Văn hóa - Nghệ thuật
Sinh kế ổn định từ những mô hình giảm nghèo của thanh niên
Thời gian qua, nhờ sự đồng hành của Đoàn Thanh niên (TN) các cấp thông qua việc áp dụng những cách làm hay, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả mà TN, người lao động nghèo ở nông thôn được trợ lực kịp thời, có thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu.
Mô hình nuôi dê thương phẩm của anh Hồ Văn Xuyên - Bí thư Chi đoàn ấp Cây Méc (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân).
Hiệu quả từ những mô hình
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng các bể nuôi rắn ri cá bố mẹ, anh Nguyễn Hoàng Kiến (Bí thư Xã đoàn Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) hào hứng chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, những khó khăn trong khâu chăm sóc, tìm thị trường đầu ra… Anh kể: “Trước khi áp dụng mô hình này, tôi đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Xét thấy vốn đầu tư không nhiều, chỉ khoảng 15 triệu đồng là đã có thể thực hiện mô hình. Vậy là tranh thủ nguồn thức ăn tự nhiên là cá tạp trong vuông tôm, tôi đã xây một số bể nuôi và bắt khoảng 200 con rắn giống về thả. Sau khoảng 3 năm gầy giống thì hiện tại đàn rắn của tôi cho thu hoạch từ 5.000 - 6.000 rắn con/năm, lợi nhuận thu về dao động từ 30 - 40 triệu đồng/năm tùy theo thời giá. Cái hay của mô hình là tôi chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi trong ngày để kiếm thêm nguồn thu ổn định hằng năm bên cạnh thời gian chính dành cho công tác chuyên môn ở địa phương và mô hình nuôi tôm quảng canh của gia đình”.
Nhìn vườn ổi sai trái của bạn trẻ Lê Văn Chuẩn (ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A) ít ai tin rằng vườn ổi này chỉ hơn 1 năm tuổi. Theo gia đình anh Chuẩn, vài tháng trở lại đây ổi đã bắt đầu cho thu hoạch, trung bình khoảng 1 tuần thì gia đình có thể thu hoạch từ 10 - 15kg ổi các loại. Vợ chồng Chuẩn hiện sống cùng cha mẹ, buổi sáng vợ chồng anh phụ mẹ bán thức ăn sáng trước nhà. Trưa thì cả nhà tranh thủ đặt rượu để bỏ mối. Nguồn thức ăn thừa từ việc bán thức ăn sáng, cùng hèm đặt rượu được vợ chồng anh dùng để nuôi heo tăng thêm thu nhập.
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn tham quan mô hình nuôi rắn ri cá của anh Nguyễn Hoàng Kiến - Bí thư Xã đoàn Ninh Thạnh Lợi A.
Sau khi được Huyện đoàn - Hội LHTN huyện Hồng Dân hỗ trợ vốn để khởi nghiệp, anh Chuẩn bắt đầu mở rộng mô hình nuôi heo, đồng thời mua hơn 150 gốc ổi giống các loại trồng ở vườn sau nhà. Vậy là chỉ sau 1 năm áp dụng, mô hình lại “làm chơi ăn thiệt”, vợ chồng anh đã có nguồn thu nhập ổn định để tích lũy.
Đâu chỉ chăm lo cho TN nghèo ở địa phương, Đoàn TN các cấp còn có nhiều mô hình hay, thiết thực để chung tay đỡ đầu hộ nghèo, chia sẻ áp lực với công tác an sinh xã hội địa phương. Đơn cử như Đoàn TN xã Hưng Phú (huyện Phước Long) đang áp dụng hiệu quả mô hình “Vé số yêu thương” để đỡ đầu hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, từ đầu năm 2022, Xã đoàn đã nhận vé số từ đại lý về bán thông qua các nền tảng mạng xã hội. Lợi nhuận thu về bước đầu được Đoàn TN phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh xã dùng để đỡ đầu hộ bà Hồ Thị Đoàn (5 triệu đồng). Bà Đoàn đã dùng số tiền này mua 1 con heo nái, giờ đây bà đã có thêm một đàn heo con, khó khăn dần qua đi, cuộc sống gia đình bắt đầu ổn định.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 17 tổ hợp tác TN, gần 110 mô hình phát triển kinh tế, đỡ đầu TN, người lao động nghèo đang phát huy hiệu quả, cho sinh kế bền vững. Hầu hết các mô hình này đều được tiếp cận các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm cho TN.
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn tham quan mô hình trồng ổi của anh Lê Văn Chuẩn (ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A). Ảnh: Đ.K.C
Cùng đồng hành để gỡ khó
Thực tiễn đã qua cho thấy TN, người lao động nghèo ở nông thôn đều có nghị lực vượt khó, có ước mơ thoát nghèo và mong muốn được áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả, nhưng lại gặp khó khăn, trở ngại về nguồn vốn đầu tư, hạn chế kỹ năng, thiếu kinh nghiệm sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, nông sản… Bởi vậy, cần hơn nữa sự đồng hành của tổ chức Đoàn với TN trong khởi nghiệp, lập nghiệp, áp dụng hiệu quả những mô hình thoát nghèo. Đã đến lúc Đoàn TN các cấp tỉnh nhà nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật khởi nghiệp, hỗ trợ thủ tục vay vốn, xây dựng quỹ hỗ trợ TN khởi nghiệp…
Song song đó, cần thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình TN liên kết phát triển kinh tế; khuyến khích TN phát triển các mô hình kinh tế trong khu vực dịch vụ, du lịch, kinh tế biển dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chủ động phối hợp, tham gia triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tham gia khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh để phát triển tổng hợp kinh tế biển, năng lượng tái tạo. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối ý tưởng kinh doanh, giới thiệu nông sản, hỗ trợ đầu ra sản phẩm của TN.
Đoàn Thanh niên xã Hưng Phú trao tiền đỡ đầu từ mô hình “Vé số yêu thương” cho hộ bà Hồ Thị Đoàn. Ảnh: ĐVCC
Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ Vì bạn nghèo của Tỉnh đoàn hỗ trợ, hoặc tạo điều kiện để TN tiếp cận nguồn vốn ưu tiên phát triển sản xuất - kinh doanh, các nguồn xã hội hóa khác để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu… cũng cần được ưu tiên hàng đầu.
Có thể nói, việc đồng hành sát sao, trợ lực để gỡ khó, thẳng thắn đánh giá hiệu quả từ thực tế để áp dụng, duy trì các mô hình… chính là những cách làm hay, sáng tạo, kích thích tinh thần vượt khó, ý chí thoát nghèo, khởi nghiệp của TN mà tổ chức Đoàn các cấp đang nỗ lực thực hiện.
Kim Trúc
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”