đây là lần đầu tiên, chúng tôi tạo ra một hệ thống bài bản chuẩn xác và sinh động cho ĐCTT.

Với đĩa thu âm này, Viện Âm nhạc có chủ trương sẽ sản xuất hàng loạt, bằng nhiều hình thức như cho, biếu, tặng, bán… để phổ cập chương trình này, từ đó mọi người cùng nắm vững các bài bản tổ của ĐCTT. Cùng với đĩa thu âm, kèm theo sách hướng dẫn chữ đờn, người chơi nhìn văn bản và nghe đĩa là có thể chơi được. Theo tôi, đây sẽ là tài liệu vô cùng quý giá, đĩa tư liệu để đời mang lại ý nghĩa rất lớn cho hiện tại và mai sau. Lâu nay, ĐCTT thường được lưu truyền, dạy theo kiểu truyền khẩu, truyền ngón mà thiếu việc hướng dẫn kiến thức văn bản chữ viết đi kèm thực hành. Vì vậy, đây có thể xem là tiền đề để cho việc dạy âm nhạc tài tử sau này một cách bài bản, chỉn chu.

PV: Xin cảm ơn ông!

CẨM THÚY (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.