Văn hóa - Nghệ thuật
Thạch Lam Phương: Vọng cổ là nguồn vui, lẽ sống…
Về phường 8 (TP. Bạc Liêu), nơi mái tôn nghèo nàn bên Quốc lộ 1A, ở đó bao năm qua có người con gái hàng ngày ngồi trên chiếc xe lăn nhìn đời qua khung cửa sổ. Số phận không cho chị một đôi chân khỏe mạnh để bước trên những nẻo đường quê hương, nhưng âm điệu của bản Dạ cổ hoài lang đã hun đúc cho chị một tâm hồn nghệ sĩ luôn thiết tha với nhịp đời thao thiết chảy. Chị đã chọn vọng cổ làm nguồn vui, lẽ sống ở đời…
Có thể nói, người con gái dân tộc Khmer - Thạch Lam Phương (ảnh) đã đến với việc sáng tác vọng cổ như một cái duyên được số phận sắp bày. Chẳng biết tự bao giờ chị đã yêu những câu vọng cổ mượt mà, tha thiết. Phải chăng từ lúc cơn sốt bại liệt trút lên thân phận của cô bé Lam Phương khi vừa tròn 5 tuổi. Học đến lớp 7, Phương phải nghỉ học vì mặc cảm, ở cái tuổi lẽ ra được rong chơi cùng chúng bạn thì chị lại quanh quẩn trong một góc nhà trên chiếc xe lăn với bao nỗi khó khăn và tủi hờn. Thế nhưng, từ những chương trình ca cổ được phát trên ra-đi-ô mỗi ngày đã giúp chị vơi đi nỗi buồn. Có lẽ, chất trữ tình, lãng mạn trong từng câu vọng cổ đã chạm đến tiếng lòng của chị và nâng dậy tâm hồn, chắp vá lại niềm đau để chị tin cuộc đời còn những gam màu tươi đẹp. Chị trải lòng viết những lời ca đậm tình về quê hương yêu dấu của mình: “Về với Bạc Liêu với đồng vàng biển bạc… về với Bạc Liêu với câu hò điệu hát, giữa buổi trưa hè ai cất giọng hoài lang” (Về quê anh); “Gành Hào hôm nay đã trở thành phố biển, đường sá lưu thông từ trung tâm về thị trấn, những chuyến tàu ra khơi chở đầy tôm cá theo về” (Gành Hào mãi một tình yêu)… Vậy mới thấy, ca từ trong các bản vọng cổ của chị luôn chứa đựng một tâm hồn tươi đẹp, một tình yêu quê hương tha thiết. Chị tâm sự: “Dù tôi không được đi nhiều nơi, nhưng tôi luôn gửi hồn mình trên những vùng quê tươi đẹp. Tôi đã tưởng tượng rất nhiều về sự thay đổi diện mạo làng quê nông thôn mới… và bao ý nghĩ đã thôi thúc tôi tìm đến từng trang sách và các phương tiện thông tin để có thể cảm nhận được hơi thở của quê hương mình…”. Từ đó, một trang mới của cuộc đời chị được mở ra khi những bản vọng cổ đầu tay đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM (VOH), như: Tình ca quê biển, Hương quê, Về quê anh, Khúc tự tình…
Năm 2014, Thạch Lam Phương đã thử sức mình qua cuộc thi “Viết về người phụ nữ Bạc Liêu” do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức và chị đã nhận về một phần thưởng tinh thần to lớn, điều đó giúp chị có thêm động lực để đi xa hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Không dừng lại ở những mảng đề tài tình yêu quê hương - đất nước, tình yêu lứa đôi, nữ tác giả trẻ Lam Phương còn vươn tầm sáng tác những bản vọng cổ với đề tài lịch sử như bản vọng cổ Phạm Hùng ca ngợi anh hùng Phạm Văn Thiện, bản Hoài niệm ngợi ca cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Những bản vọng cổ này đã được Đài PT-TH Vĩnh Long phát sóng và được khán thính giả nhiệt tình đón nhận.
Bằng sự nỗ lực hết mình để vượt qua nghịch cảnh cùng với lòng say mê lao động nghệ thuật, Thạch Lam Phương ngày càng vững tay trong sáng tác, tiếp nối những tác giả tài hoa làm đẹp thêm vườn hoa nghệ thuật của tỉnh nhà. Hy vọng tương lai không xa, người con gái hàng ngày ngồi bên khung cửa sổ sẽ được đi khắp quê hương như chị hằng mơ ước để phổ vào những bản vọng cổ giai điệu tự hào về sự đẹp giàu của xứ sở Bạc Liêu đang trên đường phát triển.
Cẩm Thi
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam