Văn hóa - Nghệ thuật
Sức mạnh văn hóa - nguồn năng lượng cho văn học và nghệ thuật Bạc Liêu
(Trích tham luận của Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam tại Hội thảo “Thành tựu 50 năm sau ngày thống nhất đất nước: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển VH-NT Bạc Liêu”)
Cuộc gặp gỡ, giao thoa giữa các dòng chảy văn hóa ấy đã tạo nên “bản hòa thanh” tạo thành một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất, giàu bản sắc. Đây chính là nguồn dinh dưỡng phong phú, tạo nên sự đa thanh, đa sắc cho văn học và nghệ thuật (VH-NT) Bạc Liêu.
Từ nguồn năng lượng dồi dào...
50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, VH-NT Bạc Liêu được nuôi dưỡng từ nguồn năng lượng văn hóa dồi dào đó, đã không ngừng vận động, phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Văn nghệ sĩ Bạc Liêu, những người con được mảnh đất này dưỡng nuôi nhân cách, sưởi ấm tâm hồn, đã cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp nên thơ và hiền hòa của quê hương. Từ những cánh đồng hoang sơ xưa kia đến những đồng lúa, ruộng muối bạt ngàn, những vườn nhãn trĩu quả hôm nay; từ biển cả mênh mông đến rừng cây xanh ngát, những giồng đất màu mỡ; từ những ngôi chùa, cổ miếu trầm mặc mang đậm dấu ấn tâm linh của 3 dân tộc anh em đến những xóm làng kiên cường trong bom đạn chiến tranh... Hiện thực phong phú, đa tầng và giàu cảm xúc ấy chính là nguồn vốn quý giá, là chất liệu vô tận, là nguồn năng lượng đủ đầy để văn nghệ sĩ Bạc Liêu thăng hoa trên con đường sáng tạo.
VH-NT phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật mới, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, đồng thời có tác động trở lại đối với kinh tế, tạo ra sự phấn khởi, tích cực cho mọi tầng lớp nhân dân trong lao động và sản xuất, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển tỉnh nhà trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh.
Lễ giỗ Tổ cổ nhạc (12/8 âm lịch) được Bạc Liêu tổ chức hằng năm nhằm tri ân các thế hệ nghệ sĩ tiền bối đã có công vun bồi cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Ảnh: C.T
…Đến chặng đường mới - nhiệm vụ mới
Trong những năm tới, VH-NT Bạc Liêu đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Để tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp xứng đáng, kế thừa những thành tựu 50 năm qua, VH-NT Bạc Liêu, Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu cần tập trung nguồn lực và trí tuệ vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết phải cập nhật, nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách mới về các lĩnh vực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những định hướng của Đảng về văn hóa, VH-NT. Đây là cơ sở để định hướng, xây dựng chương trình, nhiệm vụ, các hoạt động VH-NT cụ thể.
Phải làm sao để văn hóa và VH-NT thật sự trở thành một “thương hiệu” mạnh, một lợi thế cạnh tranh đặc biệt và nguồn lực nội sinh quan trọng đóng góp vào sự phát triển toàn diện của tỉnh. Tổng kết chặng đường 50 năm phát triển VH-NT của tỉnh giúp chúng ta đúc rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó, có cơ sở để tham mưu, đề xuất cách làm phù hợp và hiệu quả trong giai đoạn mới.
Cần nhận thức sâu sắc và phát huy vai trò của VH-NT trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, hướng tới những tác phẩm VH-NT có tầm vóc tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật cao, mang hơi thở cuộc sống và bản sắc Bạc Liêu, đủ sức lay động lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trong định hướng chỉ đạo và quản lý không chỉ là khuyến khích sáng tác nói chung, mà phải là kiến tạo một môi trường thúc đẩy sự xuất sắc và chuyên nghiệp. Cần khuyến khích tinh thần dấn thân, tìm tòi, cách tân, đột phá trong sáng tạo để VH-NT Bạc Liêu có những tác phẩm đỉnh cao, có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức sống lâu bền.
Đặc biệt, cần sớm hình thành một hội đồng lý luận phê bình VH-NT cấp tỉnh thật sự có uy tín, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà phê bình có năng lực và tâm huyết. Đồng thời, phải tạo ra các diễn đàn, các kênh trao đổi học thuật, phê bình để thẩm định giá trị tác phẩm, định hướng dư luận về thẩm mỹ, giúp văn nghệ sĩ nhìn nhận rõ hơn về sản phẩm sáng tạo của mình và giúp công chúng tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc hơn. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sáng tạo đi vào chiều sâu và chất lượng.
Những nhiệm vụ trên đòi hỏi sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng, sự đổi mới trong tư duy và phương thức hoạt động của các cơ quan quản lý văn hóa và Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh, và trên hết là tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực sáng tạo không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ Bạc Liêu. Với sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cùng với tài năng, tâm huyết và khát vọng cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, hy vọng VH-NT Bạc Liêu sẽ tạo ra những bước đột phá mới, những tác phẩm đỉnh cao, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh và đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.