Văn hóa - Nghệ thuật
Theo chân người “ăn” ong
Vừa rồi, tôi theo chân anh Hải và chú Hổ - 2 thợ ăn ong ở huyện Vĩnh Lợi đi lấy mật. Mùa xuân trăm hoa đua nở cũng là thời điểm mật ong ngon nhất trong năm.
Chiếc xuồng máy đưa chúng tôi chạy ngược nước dòng kênh Vàm Lẽo. Dòng kênh là ranh giới tự nhiên giữa huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu). Phù sa đỏ au ngày đêm miệt mài bồi đắp, những nhánh bần vươn từ hai bờ ra giữa dòng, cộng thêm sự lấn chiếm của hàng ngàn cây mái dầm cùng đám bập bèo lô nhô đã cho con kênh này chỉ còn rộng hơn chiều dài chiếc xuồng. Chiếc xuồng đang lướt êm trên mặt nước, anh Hải chỉ tay vào một bụi cây bên bờ thuộc huyện Mỹ Xuyên, hỏi tôi có thấy gì không. Chăm chú nhìn theo hướng tay ảnh chỉ mà tôi không thấy gì khác biệt. Anh Hải cười và nói: “Một tổ ong mới, nằm cách mặt nước chừng nửa thước. Dân trong nghề mới thấy”.
Đi thêm chừng 5 phút, chiếc xuồng tấp vào bờ. Hai thợ ăn ong men theo bờ vuông nằm cặp kênh Vàm Lẽo đến cây bần có tổ ong mà họ sẽ lấy. Cả đàn ong bay ra bay vào quanh chiếc tổ chẳng khác gì một đám mây đen lúc trời chuyển mưa. Cả hai trở ra, chú Hổ đi vòng ra sau căn chòi lấy cái thang tre, còn anh Hải thì soạn đồ nghề ra. Mặc bộ đồ đi mưa, đội mũ bảo hiểm, rồi trùm cái túi lưới lên, kéo dài xuống tới bờ vai, 2 găng tay cao su thì đeo vào. Người đã kín bít từ đầu đến chân, anh Hải lôi ra 1 bó nhang có tẩm dầu gió để đốt. Một mùi hăng hắc tỏa ra. Bó nhang được gắn dưới cây bùi nhùi. Bỗng từ dưới kênh vọng lên tiếng vỏ máy. Chú Hổ liền kêu anh Hải vào căn chòi lánh mặt. “Tụi thằng Lợi cũng biết ăn ong. Để tụi nó thấy thì lần sau tổ này không còn”, chú Hổ giải thích.
Anh Hải khoe một phần tổ ong đầy mật vừa lấy được. Ảnh: N.Q
Tiếng vỏ máy vừa lướt qua, anh Hải xách cây thang, cầm theo cái xô trắng và cây bùi nhùi đi thẳng về chỗ cây bần có tổ ong. Gác thang lên thân cây bần, anh từng bước tiến sát tổ ong. Khói nhang tẩm dầu gió làm bầy ong khó chịu, bay loạn xạ. Sau một thoáng hoảng loạn, chúng vây lấy kẻ phá tổ. Không chần chừ, tay còn lại, anh cầm dao rọc đứt một phần tổ, bỏ vào xô và từ từ xuống thang, trở ra phía chòi. Nhìn giề mật ong vừa lấy, 2 người thợ đều cười mừng. “Tổ này già mật, lỗ gần trám hết, cả tháng mới được mật như vậy. Mật già có màu đỏ sậm óng ánh, tốt hơn mật mới”, chú Hổ nói. Lui xuồng, trên đường trở về, họ tấp vào bờ lấy nốt tổ ong nằm gần mặt nước.
Ong làm tổ trên nhiều loại cây, nhưng cây trâm bầu thì không. Thợ ăn ong cũng không giải thích được. Theo chú Hổ, mật ong ở đây tốt hơn vùng rừng tràm. Vì ong hút mật từ nhiều loại bông, mùa xuân thì hút mật bông mai, những tháng khác thì hút mật bông rau sam, bông bần, bông nhãn lồng, mùa rẫy thì bông đậu, bông bí... Riêng ong ruồi thích nhất là bông cây lứt.
Lần này lấy được kha khá mật, nhưng không ăn thua gì so với mấy lần trước. Có bữa được cả lít, nhìn mê. Anh Hải kể: “Cục mật vun khỏi miệng xô, cầm nặng trìu trịu, cầm lên là biết trì trở lại”. Lần lấy nhiều nhất lên đến hơn 3 lít mật. Dù có sướng mắt với tổ ong đầy mật hay tổ trắng ngấu, người thợ ăn ong cũng không cắt hết tổ 1 lần, mà cắt dưỡng, chừa lại chừng 1/3 để ong còn có chỗ ở, tiếp tục tái tạo phần tổ đã mất. Nói đến đây, chú Hổ như chùn xuống. Mắt chú đảo qua hai bên bờ kênh như tìm kiếm một cái gì đó đã xa xăm. Trước đây, ong làm tổ nối tiếp nhau dọc hai bờ kênh. Mấy năm nay, xa xa mới có một tổ. Kiểu cắt sạch tổ của nhiều người đã khiến ong tản đi gần hết. “Thiên nhiên cho mà không biết giữ, khai thác kiểu tận diệt, như xiệc điện bắt cá, cắt mất tổ ong thì sau này con cháu lấy gì mà xài”, chú Hổ nuối tiếc.
Văn Quốc
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Dâng hương, trồng cây tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao