“Tết Trung thu đốt đèn đi chơi...”

Thứ Sáu, 09/09/2022 | 16:24

“Ủa, mấy lon bia hổm uống em để trong góc tủ, anh dọn đâu rồi?”. Ông xã tôi trả lời gọn hơ: “Cho mấy người thu mua phế liệu rồi!”, “Trời đất, em để dành làm xe lon...”. Thế là tôi vọt ra chợ gần nhà, nhất định mua 2 lon bia, về khui ra để lấy... cái xác làm lồng đèn xe lon...

Tếng leng keng của chiếc lồng đèn tự chế (dĩ nhiên là không đẹp như hồi nhỏ tôi được cha làm cho chơi) đủ sức hấp dẫn để thu hút đám con nít trong xóm kéo lại trước sân nhà. Tụi nhỏ hỏi nhóc con tôi “mày mua cái xe này ở đâu dị?”. Thằng nhóc nhà tôi nhanh nhảu đáp, “của mẹ tui làm đó”. Tụi nhỏ trầm trồ thích thú. Thích nhất là mỗi khi xe chạy, những vòng quay làm cho ánh sáng đèn cầy phát ra trong đó đổ bóng thành những vệt xoay tròn liên tục. Một thanh tre hoặc thanh trúc thẳng, dài chừng hơn 1 mét, một khúc dây chì đủ cứng để cột vào đầu tre và làm thành thanh trụ xuyên qua chiếc lon và một cái lon bia, dĩ nhiên quan trọng nhất là phải có một cây đèn cầy, thế là có chiếc đèn xe lon chơi cả mùa Trung thu.

Đèn cầy, lồng đèn bằng giấy kiếng (hoặc cũng có người tận dụng giấy màu, giấy bìa cứng) và xe lon là những thứ đã cấu thành cái tết Trung Thu lung linh đầy huyền hoặc trong tâm trí của mỗi đứa trẻ - tuổi của những đứa trẻ đó chắc trạc 40 - 50 trở lên, cỡ tôi bây giờ.

Trung thu tất nhiên phải nói đến bánh in. Trung thu thời mấy mươi năm trước, bọn trẻ thường là xuất thân trong những gia đình... thiếu ăn. Cho nên cái bánh in với loại bột cứng “chọi chó còn chết” (không biết ai đã ví von như thế này, mà thời chúng tôi, chắc các bạn từng nghe), thế mà những đứa trẻ ăn ngon lành. Cái bánh in không có nhưn đậu, nhưn môn, gọi là bánh in trắng. Vậy mà ăn ngon tới bây giờ vẫn còn nhớ được hương vị. Trung thu năm nào mà lớp có tổ chức cho học trò ăn bánh thì chúng tôi vui như tết. Đứa nào cũng nôn nao chờ đến Trung thu để được phát bánh cho ăn.

Đêm Trung thu. Ảnh: C.T

“Tết Trung thu đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường...”. Câu hát vui như đồng dao này y như là hát cho tuổi thơ chúng tôi thời ấy. Trung thu thời hiện đại bây giờ đa phần các em nhỏ được cha mẹ mua cho lồng đèn điện tử, với muôn hình vạn trạng. Chơi đèn loại này thì không lo xảy ra cháy lồng đèn, rồi chi phí cũng đỡ tốn hơn, một chiếc lồng đèn có thể chơi đến 2 - 3 năm. Thế nhưng tôi vẫn yêu cách chơi lồng đèn giấy kiếng của cái thời cầm lồng đèn đi khắp xóm giềng. Đêm Trung thu, trăng chưa kịp lên, mới chập choạng tối thì mỗi đứa trẻ trong xóm không ai hẹn ai, cầm chiếc lồng đèn rời khỏi nhà và hòa thành nhóm đi khắp xóm. Trên tay mỗi đứa là chiếc lồng đèn, trong túi áo, túi quần là thứ không thể thiếu: những cây đèn cầy xanh, đỏ, vàng. Không hiểu tại làm sao mà cho tới bây giờ, tôi vẫn thích những cây đèn cầy đủ màu sắc như vậy, dù đèn cầy màu đỏ (màu thường thấy của đèn cầy) vẫn thắp ra lửa đó thôi. Tết Trung thu là phải có đèn cầy, không chơi kiểu gắn vào lồng đèn thì đốt trên một khoảng sân rộng với thiết kế hình tròn, hình vuông, hình trái tim... Đứa nào có nhiều đèn cầy coi như chứng tỏ với mọi người ta đây là “đội mạnh”, rồi thì còn làm phách chia cho mấy bạn cùng chơi. Thích nhất cảm giác chia lửa mỗi khi có lồng đèn đứa nào bị gió thổi tắt. Từ loại lồng đèn “xịn xò” làm bằng giấy kiếng trang trí thêm bông gòn hoặc vẽ hình trên thân lồng đèn cho đến loại bình dân được chế bằng giấy bìa cứng, giấy tập... tất cả đều làm nên đêm hội trăng rằm vui nhộn. Không may, trong lúc chia lửa cho nhau hoặc chỉ cần chút lơ đễnh thì lồng đèn của đứa này, đứa kia phát cháy, thế là tụi còn lại reo hò, phá lên cười trong sự đau khổ của chính chủ. Sau đó, đứa có lồng đèn bị cháy phải chơi ké với chúng bạn, hoặc chỉ còn biết lấy đèn cầy dư kiếm góc nào đó đốt thành hàng rồi ngồi chơi dưới ánh nến lung linh. Đêm Trung thu của lũ nhóc thời ấy đầy kỷ niệm từ những trò chơi bình dị như vậy...

Trung thu lại về khi những gian hàng bánh trải dài trên nhiều con đường nội ô. Những chỗ bán lồng đèn sặc sỡ với âm thanh ò í e phát ra khiến đám trẻ nhỏ luôn vòi vĩnh cha mẹ khi đi ngang đó. Những chiếc lồng đèn hình Doraemon, công chúa Elsa, Bạch Tuyết... đang chiếm lĩnh thị trường. Nhưng, đâu đó vẫn còn những chiếc lồng đèn truyền thống của tôi và của Trung thu Việt, người làm loại lồng đèn này cũng muốn níu giữ nghề truyền thống như cách gìn giữ hồn cốt của Trung thu.

Thú thật, đến bây giờ đầu hai thứ tóc mà tôi vẫn còn nhớ cảm giác cầm đèn đi khắp phố phường như trong câu hát.

NHẬT QUỲNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.