Sức sống “Dạ cổ hoài lang”

Thứ Hai, 02/10/2017 | 16:42

“Dạ cổ hoài lang” từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Bạc Liêu nói riêng, những người làm nghệ thuật nói chung. Cố GS-TS Trần Văn Khê từng khẳng định: “Trong số cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như bản “Dạ cổ hoài lang” biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sinh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.

“Dạ cổ hoài lang” - bản tình ca chưa bao giờ lỗi thời dù đi xuyên thế kỷ, vẫn giữ vẹn nguyên cảm xúc trong đó. Dẫu có nhiều biến thể, dẫu được trình diễn ở không gian nào, bản nhạc lòng của người nghệ nhân tài hoa Cao Văn Lầu luôn được cất lên bằng thứ cảm xúc thăng hoa nhất. Đặc biệt, từ bản nhạc vốn là tiền thân của vọng cổ này, đã giúp biết bao thế hệ nghệ sĩ thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu. Người ta còn đặt một phép liên tưởng rằng, phải chăng được ra đời trong một đêm trăng vằng vặc, cho nên “bản nhạc lòng” ấy mới có bước phát triển sáng lấp lánh như ngày hôm nay?!

Tiết mục “Dạ cổ hoài lang” trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch). Ảnh: N.V


Để tri ân công lao “cha đẻ” của “Dạ cổ hoài lang”, những người làm nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng, vùng đất nghĩa tình Bạc Liêu nói chung đã có nhiều hành động thiết thực. Đó là tôn tạo bức tượng nhạc sĩ được đặt trang trọng trong Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; đồng thời xây dựng nhiều công trình ý nghĩa khác như: cây đờn kìm cách điệu được ghi tên vào sách Kỷ lục Việt Nam, một con đường, một nhà hát mang tên ông… Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng khu lưu niệm; công bố bản chuẩn “Dạ cổ hoài lang” như một hình thức tôn trọng tác giả; tổ chức thành công Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu năm 2014…
Trong suốt hàng thế kỷ với nhiều thăng trầm, biến chuyển của nghệ thuật sân khấu nói chung, mảnh đất Bạc Liêu vẫn luôn giữ được sự ổn định trên lĩnh vực sân khấu, cũng như sản sinh ra nhiều hiền tài làm rạng danh xứ sở. Từ nghệ sĩ tài hoa Lê Tài Khí, Cao Văn Lầu, cho đến thế hệ tiếp nối là soạn giả Yên Lang, Trọng Nguyễn…, và sau này là đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ đầy nhiệt huyết với nghề. Thay mặt những người làm nghệ thuật ở Bạc Liêu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh - Nguyễn Vũ khẳng định: “Tôi cùng anh em diễn viên, nghệ sĩ quyết tâm phấn đấu gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa, xứng đáng với sự dày công tạo dựng và gìn giữ của tiền nhân; sự tin tưởng giao phó của Tỉnh ủy, UBND, các cấp, ban ngành; đặc biệt là niềm tin yêu, ủng hộ của đông đảo nhân dân đã dành cho nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà”. 

Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.